Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất ổn kinh doanh xăng, dầu: Vẫn loay hoay sửa Nghị định

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc hàng nghìn DN bán lẻ xăng, dầu có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi các bộ, ngành góp ý sửa đổi các quy định về kinh doanh xăng, dầu đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.

Trong khi đó, người dân và DN cả nước vẫn đang ngóng chờ từng ngày việc Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ dự thảo cuối cùng nhằm sớm giải quyết triệt để các vấn đề tồn tại gây bất ổn thị trường xăng, dầu trong thời gian qua.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu thiệt đơn, thiệt kép

Mới đây, trong đơn gửi Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Công Thương, Tư pháp và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện cộng đồng DN bán lẻ xăng, dầu tại nhiều tỉnh, TP kiến nghị nhiều giải pháp để bình ổn thị trường.

Người tiêu dùng mua xăng trên Quốc lộ 32. Ảnh: Hải Linh
Người tiêu dùng mua xăng trên Quốc lộ 32. Ảnh: Hải Linh

Nhóm DN bán lẻ phản ánh, Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu hiện có nhiều quy định chưa phù hợp, đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ dẫn đến DN bán lẻ xăng, dầu thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, kéo theo sự đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn. Cụ thể, thời gian qua, các DN bán lẻ phải chịu mức chiết khấu 0 đồng, nhà cung cấp tự kê phí vận chuyển lên quá cao so với thực tế khiến các DN bán lẻ đang lỗ rất nặng nhưng vẫn buộc phải bán hàng. Cùng với đó, DN bán lẻ chỉ được lấy hàng một đầu mối nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu. Một điểm bất hợp lý nữa là thương nhân phân phối cũng sở hữu cửa hàng bán lẻ, làm chủ chuỗi cung ứng của chính họ.

Các thương nhân phân phối được tính định mức lợi nhuận và được lấy hàng ở nhiều nơi, chủ động được nguồn hàng khi tham gia thị trường. Chính vì vậy khi giá tăng, DN bán lẻ thường bị nhà cung cấp từ chối bán, hầu hết là không giao hàng để giữ lại hưởng chênh lệch giá. Do đó, cộng đồng DN bán lẻ kiến nghị cơ quan điều hành nên ghi nhận chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các DN. Các DN bán kẻ cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 12 Điều 1 Nghị định số 95. Theo đó, DN bán lẻ được mua xăng, dầu từ 3 DN đầu mối hoặc thương nhân phân phối.

Như vậy, mấu chốt vấn đề là sửa Nghị định 95 và Nghị định 83. Việc gấp rút sửa đổi Nghị định này cũng được nêu rất rõ tại Chỉ thị số 03 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều DN, đề xuất của Bộ Công Thương vẫn chưa giải quyết được các vấn đề tồn tại (chiết khấu, nguồn hàng, kỳ điều hành, giá bán lẻ).

Vẫn loay hoay sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng, dầu

Trong dự thảo lần 2 về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95 và 83 về kinh doanh xăng, dầu, Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên các quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành trong phân công công tác quản lý Nhà nước đối với mặt hàng xăng, dầu.

 

TP Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện cho DN xây dựng phát triển hệ thống cửa hàng xăng, dầu, đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền tại buổi làm việc với Công ty Xăng dầu khu vực 1 ngày 2/2/2023. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Sở Công Thương nghiên cứu kỹ quy hoạch hệ thống phân phối xăng dầu, có quy định cụ thể của TP về khoảng cách giữa các cây xăng, bảo đảm phân phối hợp lý trên địa bàn.

Tuy nhiên, cần làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan và bổ sung nội dung “Thời gian điều chỉnh chi phí định mức rút xuống còn 1 quý/lần. Nếu trong quý có biến động tăng, giảm từ 5% trở lên thì cho phép điều chỉnh ngay”.

Liên quan đến mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng, dầu, qua phân tích ưu và nhược điểm, Bộ Công Thương lựa chọn phương án, không quy định mức chiết khấu tối thiểu, để các DN tự quyết định và điều chỉnh linh hoạt nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với cung cầu xăng, dầu trên thị trường trong từng thời điểm, có sự chia sẻ khó khăn giữa các đại lý với các đơn vị cấp xăng, dầu. Trường hợp nhằm bảo đảm lợi ích của các cửa hàng bán lẻ, khi ký kết hợp đồng đại lý (nhượng quyền thương mại) các đại lý cần đưa ra điều khoản về mức chiết khấu tối thiểu với đơn vị cấp hàng.

Về nội dung cho phép các đại lý bán lẻ xăng, dầu được lấy từ nhiều nguồn nêu trong dự thảo lần 2, Bộ Công Thương đã đề xuất lựa chọn theo hướng cho phép đại lý kinh doanh xăng, dầu được lấy từ nhiều nguồn. Theo Bộ Công Thương, phương án này nhằm đa dạng nguồn cung cấp xăng, dầu cho đại lý, tăng vị thế cho đại lý trong quá trình đàm phán mua hàng. Bên cạnh đó, thương nhân phân phối xăng, dầu được mua xăng, dầu từ 3 đầu mối kinh doanh xăng, dầu theo hợp đồng mua bán xăng, dầu, thay vì được mua từ nhiều nguồn như hiện nay.

Bình ổn thị trường xăng, dầu vẫn là bài toán khó

Góp ý về quy định chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành trong phân công công tác quản lý Nhà nước đối với mặt hàng xăng, dầu, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ nên giao cho Bộ Công Thương quản lý chính sẽ sát thực tiễn hơn và đúng với Luật Giá. Cùng với đó, theo nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa, cần khẩn trương sửa đổi Nghị định 95 nhưng phải đảm bảo thận trọng, công tâm và khách quan. Sửa đổi Nghị định về xăng, dầu theo hướng cho phép mở rộng thị trường nhập khẩu xăng, dầu, không chỉ những thị trường có thuế suất ưu đãi, mà cả những thị trường có thuế suất không ưu đãi và chấp nhận mức thuế suất này trong giá cơ sở, để chủ động nguồn cung.

Song song đó, điều chỉnh ngay các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng, dầu đã lỗi thời theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ thực tế hiện nay bao gồm: Premium của nguồn nhập khẩu và mua trong nước theo đúng tập quán quốc tế; chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam; chi phí đưa xăng, dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng.

Ngay trong dịp Tết Nguyên đán và cách đây ít ngày, tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng cửa hàng bán lẻ xăng, dầu tự ý đóng cửa, bán hàng nhỏ giọt mà không thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Nguyên nhân sâu xa không đơn thuần chỉ là các cửa hàng chưa kịp nhập xăng về hay kinh doanh thua lỗ mà còn là biểu hiện tái diễn bất ổn khi cơ chế điều hành ở khâu bán lẻ chưa phù hợp. Tình trạng này đặt ra bài toán cho cơ quan điều hành là làm sao để giải quyết triệt để được vấn đề thiếu hụt xăng, dầu tại các cửa hàng bán lẻ?

Nhiều chuyên gia khuyến nghị, cùng với việc thực hiện yêu cầu của Chính phủ bảo đảm đủ nguồn cung ứng xăng, dầu trong nước, Bộ Công Thương cần giám sát các DN đầu mối, cơ sở bán lẻ, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, hoạt động không đúng quy định. Đặc biệt, cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước vào thị trường xăng, dầu là điều chỉnh thuế và phí đối với mặt hàng xăng, dầu. Thậm chí Nhà nước có thể dùng ngân sách bù lỗ cho các DN bán lẻ xăng, dầu trong tình huống khủng hoảng cung ngắn hạn, như đã từng hỗ trợ lãi suất cho một số lĩnh vực. Bài toán tăng khối lượng dự trữ quốc gia về xăng, dầu theo Luật Dự trữ quốc gia cũng cần được tính đến.

 

Cần hướng dẫn các đầu mối, các thương nhân phân phối nguyên tắc phân chia chi phí khoản định mức cho từng khâu, tránh tình trạng chèn ép nhau trong thỏa thuận phân chia chi phí từ đó chấm dứt tính trạng chiết khấu 0 đồng. Thậm chí cơ quan Nhà nước có thể hướng dẫn tỷ lệ tối thiểu cho từng khâu trong tổng số chi phí kinh doanh định mức.

Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa