Bất thường việc Big C “cấm cửa” hàng Việt

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/7, Central Group (Tập đoàn Thái Lan) sở hữu chuỗi siêu thị Big C đột ngột thông báo, kể từ tháng 7/2019, Big C tạm ngừng đặt hàng của các nhà cung cấp hàng dệt may Việt Nam theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết với các DN cung ứng.

Điều này khiến DN Việt phản ứng mạnh vì họ cho rằng Big C cạnh tranh không lành mạnh khi ''cấm cửa" hàng Việt Nam?
Đột ngột tạm ngừng tiêu thụ
Cụ thể, Central Group Việt Nam thông báo với các đối tác cung cấp hàng may mặc hệ thống siêu thị Big C, kể từ tháng 7/2019, tạm ngừng đặt hàng của các nhà cung cấp theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết giữa hai bên. “Tất cả vấn đề phát sinh trước ngày 2/7 sẽ được tiếp tục giải quyết theo quy định của hợp đồng hợp tác thương mại” - thông báo của Central Group Việt Nam nêu.
Giải thích về hành động này, đại diện Central Group Việt Nam cho biết: Việc dừng hợp đồng tiêu thụ mặt hàng dệt may Việt Nam trong hệ thống siêu thị Big C là do có sự thay đổi chiến lược phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central Group Thái Lan.
 Hàng may mặc Việt Nam bán tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Lê Nam
Trước câu hỏi của phóng viên Kinh tế & Đô thị về lý do dừng tiêu thụ mặt hàng dệt may Việt Nam, đại diện Central Group chỉ nói: "Sự việc không hẳn như đơn thư, chúng tôi sẽ có thông cáo báo chí giải thích đầy đủ hơn câu chuyện này”.
Việc Central Group Việt Nam dừng nhập hàng dệt may Việt Nam vào hệ thống siêu thị Big C khiến không ít DN may mặc Việt Nam lo lắng. Đại diện Công ty TNHH May mặc An Thắng cho biết: Trong nhiều năm qua DN đã cung ứng hàng dệt may cho siêu thị Big C nhưng tối 2/7 nhận được thông báo Big C ngừng nhập hàng với lý do không rõ ràng và sáng 3/7, Big C ngưng nhập hàng luôn. Sự việc quá bất ngờ khiến DN bị tồn nguyên phụ liệu và vốn rơi vào cảnh thất thu tiền tỷ, đẩy hàng trăm công nhân rơi vào cảnh khó khăn, thất nghiệp.
Hành động bất thường
Chiều ngày 3/7, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Phạm Xuân Hồng cho biết: Chúng tôi đang rà lại thông tin từ những DN cung ứng hàng dệt may Big C, tuy nhiên hành động của Big C như vậy là bất thường vì siêu thị phải ưu tiên sản phẩm Việt Nam cho thị trường Việt Nam.
Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ: Năm 2016 trước dấu hiệu hàng Thái lấn hàng Việt tại hệ thống siêu thị Big C sau khi người Thái mua lại hệ thống siêu thị này, lãnh đạo Central Group đã cam kết 90 - 95% sản phẩm bán tại hệ thống là hàng Việt, nhằm tạo điều kiện để hàng Việt đến tay người tiêu dùng.

"Việc Central Group Việt Nam dừng tiêu thụ hàng dệt may Việt Nam trong hệ thống siêu thị Big C cho thấy rất có thể thời gian tới hàng dệt may Thái Lan sẽ tràn vào Việt Nam. Đây là dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy trong thời gian tới, Cục Quản lý cạnh tranh ( Bộ Công Thương) cần điều tra, làm rõ qua đó ngăn chặn việc lợi dụng ưu đãi để tiêu thụ hàng ngoại, tạo ra cạnh tranh không lành mạnh." - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Hà Nội Nguyễn Văn Đồng

Big C cũng đã nhận bằng khen của Bộ Công thương vì có thành tích thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Thế nhưng năm 2017, với nhiều lý do, trong đó có lý do chiết khấu cao, nhiều tmặt hàng Việt Nam đã phải rời khỏi kệ hàng ở Big C. Điều đó cho thấy đây không phải là lần đầu tiên Big C dừng bán hàng Việt.
“Phải chăng việc Big C sau khi dừng hợp tác với DN Việt sản xuất nhãn riêng, tiếp tục ngừng đặt hàng dệt may Việt Nam là hành động đẩy hàng Việt ra khỏi hệ thống siêu thị này, tạo cơ hội cho hàng Thái xâm nhập dễ hơn vào thị trường Việt Nam?” - ông Vũ Vinh Phú nêu câu hỏi.
Trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện những lời kêu gọi người Việt tẩy chay Big C nếu DN này từ chối nhập hàng dệt may của DN Việt. Nhiều nick Facebook có lượng người theo dõi lớn đã nêu quan điểm: Tại sao chúng ta phải thực hiện đủ thứ cam kết quốc tế ưu đãi nước ngoài mà lại không bảo vệ DN Việt? Hành động của Big C có vi phạm quy định kinh doanh tại Việt Nam không? Để bảo vệ DN Việt, người tiêu dùng và công nhân dệt may Việt Nam, các bạn hãy cùng chia sẻ và tẩy chay không đến Big C mua hàng hóa.
Theo các chuyên gia kinh tế, để hạn chế đến mức tối đa việc DN bán lẻ nước ngoài giảm tiêu thụ hàng Việt, đòi hỏi Nhà nước trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài nên đưa ra quy định cụ thể về tỷ lệ hàng Việt bày bán trong siêu thị.
Đồng thời xây dựng quy chế khuyến khích DN Việt Nam phát triển hệ thống bán lẻ mà thành công của hệ thống siêu thị Vinmart và Saigon Co.op mua lại 18 siêu thị Auchan Việt Nam là mô hình các DN bán lẻ Việt Nam cần học tập.