Tuy nhiên, các chuyên gia lại đưa ra cảnh báo, cần hết sức cẩn trọng với việc giá đất tăng “ảo” ở thời điểm này.
Giá đất lại… tăng?
Gia đình anh Nguyễn Văn Thuấn, trú tại hẻm 4, ngõ 133 Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa mới mua một lô đất tại xã Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) với giá 30 triệu đồng/m2. Điều đáng nói, cách đây khoảng 2 tháng, khi “làm giá” với môi giới, lô đất này chỉ có giá 28 triệu đồng/m2 nhưng do thời điểm đó gia đình anh chưa chuẩn bị được đủ tài chính, đến khi quay lại giá đất đã được đẩy lên.
“Đi tìm nhiều nơi nhưng cũng không thấy có mảnh nào phù hợp hơn nên tôi đành phải chấp nhận mất thêm gần 100 triệu đồng nữa cho lô đất này chỉ sau có gần 2 tháng” – anh Thuấn chia sẻ.
Theo anh Trần Ngọc Sơn - chủ một đại lý môi giới BĐS tại ngã ba Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội), thời điểm hiện tại, giá đất nền tại một số khu vực của huyện Thanh Trì đã tăng nhẹ, tỷ lệ “tăng nhiệt” ở mức từ 2 – 7% tùy vào từng vị trí, nghĩa là giá đất đã tăng từ 500.000 - 2.000.000 đồng/m2.
“Đây là thời điểm miền Bắc bước vào mùa khô, không có mưa và cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi nắng nóng, phù hợp cho việc xây dựng. Bên cạnh đó, những tháng cuối năm, người dân có nhu cầu mua đất làm nhà nhiều hơn để cho kịp có nhà mới đón Tết nên việc mua bán cũng diễn ra nhanh hơn” – anh Sơn nói.
Ghi nhận thực tế, “cơn sốt” ở thời điểm 2017 – 2018 đã đẩy giá BĐS tại các huyện chuẩn bị được nâng cấp hành chính thành quận (gồm: Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì) lên nhanh một cách chóng mặt, cao gấp từ 2 – 3 lần so với thời điểm trước đó.
Đơn cử, tại huyện Đông Anh, khu vực có tỷ lệ tăng giá được đánh giá là cao nhất, ở thời điểm đầu 2019 giá đất nền tại thôn Lễ Pháp (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) ở mức 30 – 35 triệu đồng/m2 trong khi giá bán ở thời điểm cuối năm 2017 là 15 – 17 triệu đồng/m2; tại xã Xuân Canh ghi nhận ở mức 35 – 40 triệu đồng/m2 trong khi trước đó khoảng 20 triệu đồng/m2.
Tại Gia Lâm, khu vực Kiêu Kỵ giá chào bán đất gần mặt đường rộng 5m giá 40 – 45 triệu đồng/m2, ở thời điểm trước đó có giá 28 – 30 triệu đồng/m2; tại các khu vực Cổ Bi, Đa Tốn, Phù Đổng, Yên Viên… giá cũng tăng khoảng 2 lần. Hay tại các huyện khác như: Hoài Đức, Thanh Trì đều ghi nhận giá đất có sự tăng trưởng mạnh so với thời điểm trước đó.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính, thông tin về việc các huyện được đề xuất nâng cấp đơn vị hành chính thành quận đã kích thích nhà đầu tư và môi giới tập trung vào khu vực đó, khiến cho các sản phẩm BĐS có sự gia tăng mạnh về giá. Nhưng giá trị thực của sản phẩm là dựa trên các yếu tố về hạ tầng và phân bố dân cư.
“Các khu vực chưa hoàn thiện hạ tầng, chưa có người đến ở, giá BĐS thường không đảm bảo được tính bền vững, nếu cứ theo trào lưu đầu tư thì giá sẽ được đẩy lên cao nhưng sau đó sẽ bị khủng hoảng” – ông Đính cho hay.
Sau “cơn sốt” vào thời điểm cuối năm 2018, hoạt động mua bán, sang nhượng BĐS tại các huyện này lại trở nên thưa dần, các giao dịch gần như chỉ diễn ra giữa các nhóm đầu tư, không có những người có nhu cầu mua để ở.
Tuy nhiên, hiện tại khi bước vào chu kỳ cuối năm, đất tại các khu vực này, thông qua các sàn giao dịch lại rục rịch tăng giá, ghi nhận ở mức từ 2 – 7%, tùy thuộc vào từng vị trí của lô đất.
Cẩn trọng chiêu trò của “cò” đất
Những biến động “ngoạn mục” về giá BĐS được thiết lập trong một thời gian ngắn tại các khu vực chuẩn bị được nâng cấp đơn vị hành chính thành quận của Hà Nội. Nhưng từ đầu quý II/2019 đến nay, thị trường đã không còn sôi động như thời điểm cuối năm 2018. Trong khi đó, giới đầu tư và “cò” đất đang tích cực hâm nóng lại các giao dịch bằng nhiều chiêu thức khác nhau như: Tung tin tăng giá, thực hiện các giao dịch ảo…
Để hiểu rõ thực hư của vấn đề, phóng viên đã liên hệ với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì (Hà Nội). Đại diện cơ quan này cho biết, tất cả các hoạt động sang nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn trong thời gian gần đây vẫn diễn ra bình thường, không ghi nhận sự gia tăng đột biến.
“Các hoạt động chuyển nhượng đa phần là sản phẩm nhỏ lẻ trong khu dân cư và số lượng không nhiều” – đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì cho hay.
Theo ông Vũ Đức Tuyên – Hiệp hội BĐS Việt Nam, thời điểm hiện tại, thị trường BĐS nói chung đang có dấu hiệu chững lại nhưng nhu cầu về nhà đất của người dân còn rất lớn, những sản phẩm nào đầy đủ tính pháp lý thì vẫn có thể giao dịch bình thường.
“Tôi nghĩ rằng, vào thời điểm cuối năm, giá BĐS tại các khu vực chuẩn bị được nâng cấp hành chính thành quận của Hà Nội sẽ có sự tăng nhẹ nhưng khó có thể tạo thành “cơn sốt” như thời điểm trước đó và cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường” – ông Tuyên nói.
Cũng theo ông Vũ Đức Tuyên, không ngoại trừ khả năng thông tin đất tăng giá là có thật. Song người mua cũng nên cảnh giác với các chiêu trò của “cò” đất, nếu chỉ vì tâm lý muốn mua nhanh để có thể về nhà mới vào dịp Tết Nguyên đán, khách hàng sẽ dễ bị mất thêm một khoản tiền chênh lệch tương đối lớn. Người mua cũng phải cẩn trọng với những giao dịch có giá cả bất thường, vì khi bị môi giới làm giá lên cao, sản phẩm cũng sẽ nhanh chóng hạ nhiệt và người mua thì bị thua lỗ.
"Một số điểm nóng về BĐS tại Hà Nội như Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì thường xảy ra “sốt” đất vì thông tin quy hoạch đô thị, tạo ra sự quan tâm của nhiều người. Vì vậy, chính quyền phải công khai, minh bạch các quy hoạch để tránh tình trạng “sốt” đất xảy ra." - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Khởi |