“Bắt tay” đưa rau, thịt sạch về Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, việc triển khai chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn tại Hà Nội sẽ không thuận lợi bằng ở TP Hồ Chí Minh.

Do đó, vấn đề mấu chốt là phải tạo được cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Hà Nội và các địa phương.

Bài 3: Tạo cơ chế phối hợp hiệu quả 

Thưa Thứ trưởng, với cương vị là Trưởng ban Điều phối, ông kỳ vọng như thế nào về Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội?“Bắt tay” đưa rau, thịt sạch về Thủ đô - Ảnh 1

- Xây dựng chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn không phải bây giờ mới thực hiện mà lần này là bàn bạc kỹ hơn để triển khai có hiệu quả. Chương trình này nhằm thực hiện Luật ATTP, cũng như sự chỉ đạo của Chính phủ trong giải quyết những bức xúc của người tiêu dùng về ATTP đối với nông sản, đặc biệt là tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Do đó, cùng với việc triển khai Năm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp – 2015 trên toàn quốc, Bộ NN&PTNT đã chọn hai TP lớn này để làm điểm chương trình phát triển chuỗi rau, thịt an toàn. Lý do chọn rau và thịt làm điểm vì đây là hai sản phẩm người tiêu dùng quan tâm nhất và cũng tạo ra những bức xúc nhất trong thời gian qua. Trên cơ sở thực hiện chương trình tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ NN&PTNT sẽ tiến hành tổng kết và nhân rộng ra các địa phương khác.

Là địa phương trung tâm tiêu thụ một lượng lớn rau, thịt của 21 tỉnh, TP trong Ban Điều phối, Hà Nội có vai trò, trách nhiệm như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Trong chương trình phối hợp này, Bộ NN&PTNT xác định Hà Nội có vai trò rất quan trọng. Hà Nội không những là nơi đông dân cư, thị trường rộng lớn mà đây còn là nơi tiêu thụ nhiều sản phẩm đòi hỏi chất lượng cao. Cho nên, đối với Hà Nội, trước hết phải đưa ra yêu cầu về ATTP cũng như những điều kiện cung ứng rau, thịt vào Thủ đô để các địa phương trên cơ sở đó tổ chức sản xuất làm sao cung ứng rau, thịt đạt yêu cầu của Hà Nội. Các tiêu chí này cần phải có lộ trình dài hạn để sản phẩm đưa được vào hệ thống siêu thị. Như vậy có thể nói, Hà Nội có tư cách như một thị trường nhập khẩu.

Để Ban Điều phối Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội hoạt động hiệu quả, theo Thứ trưởng, giải pháp quan trọng nhất là gì?

- Trước mắt, để chương trình vận hành hiệu quả cần phải làm rõ trách nhiệm của từng bên từ Bộ NN&PTNT đến TP Hà Nội và các tỉnh nhằm tạo ra cơ chế phối hợp nhịp nhàng để kiểm soát được chất lượng rau, thịt an toàn.

Vậy, cơ chế phối hợp nhịp nhàng đó là như thế nào, thưa ông?

- Về cơ chế phối hợp, Hà Nội cần tăng cường các kênh thông tin cần thiết cho các địa phương về giá cả, nhu cầu các mặt hàng rau, thịt theo từng thời kỳ. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại cho người tiêu dùng, công khai các địa điểm đáng tin cậy cho người dân để tạo sự kết nối lâu dài. Đặc biệt, hỗ trợ các địa phương khác về lưu thông, quản lý thị trường, giới thiệu chợ đầu mối... Nếu đơn giản hóa các khâu này sẽ tạo thuận lợi cho DN trong lưu thông và khi đó sẽ góp phần giảm giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương xử lý, công khai các trường hợp vi phạm, đồng thời tổ chức gặp mặt các DN điển hình của các chuỗi để tôn vinh và lắng nghe kiến nghị của DN.

Đối với Sở NN&PTNT 21 tỉnh, TP, cần tổ chức lại sản xuất, hình thành các liên kết, hợp tác giữa các hộ sản xuất nhỏ với nhau dưới hình thức tổ hợp tác, HTX. Qua đó hình thành các vùng nguyên liệu đảm bảo đầy đủ chất lượng và số lượng. Đồng thời, lựa chọn các thương hiệu, các DN để kết nối giữa các vùng sản xuất và tiêu dùng, có chỉ dẫn địa lý, quản lý các sản phẩm đầu vào.

Hiện nay cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng triển khai Chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn. Theo nhận định của Thứ trưởng, đặc thù thực hiện ở Hà Nội so với TP Hồ Chí Minh có gì khác biệt?

- TP Hồ Chí Minh đông dân hơn Hà Nội, đã tự sản xuất được một lượng sản phẩm rau, thịt nhưng tỷ lệ không nhiều bằng Hà Nội. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh có lợi thế là đã tổ chức kiểm soát các chuỗi ATTP chất lượng sản phẩm khá tốt. Hơn nữa, các tỉnh lân cận của TP Hồ Chí Minh như các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đã có phương thức, mô hình sản xuất theo hướng công nghiệp lớn, trại chăn nuôi lớn, không có quy mô chăn nuôi hộ nhỏ lẻ như Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt, việc tổ chức chợ đầu mối, kiểm soát cơ sở giết mổ đã đi vào nền nếp, đạt chất lượng tốt nên việc kiểm soát các chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cũng thuận lợi hơn nhiều.
Đại diện doanh nghiệp, cán bộ ngành NN&PTNT Hà Nội trao đổi cơ hội hợp tác với Sở NN&PTNT các tỉnh Lạng Sơn, Phú Thọ và Vĩnh Phúc Ảnh: Quang Thiện
Đại diện doanh nghiệp, cán bộ ngành NN&PTNT Hà Nội trao đổi cơ hội hợp tác với Sở NN&PTNT các tỉnh Lạng Sơn, Phú Thọ và Vĩnh Phúc Ảnh: Quang Thiện
Nhiều địa phương trong Ban Điều phối có phản ánh về một số tiêu chí, rào cản trong quá trình sản xuất rau, thịt an toàn, Bộ NN&PTNT sẽ có hướng tháo gỡ vấn đề này như thế nào?

- Hiện nay Bộ NN&PTNT đã ban hành quy chuẩn, quy trình, hướng dẫn sản xuất đảm bảo ATTP đối với rau và thịt, trong đó có quy trình sản xuất theo hướng VietGAP trong cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tuy nhiên, vẫn còn địa phương và DN phản ánh khó thực hiện vì nhiều tiêu chí. Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo rà soát lại, giảm bớt các tiêu chí không cần thiết để phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, Bộ sẽ ban hành các quy định về giám sát ATTP và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các cam kết giữa các đơn vị trong Ban Điều phối Chương trình phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội.

Cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi này!