Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất động sản nghỉ dưỡng: Xu hướng dịch chuyển đầu tư

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi phân khúc căn hộ, nhà phố gặp khó khăn về nguồn cung, giao dịch chững lại thì bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng ven đô nổi lên như một điểm sáng của thị trường. Nhiều chuyên gia nhận định, xu hướng này sẽ tiếp diễn từ nay đến cuối năm 2020 và những năm tiếp theo.

Thiếu nguồn cung
Anh Nguyễn Trọng Hiếu, trú tại khu phố 8/3 (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, trước đây, anh thường lựa chọn những địa điểm du lịch xa Hà Nội vào thời điểm nghỉ Hè hoặc những ngày lễ nghỉ dài. "Gần đây, gia đình tôi không chọn đi xa mà hay đến những khu vực ven Hà Nội vào dịp cuối tuần. Việc di chuyển không mất nhiều thời gian lại tìm được không gian thư giãn sau một tuần làm việc căng thẳng khiến chúng tôi hứng thú hơn” – anh Hiếu chia sẻ.
Số liệu ước tính từ Tổng cục Thống kê, trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhu cầu đi nghỉ ngơi cuối tuần của những hộ gia đình có thu nhập khá tại Hà Nội tăng từ 20 – 30 lần. Các địa điểm nghỉ dưỡng ven đô thị Hà Nội như Ba Vì, Đại Lải, Sơn Tây và địa bàn lân cận như Mai Châu, Lương Sơn, Kim Bôi (Hòa Bình)… đã trở thành điểm đến lý tưởng, do thuận lợi về giao thông, thời gian di chuyển chỉ mất từ 60 – 90 phút.
 BĐS nghỉ dưỡng đang có sự chuyển dịch đầu tư. Ảnh: Mai Vân
 Đại diện Hiệp hội Du lịch Hà Nội thông tin, chỉ tính riêng việc phục vụ người dân ở Hà Nội, các khu du lịch ven đô cần khoảng 50.000 phòng nghỉ/năm. Ngoài ra, khách tại các địa phương khác cũng như khách quốc tế ngày một gia tăng, khiến sức ép về nguồn cung phòng lưu trú càng lớn hơn. Nhiều khu nghỉ dưỡng ven đô Hà Nội đang có dấu hiệu quá tải.
Cẩn trọng bài học cam kết lợi nhuận
Theo chuyên gia tài chính Đoàn Văn Cương, hiện nay, đa phần sản phẩm BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đều được phát triển theo mô hình huy động nhà đầu tư thứ cấp và có cam kết lợi nhuận trong quá trình vận hành. Việc huy động tài chính từ nhà đầu tư thứ cấp được xem là phương án hữu hiệu nhất mà các chủ đầu tư đang sử dụng để thu hút dòng tiền triển khai dự án, với mức cam kết lợi nhuận từ 8 – 12%/năm.
“Mức cam kết lợi nhuận từ 8 – 12%/năm là phù hợp để có thể thu hút được nguồn tài chính từ nhà đầu tư thứ cấp. Nhưng trước khi đưa ra mức cam kết lợi nhuận, nhà đầu tư cần phải cân nhắc kỹ về khả năng khai thác sản phẩm của mình. Trong đó cần chú trọng đến yếu tố vị trí, phong cách thiết kế, môi trường, cảnh quan và giao thông đi lại” – ông Đoàn Văn Cương nói.
Ở khía cạnh khác, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, sự “đứt gánh giữa đường” của sản phẩm Condotel tại Cocobay Đà Nẵng như một lời cảnh báo về câu chuyện cam kết lợi nhuận của các chủ đầu tư dự án.
“Việc chưa rõ ràng về khung pháp lý khiến cho các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng nói chung có thể mang đến nhiều rủi ro cho những nhà đầu tư thứ cấp. Do đó, để phát triển tốt dự án của mình, chủ đầu tư cần phải có sự cẩn trọng, chắc chắn về pháp lý, đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư” – ông Võ nhìn nhận.

"Cách đây 20 năm, không ai nghĩ có du lịch sinh thái ven đô nhưng giờ lại trở thành món ăn tinh thần với nhiều người. Tuy nhiên, BĐS nghỉ dưỡng ven đô vẫn còn hạn chế về số lượng và cả chất lượng dịch vụ." - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản