Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bật tăng phiên cuối tuần, giá dầu sẽ có chu kỳ tăng mới

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, tạo ra áp lực thiếu hụt nguồn cung đẩy giá xăng dầu khép tuần giao dịch với xu hướng tăng mạnh.

Khép tuần giao dịch, ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2022 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 97,45 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 6/2022 đứng ở mức 102,49 USD/thùng.

Như vậy, tính chung trong tuần giao dịch, giá dầu thô vẫn có xu hướng tăng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia nhìn nhận, bước vào tuần giao dịch từ ngày 4/4 với giá dầu thế giới có xu hướng giảm mạnh trong bối cảnh áp lực nguồn cung hạ nhiệt và đồng USD mạnh hơn.

Trong thông báo được phát đi ngày 1/4, các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã quyết định xả mạnh kho dữ trữ dầu. Còn một ngày trước đó, ngày 31/3, Tổng thống Joe Biden cho biết, Mỹ sẽ rút 1 triệu thùng/ngày trong 6 tháng từ kho dự trữ dầu thô chiến lược.

Quyết định của Mỹ và các nước thành viên IEA được đưa ra trong bối cảnh thị trường dầu thô vẫn đang loay hoay trong việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế dầu thô của Nga bị gián đoạn bởi các lệnh trừng phạt sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra.

Thị trường dầu thô cũng phản ứng tích cực với thoả thuận ngừng bắn kéo dài ở Yemen chính thức có hiệu lực. Diễn biến này khiến lo ngại tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu tại khu vực hạ nhiệt.

Diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã buộc nước này phải đóng cửa nhiều thành phố, trung tâm công nghiệp lớn, trong đó có thành phố Thượng Hải với quy mô 26 triệu dân và tiêu thụ tới 4% tổng tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 4/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2022 đứng ở mức 97,05 USD/thùng, giảm 0,85 USD/thùng trong phiên. Còn dầu Brent giao tháng 6/2022 đứng ở mức 103,41 USD/thùng, giảm 0,98 USD/thùng trong phiên.

Tuy nhiên, trong những phiên giao dịch sau đó, xu hướng tăng – giảm của giá dầu thô đã có sự biến động mạnh trước diễn biến khó lường khi trạng thái cung – cầu luôn có sự thay đổi.

Trong phiên 5/4, thông tin về sự bế tắc trong quá trình đàm phán hạt nhân Iran và việc Đức thông báo phương Tây sẽ đồng ý áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới đối với nga, trong đó có dầu thô và khí đốt tự nhiên, đã đẩy giá dầu thô tăng vọt.

Tuy nhiên, ngày 6/4, khi lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu yếu hơn dự báo được dấy lên, giá dầu đã quay đầu giảm mạnh.

Mặc dù vậy, đà giảm của giá dầu cũng nhanh chóng bị chặn lại khi thông tin Mỹ và EU xem xét áp lệnh trừng phạt mới được phát đi, giá dầu thô đã quay đầu tăng mạnh.

Giới đầu tư lo ngại các nguồn cung năng lượng, trong đó có dầu thô, khí đốt tự nhiên và than đá, sẽ bị thắt chặt hơn khi các nước EU được cho là đang cân nhắc, xem xét các lệnh trừng phạt mới.

Khi quyết định “cấm vận hoàn toàn” năng lượng Nga của EU được công bố, giá dầu đã bật tăng mạnh.

Nghị viện châu Âu ngày 7/4 đã thông qua một nghị quyết yêu cầu cấm vận "hoàn toàn và ngay lập tức việc nhập khẩu dầu mỏ, than đá, nhiên liệu hạt nhân và khí đốt Nga". Nghị quyết cũng yêu cầu loại hoàn toàn Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và các tổ chức quốc tế.

Mặc dù lệnh trừng phạt này không có tính pháp lý nhưng cùng với các lệnh trừng phạt đang được áp đặt, nó được dự báo sẽ khiến hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga khó khăn hơn.

Giá dầu tăng mạnh còn do các tính toán cho thấy quyết định xả mạnh kho dự trữ dầu thô của Mỹ và các nước thành viên IEA là không đủ bù đắp sản lượng thiếu hụt thực tế.

Thượng viện Mỹ đã bổ phiếu tán thành cấm nhập các sản phẩm năng lượng từ Nga và ngừng quy chế tối huệ quốc, qua đó mở đường cho việc tăng thuế với các mặt hàng khác nhập từ Nga.

Tình trạng thắt chặt nguồn cung còn được dự báo gia tăng hơn nữa thời gian tới, bất chấp việc Mỹ và nhiều nước đồng minh xả mạnh kho dự trữ dầu thô, khi OPEC+ vẫn giữ vững kế hoạch tăng sản lượng và nhu cầu tiêu thụ dầu được cải thiện nhờ các nỗ lực mở cửa, phục hồi kinh tế.