Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bắt giữ và khởi tố hàng trăm đối tượng buôn lậu

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong năm 2022, các lực lượng chức năng trên toàn quốc đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 139.758 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bắt giữ và khởi tố hơn 600 vụ với hơn 700 đối tượng vi phạm.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ 2023 do Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức ngày 22/2.

Buôn lậu, gian lận thương mại vẫn nóng tại các tuyến biên giới

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Lê Thanh Hải thông tin, năm 2022, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 139.758 vụ việc vi phạm (tăng 1,17% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, phát hiện, bắt giữ 11.945 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (giảm 17,75% so với cùng kỳ năm 2021); 124.121 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 2,36% so với cùng kỳ năm 2021); 3.692 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 56,51% so với cùng kỳ năm 2021); thu nộp ngân sách nhà nước 12.829 tỷ đồng (giảm 29,92% so với cùng kỳ năm 2021); khởi tố hình sự 642 vụ (giảm 68,96% so với cùng kỳ năm 2021), 720 đối tượng (giảm 73,86% so với cùng kỳ năm 2021).

Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế tại số 43 đường 3, Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn).
Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế tại số 43 đường 3, Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn).

Tuy nhiên, theo ông Hải, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi trên các tuyến biên giới đất liền, tuyến cảng biển, các vùng biển, tuyến hàng không… Cùng với đó việc sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hết hạn sử dụng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại diễn ra trên hầu hết các địa bàn trong cả nước.

Cụ thể, trên tuyến biên giới Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng việc đi lại qua các đường mòn, lối mở, kênh rạch, sông, suối biên giới thuận tiện để buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, đường cát, vàng, ngoại tệ, hàng gia dụng... từ nước ngoài vào Việt Nam.

Tại các cảng biển, lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước và thực tế hoạt động xuất nhập hàng hóa qua các cảng biển có lưu lượng rất lớn, các đối tượng thành lập các doanh nghiệp, không khai báo hải quan hoặc khai báo gian dối về số lượng, giá trị, chủng loại, xuất xứ… để trốn thuế, xuất lậu, nhập lậu hàng hóa có điều kiện, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là khu vực các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh.

Tại các vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm như ma túy, vật liệu nổ, thuốc lá điếu, vận chuyển trái phép các loại hàng hóa như xăng, dầu, than, khoáng sản, hàng điện tử, điện lạnh, thực phẩm, hàng đông lạnh… diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường hoán cải phương tiện khai thác, đánh bắt hải sản, sử dụng trang thiết bị hiện đại, đổi tên, số hiệu phương tiện, lợi dụng đường phân định, vùng biển giáp ranh để mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển.

Năm 2022, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng hóa khác qua đường hàng không có chiều hướng tăng cả về quy mô và số lượng. Các đối tượng lợi dụng hoạt động chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính qua các tuyến hàng không để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm như ma túy, sản phẩm động vật hoang dã, ngoại tệ, xì gà, điện thoại, vật tư y tế, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Tập trung xử lý các tụ điểm, đối tượng cầm đầu buôn lậu, gian lận thương mại

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, năm 2023, các bộ, ngành, tỉnh, thành phố quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

QLTT Hà Nội kiểm tra, bắt giữ hàng lậu tại điểm vận chuyển hàng hóa trên địa bàn quận Đống Đa.
QLTT Hà Nội kiểm tra, bắt giữ hàng lậu tại điểm vận chuyển hàng hóa trên địa bàn quận Đống Đa.

Cùng với đó, chủ động nắm chắc, dự báo sát, đúng tình hình; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm, mặt hàng, hoạt động nổi lên; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động; đề ra các giải pháp phù hợp nhằm đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách, quản lý.

Xây dựng các chương trình, kế hoạch chuyên đề, cao điểm, các giải pháp tổ chức lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp, nổi cộm; Chủ động kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp các lực lượng, đơn vị, địa phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tiếp nhận, xử lý kịp thời tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường dây nóng;

Đồng thời, đề cao và gắn trách nhiệm người đứng đầu các ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương các cấp với kết quả công tác; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ nhằm phòng ngừa tiêu cực, kịp thời phát hiện, ngặn chặn, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm kỷ luật, pháp luật, tham gia hoặc tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…