Reuters dẫn lời một quan chức tại Washington cho biết, Mỹ đã bắt đầu sơ tán các nhà ngoại giao của mình và gửi thêm binh sĩ để giúp đảm bảo an ninh cho sân bay Kabul, cũng như đại sứ quán Mỹ sau khi Taliban tiến công chớp nhoáng, dự kiến đưa nhóm Hồi giáo này tới cửa ngõ thủ đô trong vài ngày tới.
Đáng nói, mới tuần trước, một báo cáo của tình báo Mỹ cho biết Kabul có thể cầm cự trong ít nhất 3 tháng.
Sự thất thủ của Jalalabad hôm 15/8 cho phép quân nổi dậy kiểm soát con đường dẫn đến TP Peshawar của Pakistan, một trong những đường cao tốc chính vào Afghanistan. Diễn biến này đến sau việc Taliban chiếm giữ TP Mazar-i-Sharif ở phía Bắc vào cuối ngày 14/8, cũng với rất ít giao tranh.
Một quan chức Afghanistan có trụ sở tại Jalalabad nói với Reuters: "Hiện tại không có cuộc đụng độ nào diễn ra ở Jalalabad vì thị trưởng đã đầu hàng Taliban. Cho phép Taliban đi qua là cách duy nhất để cứu sống dân thường".
Một quan chức an ninh khác của TP cho biết, Taliban đã đồng ý duy trì lối đi an toàn cho các quan chức chính phủ và lực lượng an ninh rời Jalalabad. Quyết định đầu hàng được đưa ra chủ yếu để "tránh thương vong và tàn phá".
Khi thủ đô ngày càng bị cô lập như một thành trì cuối cùng của Chính phủ, người dân Afghanistan cũng đã đổ xô vào Kabul do lo sợ sự trỗi dậy của chế độ Hồi giáo hà khắc.
Reuters phản ánh, sáng 15/8, những người tị nạn từ các tỉnh do Taliban kiểm soát đã đứng chờ bên ngoài cổng các đại sứ quán cùng đồ đạc và gia đình, trong khi khu trung tâm của thủ đô chật cứng người đang tích trữ đồ tiếp tế.
Sau khi lực lượng quân đội các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã rút phần lớn số binh sĩ còn lại của họ vào tháng trước, chiến dịch của Taliban đã tăng tốc, khiến những tuyến phòng thủ của quân đội nhà nước Afghanistan sụp đổ trong bất lực.
Các chính phủ phương Tây đang đẩy nhanh kế hoạch sơ tán nhân viên đại sứ quán, công dân và những người Afghanistan từng làm việc cho họ. Truyền thông Anh đưa tin, đại sứ Anh sẽ rời Afghanistan vào tối 15/8. Một quan chức Iran cho biết, đại sứ quán của nước này ở Kabul sẽ được sơ tán vào ngày 16/8.
Tổng thống Joe Biden hôm 14/8 đã phải ra lệnh triển khai 5.000 lính Mỹ tới Afghanistan để giúp sơ tán công dân và đảm bảo việc rút quân "có trật tự và an toàn". Ông Biden cho biết, chính quyền Washington đã cảnh báo các quan chức Taliban trong những cuộc đàm phán tại Qatar, rằng bất kỳ hành động nào khiến nhân viên Mỹ gặp rủi ro "sẽ phải đối mặt với một phản ứng quân sự nhanh chóng và mạnh mẽ từ Mỹ".
"Sự hiện diện không thấy hồi kết của người Mỹ giữa cuộc xung đột dân sự của nước khác là điều không thể chấp nhận được đối với tôi", Tổng thống Biden phát biểu hôm 14/8, giữa bối cảnh phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng trong nước khi chiến dịch của Taliban thành công nhanh hơn nhiều so với dự đoán. Ông chủ Nhà Trắng được cho đã "mắc kẹt" với một kế hoạch do người tiền nhiệm Đảng Cộng hòa - Donald Trump - khởi xướng, nhằm kết thúc sứ mệnh của quân đội Mỹ tại Afghanistan vào ngày 31/8.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hôm 14/8 đã hội đàm với các nhà lãnh đạo địa phương và đối tác quốc tế, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổng thống Ghani và Ngoại trưởng Blinken đã thảo luận về những nỗ lực khẩn cấp nhằm giảm bạo lực ở Afghanistan.
Qatar - quốc gia đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình "bất phân thắng bại" cho đến nay giữa chính phủ Afghanistan và Taliban - cho biết họ đã thúc giục quân nổi dậy ngừng bắn. Trong khi Tổng thống Ghani không có dấu hiệu phản hồi yêu cầu của Taliban về việc ông từ chức, được xem như một điều kiện cho bất kỳ lệnh ngừng bắn nào.
Theo chuyên gia Linda Bilmes trường Kennedy của Đại học Harvard và từ dự án Chi phí Chiến tranh của Đại học Brown, trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2011, Mỹ đã đồng thời tham chiến tại cả Afghanistan và Iraq, và nhiều lực lượng quân đội Mỹ bị điều động trong cả 2 cuộc chiến, do đó một vài số liệu dưới đây bao gồm cả hai cuộc chiến sau sự kiện 11/9. Cụ thể, báo cáo cho biết, số quân nhân Mỹ thiệt mạng ở Afghanistan tính đến tháng 4/2021 là 2.448. Bên cạnh đó là 3.846 người làm hợp đồng của Mỹ, 1.144 thành viên đồng minh, 444 nhân viên cứu trợ và 72 nhà báo. Trong khi đó, 66.000 quân đội và cảnh sát Afghanistan, 47.245 thường dân Afghanistan, 51.191 chiến binh từ lực lượng Taliban và phe đối lập cũng thiệt mạng.Về chi phí cho cuộc chiến theo dữ liệu tín dụng (không bao gồm các khoản tiền mặt), báo cáo ước tính số tiền chi phí trực tiếp cho chiến tranh Afghanistan và Iraq mà Mỹ đã vay nợ tính đến năm 2020 là 2 nghìn tỷ USD, đồng thời chi phí lãi vay ước tính vào năm 2050 lên đến 6,5 nghìn tỷ USD.Báo cáo cũng nêu ra những khoản chi phí Mỹ sẽ còn tiêu tốn vào chiến trận ở Afghanistan dù rút khỏi đây. Chuyên gia Bilmes ước tính Mỹ đã cam kết chi trả các chi phí chăm sóc sức khỏe, tàn tật, mai táng và các chi phí khác cho khoảng 4 triệu cựu chiến binh Afghanistan và Iraq vào khoảng hơn 2 nghìn tỷ USD. Số chi phí này dự kiến đạt đỉnh sau năm 2048. (Tú Anh) |