Bất ổn trong quản lý giá vàng: Bao giờ hết cảnh bong bóng?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, khi thị trường vàng biến động mạnh cũng là lúc khoảng cách giá trong nước và thế giới được nới rộng lên mức kỷ lục. Nhiều câu hỏi đặt ra, vì sao giá trong nước diễn biến ngược chiều thế giới? Có hay không việc bị thổi giá?

Tăng, giảm không theo quy luật

Liên tiếp các phiên tăng giá, giá vàng miếng SJC thậm chí đã lập đỉnh 74,4 triệu đồng một lượng (bán ra) và tạo mức chênh lệch gần 20 triệu đồng so với giá thế giới. Đến 15 giờ chiều ngày 9/3, giá vàng trong nước tụt xuống 68 - 69,7 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng quốc tế đứng ở mức 2.050 USD/ounce. Trong khi trước đó ngày 7/3, giá vàng thế giới chạm ngưỡng 2.000 USD, giá vàng trong nước vượt qua mức 74,4 triệu đồng/lượng.

Mua bán vàng tại cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Mua bán vàng tại cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Giá vàng trong nước thường “lệch pha” với giá vàng trên thị trường thế giới mỗi khi thị trường biến động mạnh, thay đổi không theo quy luật thị trường. Khi giá vàng thế giới tăng, trong nước tăng mạnh hơn cho dù sức mua yếu. Khi người dân ồ ạt mang vàng đi bán các nhà vàng lại ghìm không để giá tăng. Hiệu ứng “đẩy”, “ghìm” giá là một bất thường, gây rủi ro cho nhà đầu tư.

Chỉ tính riêng trong một tháng qua, giá vàng SJC tăng khoảng 23%, trong khi đó, giá vàng trên thị trường thế giới tăng 7%. Hoặc khi giá thế giới lập đỉnh lịch sử 2.063 USD/ounce vào tháng 8/2020, giá trong nước cũng lập đỉnh 62 triệu đồng/lượng. Đến nay, khi giá vàng trên thị trường thế giới ở ngưỡng 2.000 USD/ounce, giá vàng SJC đã lên tới hơn 74 triệu đồng/lượng.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có 4 nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá thế giới. Thứ nhất, thị trường vàng Việt Nam và thế giới đến nay vẫn không có sự liên thông. Thứ hai, NHNN là đơn vị duy nhất được nhập khẩu vàng. Thứ ba, có hiện tượng đầu cơ, một số DN đã đẩy giá vàng lên khi họ thấy nguồn cung không đủ. Thứ tư, tại thời điểm này một số kênh đầu tư không còn hấp dẫn như lãi suất giảm, bất động sản chưa hoàn toàn hồi phục, tỷ giá ổn định nên không phải là kênh đầu tư hấp dẫn, chứng khoán sau một thời gian tăng nóng đang giảm mạnh khiến nhiều người e ngại.

Trong khi đó, cơ quan quản lý là NHNN vẫn giữ chặt nguồn cung, khiến lượng vàng miếng trên thị trường không dồi dào. Từ năm 2012 đến nay, theo Nghị định 24/2014/NĐ-CP, NHNN không cấm nhập vàng nguyên liệu nhưng NHNN quản lý, khi cần thiết mới nhập để chế tác nữ trang. Việc này nhằm kiểm soát nhập khẩu vàng, tránh tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế.

“Do NHNN từ nhiều năm nay không cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, cũng như ngừng sản xuất vàng miếng để tăng cung cho thị trường, nên nguồn cung vàng trong nước chủ yếu đến từ việc mua đi bán lại. Trong khi đó, nhu cầu nắm giữ vàng của người dân không ngừng tăng lên (điều này ít nhất là đúng với nhu cầu vàng trang sức bởi dân số tăng).

Ngoài ra, cầu về vàng còn tăng lên bởi nhu cầu sở hữu như là một tài sản đầu tư/đầu cơ và/hoặc phòng ngừa rủi ro, đặc biệt khi nền kinh tế có sự biến động lớn bởi những yếu tố trong và ngoài nước. Với cung cầu bất cân đối như vậy, giá vàng trong nước đương nhiên sẽ có xu hướng ngày càng thoát ly, vận động độc lập một cách tương đối so với giá vàng trên thị trường thế giới”- ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Singapore và Indonesia kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng (VGTA) chia sẻ.

Hiện tượng làm giá?

Những ngày qua, lượng khách tới giao dịch tại hệ thống Bảo Tín Minh Châu và Phú Quý trên con "phố vàng” Trần Nhân Tông đông nghẹt. Tại cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu (Cầu Giấy), khách tới mua, bán xếp hàng dài. Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji (số 5 Lê Duẩn), lượng khách tới giao dịch cũng tăng đột biến. Điều đặc biệt là chỉ có vàng SJC biến động còn các loại vàng nhẫn thương hiệu khác chỉ chênh lệch so với giá vàng quốc tế quy đổi 1 triệu đồng/lượng.

Trao đổi với một số người giao dịch vàng đa phần đều cho biết, cái tên SJC trở thành phổ biến với nhiều người dân do bảo đảm (về chất lượng vàng), dễ thanh khoản và giữ giá hơn các loại vàng 9999 khác. Cùng với thói quen tích trữ vàng trong các giai đoạn bất ổn, thương hiệu được "bảo hộ" như SJC nhanh chóng được khách hàng chọn.

Khi được hỏi về có hiện tượng làm giá hay không, lãnh đạo một DN kinh doanh vàng cho hay, trước hết phải thấy rằng, giá tại thời điểm có biến động, hầu hết các công ty đều tham khảo giá lẫn nhau. Nếu nói rằng làm giá, thì phải nhìn vào vấn đề các DN có thể nhìn nhau đặt giá. Trên thị trường có sự liên thông, nhưng lại có đặc thù giá trong nước và thế giới.

Trong nước phải tự cân đối, tham khảo nhau. “Tôi không cho rằng các DN làm giá, nhưng nhìn nhau đặt giá thì có. Việc thị trường có bị thao túng không còn phụ thuộc lớn vào mức độ cạnh tranh và minh bạch hóa thông tin của thị trường này (kể cả trong và ngoài nước)” - đại diện DN này chia sẻ. Đồng thời lưu ý, người dân không nên chỉ tập trung vào vàng miếng. Bởi với nguồn cung giới hạn, nếu thị trường chỉ nhắm vào mỗi loại vàng này sẽ khiến giá bị đẩy lên.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, phần lớn là nhà đầu tư cá nhân vội mua rồi lại vội bán. “Chênh lệch giá vàng như hiện nay sẽ tạo ra rủi ro lớn cho các nhà đầu tư và người dân, chênh lệch càng cao rủi ro càng lớn. Sự tách biệt với thị trường thế giới làm cho vàng trong nước trở thành một tài sản “ảo”, tăng giá kiểu bong bóng và xẹp xuống bất chừng không theo một nguyên tắc, quy luật có thể đoán định, lý giải nào” - TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Điều gì sẽ xảy ra?

Theo cố vấn cao cấp Hội đồng Vàng thế giới Huỳnh Trung Khánh, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xóa bỏ tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp can thiệp, bình ổn thành công thị trường vàng. Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao cho thấy thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro lớn. Đã đến lúc cần xem lại khái niệm “bình ổn”? Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng, sau khi đã ổn định thị trường, đây là thời điểm NHNN nên nghĩ đến việc làm thế nào giảm mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Bởi khoảng “lệch” về giá quá lớn sẽ tạo ra tâm lý “buôn vàng”.

Cụ thể, NHNN có thể xem xét từng khâu dẫn đến đội chi phí như nhập vàng, chế tác, bảo quản… để từ đó có những định hướng giúp giảm chi phí đầu vào cho vàng…

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cảnh báo, nếu để vàng tăng giá kéo dài tuỳ theo sự điều khiển của DN kinh doanh, vượt xa giá vàng trên thị trường thế giới sẽ khiến vàng trở thành kênh đầu tư được ưa chuộng. Thay vì rót vốn vào ngành kinh tế khác, nhà đầu tư tìm đến vàng nhiều hơn. Do đó, NHNN cần có tổng kết về chính sách quản lý thị trường vàng.

 

"Theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012, vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất; NHNN là đơn vị được Chính phủ giao cho tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng.

Khi thị trường vàng miếng vận hành một cách bình thường, chúng ta sẽ huy động được lượng vàng rất lớn trong dân (SJC đã phát hành trên 30 triệu lượng) vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó đem lại nhiều nguồn lợi cho xã hội, thay vì chỉ để yên trong két sắt nhà dân như hiện nay." - Chuyên gia kinh doanh vàng Trần Thanh Hải

"Với hiện tượng chênh lệch giá vàng tăng quá cao như hiện nay, NHNN cần vào cuộc để thị trường vàng vận hành đúng quy luật. NHNN cần quan sát, theo dõi xem có hiện tượng đầu cơ, làm giá hay có nhập lậu vàng hay không để có thể can thiệp kịp thời." - Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh