Bất ổn thị trường xăng, dầu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Thị trường xăng, dầu có những dấu hiệu bất ổn với hàng trăm cây xăng bị gián đoạn về nguồn cung nhiều ngày qua khiến đời sống của không ít người dân bị đảo lộn.

Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải sớm thực hiện các giải pháp căn cơ để xử lý dứt điểm, lập lại trật tự thị trường xăng, dầu.

Khan hiếm hay đứt gãy nguồn cung?

Những ngày qua, nhiều cây xăng tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong tình trạng hết hàng, nghỉ bán đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Theo thông tin từ Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn TP có 3/550 cửa hàng đóng cửa (chiếm 0,54%), có 121/550 cửa hàng tạm hết xăng (chiếm 20%). Đồng thời, có một số DN bán lẻ xăng, dầu quy mô lớn gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung. Đến sáng ngày 12/10, vẫn ghi nhận tình trạng người dân đi mua xăng, khiến nhiều cửa hàng xăng, dầu đông nghẹt, phải dùng thanh chắn để phân luồng khách.

Mua bán xăng, dầu tại cửa hàng trên đường Nguyễn Xiển, quận Hoàng Mai. Ảnh: Phạm Hùng
Mua bán xăng, dầu tại cửa hàng trên đường Nguyễn Xiển, quận Hoàng Mai. Ảnh: Phạm Hùng

Tại Hà Nội, ghi nhận của phóng viên trong ngày 12/10, tuy không xảy ra tình trạng các cửa hàng thông báo hết xăng nhưng vẫn có tình trạng bán cầm chừng.

Đơn cử, khoảng 13 giờ chiều 12/10, tại cửa hàng xăng, dầu Mipecorp số 86 Phùng Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội), rất đông người xếp hàng chờ đến lượt mua xăng. Một nhân viên tại cửa hàng cho hay, gần đây do khan hàng nên việc bán xăng cầm chừng diễn ra thường xuyên. Cửa hàng có 5 trụ xăng nhưng chỉ cắt cử 2 nhân viên đứng 2 trụ xăng, dầu để vừa bơm xăng cho người mua đi xe máy, bơm xăng cho người mua đi ô tô.

Tương tự, tại một cây xăng trên đường Trần Phú (quận Hà Đông, Hà Nội) trong chiều cùng ngày, khoảng gần 20 người đứng xếp hàng dài chờ bơm xăng. Mặc dù có 4 trụ xăng, nhưng chỉ có 2 trụ hoạt động để đổ xăng cho khách hàng. Khi có khách hàng phàn nàn về việc sao không mở tất cả các trụ xăng trên để bán cho nhanh thì chỉ nhận được cái lắc đầu của nhân viên cửa hàng.

Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý thị trường Hà Nội ngày 12/10, trong tổng số 492 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn, hiện không có cửa hàng nào ngừng bán hàng do hết xăng. Tuy nhiên, trên địa bàn còn có 1 cửa hàng dừng hoạt động do giấy chứng nhận đủ điều kiện hết hạn và đang chờ cấp lại; 3 cửa hàng khác ngừng bán hàng và đã được Sở Công Thương chấp thuận.

Điều hành thị trường có vấn đề?

Theo Bộ Công Thương, tình trạng một số DN kinh doanh xăng, dầu đóng cửa tại TP Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… là không phổ biến, do có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.

Đáng nói, do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, thương nhân đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định. Nhiều DN đã giảm mạnh hoa hồng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến DN bán lẻ kinh doanh thua lỗ.

Hiện nay, mặc dù có sự thiếu hụt xăng, dầu cục bộ tại một số cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của một số thương nhân đầu mối nhưng tồn kho của các DN vẫn cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đồng thời nguồn cung xăng, dầu của các DN đầu mối vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.

Các DN cam kết vẫn đang tiếp tục nỗ lực nhập hàng để bảo đảm cung ứng xăng, dầu cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình. Như vậy, Bộ Công Thương cho rằng, nguồn cung xăng, dầu vẫn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều cây xăng vẫn lại dừng bán hàng?

Lý giải những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nhiều cây xăng dừng hoặc tạm ngừng bán hàng trong bối cảnh nguồn cung không thiếu, giá thế giới không cao, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, tình trạng đứt gãy nguồn cung đang ở khâu bán lẻ.

Thực tế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng, dầu phản ánh càng kinh doanh càng lỗ nên phải đóng cửa, vì nhà bán lẻ cũng có nhiều loại chi phí (nhân công, mặt bằng, phòng chống cháy nổ…) nên cần có tỷ lệ chiết khấu tối thiểu để duy trì hoạt động kinh doanh. Nếu trong thời gian dài hạn, thị trường biến động mạnh với chiết khấu 0 đồng thì họ khó có thể duy trì kinh doanh.

Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long, sở dĩ xuất hiện tình trạng các DN găm hàng, ngừng bán là bởi chu kỳ điều hành giá dài dẫn đến giá trong nước và giá thế giới chênh lệch cao. Nếu cơ quan điều hành (Liên Bộ Công Thương – Tài chính) điều chỉnh thời gian điều hành giá ngắn hơn nữa (3 - 5 ngày) thì thị trường xăng dầu sẽ vận hành ổn định hơn.

Đánh giá về công tác điều hành thị trường, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cũng cho rằng, quản lý thị trường xăng, dầu của Bộ Công Thương đang có vấn đề khi mà thị trường thay đổi rất nhanh chóng nhưng những gì diễn ra cho thấy cơ quan quản lý chưa theo kịp...

Tinh gọn bộ máy phân phối

Sau những phản ánh của DN về việc chiết khấu hoa hồng về 0, chi phí định mức chưa tính đúng, tính đủ cho DN, khiến DN càng bán càng lỗ, mới đây, Bộ Tài chính đã quyết định điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng, dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng, dầu vào kỳ điều hành giá xăng, dầu ngày 11/10.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, để xảy ra những xáo trộn trên thị trường xăng, dầu thời gian qua có nguyên nhân căn bản của việc cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong điều hành của cơ quan quản lý.

TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư nêu quan điểm, trong điều hành cơ quan quản lý phải có phản ứng kịp thời, đồng thời phải đối thoại với các DN, tính toán đầy đủ các chi phí của DN, cũng như tạo động lực lành mạnh và cần thiết cho các DN. Đặc biệt, Bộ Công Thương cần làm rõ việc giảm nhập khẩu trong quý III/2022 tới 40% với xăng và 30% với dầu.

Báo cáo từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cũng nêu rõ, có tới 14 (14/33) DN đầu mối không nhập khẩu, trong đó những DN đầu mối lớn không nhập khẩu cả quý III. Vấn đề đặt ra là việc kiểm tra, kiểm soát nhập khẩu theo hạn ngạch của những DN này được Bộ Công Thương giám sát ra sao trong bối cảnh nguồn cung trong nước thể hiện những bất thường.

Để đảm bảo nguồn cung xăng, dầu, các chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, làm thế nào để quản lý tốt các DN đầu mối là rất quan trọng. Việt Nam hiện có đến 36 DN đầu mối, trong khi các quốc gia lớn như Nhật Bản cũng chỉ có 5 DN đầu mối; hay DN phân phối cũng có đến hàng trăm DN.

Về vấn đề này, PGS. TS Ngô Trí Long khuyến nghị, cần phải tính toán xây dựng bộ máy phân phối xăng, dầu một cách tinh gọn, linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ DN đầu mối xuống đến cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất. Trong đó, Bộ Công Thương cần tiếp tục chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng, dầu đầu mối chủ động tìm kiếm các nguồn hàng có mức giá tốt, tiết giảm chi phí.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng cần tăng cường điều hành về cung ứng, phân phối, lưu thông hàng hóa; các cơ quan quản lý thị trường tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật. Về phía DN cần chia sẻ với Nhà nước bằng cách nâng cao năng lực quản trị, tiết kiệm chi phí và có thể chia sẻ cả lãi. Người dân chia sẻ với Nhà nước thông qua việc tiêu dùng tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng xăng khoáng, xăng sinh học bảo vệ môi trường.

Đề cập đến giải pháp giữ ổn định thị trường xăng, dầu, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Lộc An thẳng thắn cho rằng, thương nhân phân phối xăng, dầu là loại hình trung gian, nhiều tầng nấc, không phải dạng DN đầu mối nơi phát nguồn hàng hóa xăng, dầu. Nếu loại bỏ loại hình này ra khỏi hệ thống sẽ giảm thiểu được tối đa thủ tục hành chính cho DN, tránh được tình trạng khi thiếu nguồn cung trong nước.

 

"Lúc này vai trò quản lý của Nhà nước là phải đánh giá xem vì sao lợi ích không hài hòa được giữa các khâu phân phối, từ đó tìm lý do để giải quyết căn cơ bằng các biện pháp kinh tế chứ không phải biện pháp hành chính. Bởi, biện pháp hành chính buộc DN bán hàng chỉ là để đối phó, giải pháp căn bản phải là cùng hài hòa lợi ích kinh tế giữa các bên."- PGS.TS Trần Hoàng Ngân