Một năm mang "kiếp cua đồng"
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Ngọc Tứ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 7 dự án nhà ở đang triển khai xây dựng (1 dự án nhà ở xã hội, 6 dự án nhà ở thương mại - PV) và 8 dự án nhà ở đang hoàn tất thủ tục để khởi công xây dựng theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn 3 dự án nhà ở đang hoàn tất thủ tục để trình cấp có thẩm quyền công nhận chủ đầu tư và 5 dự án nhà ở đang hoàn tất thủ tục để thực hiện đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư. Cụ thể, trong 5 dự án đang chuẩn bị đấu giá nêu trên có 3 dự án chuẩn bị đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án gồm: Khu nhà ở K2-K6 đường Hùng Vương, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa; Khu nhà ở hỗn hợp cao cấp tại lô số 07 phía Tây đường Hùng Vương, xã Bình Kiến cùng thuộc thành phố Tuy Hòa; Khu đô thị liền kề phía Bắc đường Trần Phú (giai đoạn 1). Hai dự án đấu thầu dự án sử dụng đất gồm: Dự án khu đô thị tại thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An và dự án Khu đô thị Ngọc Lãng, thành phố Tuy Hòa.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tứ, trong năm 2022, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo điều hành như đề nghị các địa phương có giải pháp kiểm soát quản lý thị trường bất động sản, đảm bảo ổn định thị trường bất động sản. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị địa phương thực hiện quy chế phối hợp trong việc báo cáo cung cấp thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định tại Nghị định số 117/2015/NĐ-CP của Chính phủ. |
Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên cũng cho biết thêm, hiện nguồn cung bất động sản trên địa bàn tỉnh là khá lớn, bao gồm phân khúc nhà ở thương mại trong khu đô thị, (được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội - PV) và các dự án đất nền. Tuy nhiên, lượng giao dịch bất động sản qua công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh Phú Yên trong năm 2021 chưa nhiều - nếu không muốn nói là rất hạn chế. Tính đến hết tháng 11/2021, toàn tỉnh chỉ ghi nhận khoảng chừng 2.471 giao dịch. Trong đó, giao dịch đất nền trong khu dân cư là 1.912 giao dịch, giao dịch đất nền trong dự án là... 158 giao dịch.
“Năm 2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc tổ chức đấu giá để lựa chọn chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cũng ảnh hưởng đến kế hoạch thu ngân sách đã đề ra. Dự đến hết quý II/2022, tỉnh sẽ hoàn tất các thủ tục đầu giá và đấu thầu để trao giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư triển khai dự án” - ông Tứ cho biết.
Đồng quan điểm với Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phú Yên, ông Nguyễn Xuân Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Phú Yên cung cấp thêm thông tin, năm 2021 thị trường bất động sản tỉnh này ghi nhận dấu hiệu... đi ngang. Theo ông Châu, thị trường "đi ngang" cả về giá, về số lượng dự án mới, chứ không đơn thuần là "ngang" về số lượng các giao dịch.
“Thực tế tại các phòng công chứng, các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất không nhiều. Tại các phiên đấu giá do Nhà nước tổ chức, các sản phẩm đất có quy mô diện tích lớn từ 1-2 ha đều được các nhà đầu tư đấu giá thành công, nhưng chênh lệch giữa mức giá khởi điểm và mức giá trúng thầu không cao. Cụ thể, mức giá tăng chỉ khoảng từ 500-700 tỷ đồng (mức tăng dưới 10% - PV) và cũng không có nhiều nhà đầu tư tham gia đấu giá” - ông Châu cho biết.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS Phú Yên, những khu vực có lượng giao dịch mạnh như khu dân cư Trần Nhân Tông giá giao động khoảng 30 triệu đồng/m2 hay khu vực dọc tuyến đường Hùng Vương – nơi quy tụ hàng loạt dự án đang triển khai có giá giao động từ 70-80 triệu đồng/m2.
“Mức giá trên gần như không thay đổi trong suốt một năm qua. Tại Phú Yên, duy nhất phân khúc đất xã, vùng xa, thuộc các dự án khép kín có mức giá tăng mạnh nhất, khoảng 200% nhưng chỉ dừng ở mức vài trăm triệu đồng/lô” - ông Châu cho biết.
