Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất động sản sẽ hút vốn từ chứng khoán

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020, thị trường chứng khoán có sự tăng trưởng mạnh, lần đầu tiên ghi nhận mức điểm trên sàn đạt ngưỡng 1.100 điểm.

Các chuyên gia nhận định, bất động sản (BĐS) sẽ trở thành kênh hút vốn từ chính nhà đầu tư chứng khoán.
Lợi thế trong cuộc đua

Những ngày cuối của năm 2020, thị trường chứng khoán đã thiết lập kỷ lục mới, chỉ số VN-Index trên đà “hưng phấn” đạt mốc 1.100 điểm, chính thức trở thành thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong rổ thị trường cận biên theo hệ thống phân loại của tổ chức định hạng thị trường quốc tế MSCI (Morgan Stanley Capital International). Theo lộ trình tăng tỷ trọng, thị trường Việt Nam cuối năm 2020 đạt 15,76%, lớn nhất trong nhóm cận biên MSCI.
Tuy nhiên, dự báo trong năm 2021, khi Việt Nam cơ bản kiềm chế được Covid-19 và hàng loạt cơ chế cho thị trường BĐS được tháo gỡ, sẽ tác động tích cực đến quá trình tăng trưởng kinh tế, ngược lại chứng khoán kém hấp dẫn hơn.
 Khách hàng tham khảo thông tin một dự án bất động sản ở Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
“Kênh chứng khoán sẽ giảm trong năm 2021, dù lúc này vẫn đang tăng trưởng. Nguyên nhân do hoạt động giãn nợ vay vốn ngân hàng trong năm 2020 bắt đầu tác động trong năm này. Trong cuộc đua BĐS và chứng khoán, chứng khoán đã thắng cuối năm 2020 nhưng sau tháng 1/2021, chứng khoán sẽ giảm, còn BĐS sẽ tăng nhanh” – TS Nguyễn Đức Hưởng, chuyên gia kinh tế - tài chính cho biết.

Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (HOSE), trong 3 phiên giao dịch từ ngày 20 - 22/1, VN-Index hồi phục và mang về tổng cộng hơn 35 điểm. Tuy nhiên, trong tuần giao dịch vừa qua chỉ số vẫn còn bị thâm hụt hơn 27 điểm. Đây là một tuần hiếm hoi VN-Index bị mất điểm trong vòng hơn một tháng trở lại đây. Phiên giảm điểm sâu ngày 19/1 gây tác động đến tâm lý nhà đầu tư ngay cả khi thị trường hồi phục trở lại.
Sự lưỡng lự trong tâm lý giao dịch thể hiện qua diễn biến giằng co trên thị trường, trong 3 phiên hồi phục thì 2 phiên chỉ số tăng nhẹ, thị trường phân hóa mạnh, sự đồng thuận tăng điểm trên thị trường không cao. Trước những diễn biến phức tạp của thị trường, nhiều nhà đầu tư có xu hướng chuyển hướng sang một số kênh khác an toàn hơn, trong đó có BĐS.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, chứng khoán là kênh đầu tư lựa chọn về khách hàng. Nhà đầu tư chứng khoán yêu cầu phải có những kiến thức tốt xu thế của thị trường, sản phẩm kinh doanh và tốn nhiều công sức. Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu chứng khoán có thể biến động lên xuống liên tục, phụ thuộc vào sự quản trị của DN, gây ra những yếu tố tâm lý đối với nhà đầu tư.
“Ngược lại, BĐS lại là kênh đầu tư đơn giản hơn, phù hợp với mọi đối tượng, an toàn do giá trị thực gần như không thay đổi. Trong khi đó, tốc độ gia tăng dân số nhanh như hiện nay, sở hữu hoặc đầu tư một sản phẩm BĐS thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể tin tưởng vào khả năng sinh lời” – ông Nguyễn Văn Đính nhìn nhận.

