Hưởng ứng lời kêu gọi “Nhân dân Thủ đô tham gia ủng hộ các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ”, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước cùng Hà Nội” của Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội. Đảng uỷ - Ban Biên tập – BCH Công đoàn Báo Kinh tế & Đô thị đã giao nhiệm vụ cho Ban các Văn phòng đại diện và Phóng viên thường trú (VPĐD và PVTT) gửi các phần quà tới người dân tỉnh Lào Cai bị ảnh hưởng nặng nề bởi hoàn lưu bão số 3.
Theo đó, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo và Phó Tổng biên tập Nguyễn Anh Đức đã có nhiều chỉ đạo kịp thời, sát sao đối với đoàn công tác trong suốt hành trình. Các Văn phòng TP Hồ Chí Minh, Văn phòng Cần Thơ, Văn phòng Đắk Lắk, Nghệ An, Hải Phòng, lãnh đạo Ban Kinh tế và tất cả các Phóng viên trong Ban các VPĐD và PVTT đã cùng chung tay, hỗ trợ rất nhiều món quà thiết thực gửi đến người dân.
Với sự đồng hành của Trung tâm giáo dục đặc biệt Ngọc Ân; Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ; Công ty Bất động sản Hà Nội Mới; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và sát hạch lái xe Kim Thành (Hải Dương); Công ty CP Tập đoàn Masan; Công ty Ajinomoto Việt Nam, Công ty TNHH Buymed; Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ iOne; Công ty Cổ phần tập đoàn Mường Thanh; cùng các mạnh thường quân, Ban các VPĐD và PVTT đã chuẩn bị 400 phần quà gồm: Gạo, dầu ăn, cá khô, nước mắm, mì chính, bột canh, sách bút, thuốc bổ các loại, viên sát khuẩn làm sạch nước và một số quần áo mới, chăn ấm… để gửi tới người dân các xã và học sinh các trường học bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 3 tại Lào Cai.
Theo thống kê đến ngày 20/9, toàn huyện Si Ma Cai có hơn 120 nhà dân bị vùi lấp hoàn toàn, 07 người chết, thiệt hại hơn 70%, gần 200 nhà bị thiệt hại trên 50%, nhiều nhà bị ngập úng; nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại. Ước thiệt hại về kinh tế hơn 700 tỷ đồng.
Tại huyện Bát Xát, mưa lũ cũng khiến 1.413 ngôi nhà bị thiệt hại, 15 người chết, 143 nhà thiệt hại hoàn toàn trên 70%; 96 nhà thiệt hại rất nặng từ 50 - 70%; 124 nhà thiệt hại nặng từ 30 - 50%; 1.050 nhà bị thiệt hại một phần dưới 30%; 767 nhà di chuyển khẩn cấp, ước tính thiệt hại trên 1.120 tỷ đồng.
Đoàn công tác của Báo Kinh tế & Đô thị và các mạnh thường quân đã đến thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với 68 hộ gia đình người Mông; Thôn Tả Chải, xã Nậm Pung, huyện Bát Xát với 95 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số; Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Pung, huyện Bát Xát với 366 học sinh, trong đó có 233 học sinh nội trú; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bát Xát, với 625 học sinh người dân tộc thiểu số, trong đó có 446 học sinh nội trú; Trường THCS Nàn Sán, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai với 243 học sinh, 100% là người dân tộc thiểu số.
Mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, đường di chuyển có nhiều khó khăn do mưa lũ, sạt lở đất, đá nhưng được sự động viên từ Ban Biên tập Báo, tất cả các thành viên trong đoàn quyết tâm đến được tận nơi để chia sẻ với người dân.
Từ 7 giờ sáng ngày 21/9, 68 hộ gia đình người Mông của thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa đã được trưởng thôn Giằng A Phản đưa đến trụ sở UBND xã, đợi đoàn công tác của Báo. Họ là những gia đình bị thiệt hại lớn trong cơn bão số 3 vừa qua, gặp nhiều khó khăn trong tái thiết cuộc sống.
Tiếp đó, đoàn di chuyển tới điểm trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Pung, xã Nậm Pung, huyện Bát Xát. Đường đến trường gặp rất nhiều trở ngại, đất đá sạt xuống đường khá nhiều, đoạn gần trường chưa kịp thông đường cho xe ô tô chạy qua, thầy giáo Phó Hiệu trưởng, phụ trách khối Tiểu học Vương Khánh Trình phải đi xe máy, vượt bùn đất ra ngoài trung tâm xã để nhận gạo, sách vở, các nhu yếu phẩm cho học sinh.
“Tôi ở trường từ hôm bão đến giờ, chỉ đáo về qua nhà được một lúc. Học sinh đi sơ tán đề phòng sạt lở, trường cũng bị thiệt hại, các thầy cô đang rất vất vả để dọn dẹp, khắc phục hậu quả bão lũ để đón học sinh trở lại. Tất cả những sự chia sẻ từ các mạnh thường quân, đơn vị doanh nghiệp lúc này rất cần thiết. Thay mặt các cháu học sinh, tôi xin cảm ơn Báo Kinh tế & Đô thị đã quan tâm, hỗ trợ cho trường và các cháu” - thầy Trình chia sẻ.
95 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số của thôn Tả Chải, xã Nậm Pung được Trưởng thôn Lý Vần Vảng hướng dẫn, nhà nào còn xe máy thì đi xe máy, nhà nào không có thì đi bộ, vượt nhiều km đường lầy lội, đất đá sạt lở ra trung tâm xã để đợi đoàn công tác của Báo. Trên suốt dọc đường đi, máy của PV liên tục đổ chuông, vì Trưởng thôn Lý Vần Vảng sợ đường xá đi lại quá vất vả, nhiều khó khăn thì đoàn sẽ bỏ cuộc, mà nhu yếu phẩm, gạo lại là thứ bà con đang rất cần trong lúc này.
Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, thầy Lưu Quốc Hương, xúc động chia sẻ: “Hiện nay, Trung tâm có hơn 600 học sinh, trong đó 400 học sinh thuộc gia đình nghèo và cận nghèo. Học sinh ở đây chủ yếu là người Mông, người Giáy, người Hà Nhì. Đặc biệt có gần 40 học sinh là gia đình rất khó khăn. Trong lúc thiếu thốn như này, những nhu yếu phẩm của Báo và các nhà tài trợ tặng học sinh ở Trung tâm là món quà thiết thực, mang đầy ý nghĩa. Các thầy cô và học sinh ở Trung tâm rất cảm ơn báo Kinh tế & Đô thị, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm”.
Là một trong những học sinh có hoàn cảnh rất khó khăn đang được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bát Xát nuôi dạy, em Sùng Thị Dấy, người tại thôn Phìn Chải 2 - xã A Lù vừa khóc vừa nói: “Bố mẹ cháu mất hết rồi, cả em gái và hai đứa cháu cũng mất. Nhà cháu cũng bị lũ cuốn trôi đi hết sạch. Hôm đi về nhà do đường không đi được nhưng cháu cũng đi bộ về. Nhà trường cũng hỗ trợ cho nhà cháu rất nhiều. Hôm nay, được cô chú ở Báo tặng quà cháu cảm ơn cô chú, cháu sẽ cố gắng để tiếp tục đi học”.
Đặc biệt, tại xã Nàn Sán - huyện Si Ma Cai - tỉnh Lào Cai, ngoài việc trao các phần quà cho thầy và trò của trường THCS Nàn Sán, đoàn công tác của Báo đã đến thăm hỏi, động viên, trao quà và tiền mặt cho 5 gia đình các em học sinh bị lũ cuốn mất nhà cửa, thiệt hại nặng nề về hoa màu, vật nuôi.
Là một trong những nhà bị sập hoàn toàn, gia đình 4 người nằm viện, mẹ học sinh Nùng Đức Ngọc, chị Nùng Văn Năm xúc động cảm ơn báo Kinh tế & Đô thị cùng các nhà hảo tâm cho biết: “Nhà em bị sập nhà và mất hết sạch rồi. 4 người trong nhà vẫn cứu được nhưng đang phải nằm viện điều trị. 2 đứa con gái nhà em bị gãy xương đùi, chồng bị sắt đâm vào bắp chân. Em cũng bị thủng đầu phải khâu, bây giờ khó khăn lắm. Em cảm ơn mọi người đã quan tâm, yêu thương người dân nghèo chúng em”.
Tại trường THCS Nàn Sán, trong những ngày vừa qua, toàn bộ học sinh phải sơ tán đến điểm trường khác học nhờ, vì phía quả đồi sau trường vào thời điểm bão số 3 đã có một vết nứt dài, sâu, có nguy cơ sạt lở xuống trường, gây nguy hiểm cho học sinh. Thầy Nguyễn Đức Lưu, Hiệu trưởng chia sẻ: “Đến thời điểm hiện tại, các thầy cô giáo đang phải vừa dạy học cho các con, vừa phải trông coi trường vì nguy cơ sạt lở đang rình rập. Các con ở đây 100% người đồng bào dân tộc thiểu số, có nhà xa nhất cách trường đến 15km, học sinh hầu hết đi bộ đến trường, bão lũ vừa qua cũng nhiều gia đình học sinh bị thiệt hại, thầy cô vẫn động viên các con đến trường, không bỏ học”.
Kết thúc chuyến đi, những khoảnh khắc chứng kiến sự vất vả của người dân tỉnh Lào Cai, những cái ôm, cái nắm tay siết chặt đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng mỗi thành viên của đoàn. Đây có lẽ là một chuyến công tác đặc biệt, chuyến đi mang những hành trình của tấm lòng yêu thương. Những tình cảm đó dù lớn hay nhỏ đều rất đáng quý - nó không còn dừng lại ở giá trị vật chất mà còn thể hiện sâu sắc giá trị nhân văn.
Để có được chuyến đi ý nghĩa này, không chỉ là sự nỗ lực riêng của Báo Kinh tế & Đô thị và Ban các VPĐD và PVTT, mà còn là sự kết nối tình người của các doanh nghiệp, các mạnh thường quân đã đồng hành, chia sẻ khó khăn với người dân.
16:59 24/09/2024