Thị trường sẽ có sức bật lớn
Nhận định về thị trường năm 2022, ông Nguyễn Xuân Châu cho rằng, Phú Yên là một trong nhưng địa phương có nhiều lợi thế về hạ tầng; đặc biệt là về hạ tầng giao thông khi có đường hàng không (Sân bay Tuy Hoà - PV), có đường sắt và các tuyến đường cao tốc đi qua. Đây cũng là địa phương có tính liên kết vùng cực cao tại khu vực Duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên. Ngoài ra, Phú Yên còn có lợi thế lớn khi tiếp giáp với các khu kinh tế (KKT) lớn của toàn bộ khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ như KKT Nhơn Hội (tỉnh Bình Định) hay KKT Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa).
Không chỉ có vậy, Phú Yên còn có nhiều danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia với hơn 180km bờ biển tuyệt đẹp thuận lợi để phát triển du lịch. Cụ thể, hồi đầu tháng 11/2021, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Năm 2019, Phú Yên đón hơn 1,8 triệu lượt khách du lịch, đạt 110,9% kế hoạch năm, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách quốc tế ước 45.050 lượt, đạt 99,3% kế hoạch năm, tăng 9,8% so với năm 2018. Doanh thu trong hoạt động du lịch là 1.940 tỷ đồng. |
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Phú Yên duy trì tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân trên 14%/năm, trong đó khách quốc tế tăng khoảng 15-20%/năm; doanh thu du lịch tăng trưởng bình quân trên 14%/năm; công suất sử dụng buồng trung bình hàng năm đạt khoảng 61%. Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của hoạt động du lịch vào GRDP của tỉnh khoảng 5-7% và có trên 4.000.000 lượt khách du lịch đến tỉnh, trong đó có hơn 50.000 lượt khách quốc tế và khoảng 600 cơ sở lưu trú du lịch với 12.600 buồng (khoảng 20 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 3-5 sao - PV). Doanh thu du lịch khoảng 6.000 tỷ đồng, chi tiêu bình quân khách du lịch 1,5 triệu đồng/lượt khách. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2030, du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỷ trọng đóng góp của hoạt động du lịch vào GRDP của tỉnh từ 10% trở lên. Có 6.000.000 lượt khách đến tỉnh, trong đó có 600.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch khoảng 12.600 tỷ đồng.
“Điều quan trọng là các nhà đầu tư đến Phú Yên chưa nhiều, nên giá đất khu vực này vẫn còn mềm hơn rất nhiều so với 2 tỉnh láng giềng là Khánh Hòa và Bình Định. Hiện giá đất khu vực đường ven biển tại Phú Yên giao động từ 30 triệu đến gần 100 triệu đồng/m2 tùy khu vực. Mức giá này thấp hơn so với thị trường Bình Định và Khánh Hòa từ 3 - 6 lần. Điển hình như giá đất trên mặt tiền đường Xuân Diệu (TP Quy Nhơn - Bình Định) có giá không dưới 350 triệu đồng/m2, hay đường biển Trần Phú (TP Nha Trang - Khánh Hòa) có giá hơn 500 triệu đồng/m2. Đây cũng chính là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư” - ông Nguyễn Xuân Châu cho biết.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Phú Yên, với tiềm năng và lợi thế sẵn có như vậy, không có lý do gì thị trường BĐS Phú Yên không trỗi dậy trong tương lai gần. Thậm chí, nếu có chính sách "tiếp sức" phù hợp, thì trường BĐS Phú Yên có thể sẽ "đứng dậy" ngay năm 2022 tới đây. "Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường sẽ sớm sôi động - ông Châu nói - cụ thể là, ngay trong giai đoạn đầu năm mới tới đây, Phú Yên sẽ có khoảng 10 dự án được chấp thuận đầu tư và sẽ giới thiệu ra thị trường khoảng 2.000 sản phẩm". Ngoài ra, tâm lý của các nhà đầu tư thứ cấp đang có xu hướng đầu tư vào bất động sản sau gần 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19.
“Đặc biệt, mới đây, một số nhà đầu tư có tên tuổi như Tập đoàn Hưng Thịnh, SunGroup, Novaland, Vinaconex và Vina Capital... đã có những buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Yên, đề xuất triển khai các dự án quy mô lớn tại địa phương. Tuy mọi chuyện vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng việc những "ông lớn" trong giới kinh doanh bất động sản "để mắt" tới Phú Yên cũng sẽ là động lực lớn để thị trường bất động sản tỉnh này có cơ hội phát triển trong giai đoạn tới” - ông Châu nhận định.