Giải quyết nút thắt về cơ chế

Vụ trưởng Lê Nhị Năng - Trưởng Cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP Hồ Chí Minh Lê Nhị Năng cho biết, hiện nay, thị trường BĐS đang đối diện với nhiều khó khăn nhưng nhu cầu mua BĐS để ở và đầu tư vẫn còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh lãi suất cho vay của các ngân hàng đang có xu hướng giảm. “Chính vì vậy, cổ phiếu BĐS sẽ vẫn là nhóm được đặc biệt quan tâm và có tiềm năng tốt để đầu tư” - ông Lê Nhị Năng nhìn nhận.

Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn Nguyễn Quốc Anh cho biết, lợi thế của BĐS trong cuộc đua với các kênh đầu tư khác là tiềm năng hiện hữu của thị trường, như giá BĐS thời gian gần đây liên tục tăng; tốc độ đô thị hóa chưa cao, đạt 35 – 40% (các nước trong khu vực là 70 – 80%). Riêng Hà Nội tỷ lệ này đạt 49%, thấp hơn mức 54% trong 10 năm trước do mở rộng địa giới hành chính.
“Tốc độ đô thị hóa thấp khiến thị trường còn nhiều tiềm năng, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều DN bán hàng tốt thông qua hình thức online với người nước ngoài. Dự báo, giá thị trường tiếp tục tăng trong tương lai vì giai đoạn 2002 - 2020, giá BĐS tại Hà Nội tăng 33 lần, TP Hồ Chí Minh tăng 16 lần” – ông Nguyễn Quốc Anh cho hay.

Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, mặc dù vẫn còn nhiều dư địa trong quá trình hút đầu tư nhưng năm 2021, thị trường BĐS vẫn phải đối diện với một số vướng mắc về pháp lý. “Nghị định 148/2020/NĐ-CP đã có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung theo hướng tích cực nhưng vẫn chưa lấp đầy được khoảng trống của thị trường BĐS bởi nó chưa bao phủ được hết vấn đề về Luật Đất đai, Luật Nhà ở... khiến cho tâm lý của DN vẫn còn lưỡng lự. Tác động của pháp lý dẫn đến sự lệch pha cung – cầu, việc hạn chế cấp phép mới khiến nhà đầu tư gom hàng dẫn đến giá bán tăng, để cân bằng thị trường cần phải vượt qua được thách thức này” – GS Đặng Hùng Võ nhìn nhận.

Thêm khó khăn của thị trường hiện nay được các chuyên gia nhìn nhận rằng, do tinh thần luật mới chưa được chuyển hóa đến cơ quan công quyền, mặc dù một số luật như Luật Kinh doanh BĐS, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai... đều có sự sửa đổi nhưng đang phải chờ những nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể.

"Chứng khoán là kênh đầu tư dành cho những người sành sỏi, am hiểu thị trường tài chính. BĐS là kênh đầu tư quen thuộc với mọi người dân Việt Nam nhưng lại cần nguồn lực đầu tư lớn. Mặc dù chưa thể khẳng định một cách chính xác là đầu tư vào kênh nào sẽ tốt nhất, bởi điều này phụ thuộc vào thế mạnh của mỗi nhà đầu tư và sự chấp nhận đánh đổi khi quyết định lựa chọn kênh đầu tư phù hợp nhưng ở thời điểm hiện tại, tôi cho rằng, BĐS sẽ được nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn, do những thay đổi về cơ chế của Nhà nước. Thị trường tài chính cũng có tác động không nhỏ, mức lãi suất ngân hàng thấp kỷ lục trong khoảng 15 năm trở lại đây." - Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Cấn Văn Lực


"Thị trường BĐS đang cho thấy những cơ hội đầu tư tốt, các thương vụ đầu tư lớn từ nước ngoài vẫn diễn ra, cùng với đó là những thương vụ mua bán – sáp nhập sẽ giúp cho thị trường sớm được hoạch định lại. Nhà đầu tư trong nước cũng quan tâm nhiều đến BĐS, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư có nguồn vốn tốt, tham gia thị trường vào giai đoạn khó khăn để đón đầu một chu kỳ phát triển mới." - Chuyên gia nghiên cứu thị trường BĐS, TS Sử Ngọc Khương