Bay nội địa phục hồi, thị trường vé máy bay hiện ra sao?

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự phục hồi của các đường bay nội địa đã và đang tạo lực đẩy tốt để thị trường vé máy bay “ấm dần” sau một thời gian dài đóng băng.

 Thị trường bay nội địa đang phục hồi tốt sau giãn cách (Ảnh: Lê Thanh)

Chuyến bay nội địa phục hồi nhanh

Các chuyến bay thường lệ chở khách nội địa đã được khôi phục từ cuối tháng 10/2021. Tính đến nay, đường bay nội địa đã phục hồi được hơn một tháng. Tín hiệu tích cực là số lượng chuyến bay các hãng khai thác tăng dần khi nhu cầu khách đang dần được cải thiện. Thậm chí, trước nhu cầu tăng cao của hành khách đi máy  bay, Cục Hàng không Việt Nam đã tính đến việc tăng tần suất khai thác bay nội địa trong thời gian tới.

Theo thống kê mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, tính từ ngày 21/10 - 18/11/2021, 3/4 hãng hàng không trong nước là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways đã thực hiện các chuyến bay thường lệ chở khách nội địa với 44 đường bay tới tất cả 22 sân bay trong nước (hiện còn Vietravel Airlines chưa khai thác).

Cùng thời gian trên, các hãng bay đã thực hiện tổng cộng 2.207 chuyến bay khứ hồi, vận chuyển 446.805 hành khách, hệ số sử dụng ghế trung bình là 54,4%/chuyến bay. Trong đó, nếu chỉ tính riêng 2 tuần gần đây (từ ngày 4/11 - 18/11), mỗi tuần tổng số khách vận chuyển bình quân qua đường hàng không đạt khoảng 130.000 người, hệ số sử dụng ghế bình quân 60%/chuyến bay.

Các đường bay trục Bắc – Nam luôn có tỷ lệ sử dụng ghế liên tục cao nhất với trên 90% ghế mỗi chuyến. Điều này bắt nguồn từ việc nhu cầu khách tập trung đường bay trục, đặc biệt đường bay Hà Nội – Đà Nẵng – TP Hồ Chí Minh, và các đường bay từ phía Nam ra phía Bắc, như TP Hồ Chí Minh – Hải Phòng/Thanh Hóa/ Nghệ An.

Tần suất khai thác hạn chế khiến các hãng bay chưa thể khai thác hết thị trường (Ảnh: Lê Anh).

Hạn chế tần suất khai thác khiến giá vé tăng cao

Tuy nhiên, do hầu hết các đường bay hiện đang hạn chế tần suất tối đa một chuyến khứ hồi/ngày nên việc nhu cầu hành khách tập trung ở các đường bay trục Bắc – Nam đang khiến cho các đường bay trực Bắc – Nam đang dần có dấu hiệu quá tải chưa đáp ứng được nhu cầu hành khách và giá vé bị đẩy lên cao.

Để giải quyết vấn đề trên, Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ GTVT kế hoạch phục hồi hoạt động bay nội địa, với chương trình tăng dần tần suất khai thác trên tất cả đường bay tiến tới phục hồi trạng thái bình thường vào đầu năm 2022. Theo đề xuất trên, các đường bay trục Bắc – Nam sẽ khôi phục dần để bình thường từ tháng 3/2022, những đường bay còn lại khôi phục tần suất bình thường từ nửa cuối tháng 12 tới.

Các chuyên gia cho rằng, đề xuất tăng tần suất chuyến bay trên trục Bắc – Nam của Cục Hàng không Việt Nam vào cuối năm 2021 là hợp lý. Bởi đây cũng là thời gian trùng với cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022. Nhu cầu đi lại của người dân vào dịp này thường rất cao. Tuy nhiên, việc tăng tần suất chuyến bay cần được tính toán chi tiết và đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng dịch bởi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biết rất phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước.

PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng, với thời gian dài “sống chung” với dịch bệnh Covid-19, các hãng hàng không đã có sự chuẩn bị rất kỹ cho ngày trở lại. Do đó, khi đường bay nội địa được nối lại, các hãng bay đều cho thấy sự chủ động của mình. “Dù bay nội địa đã nối lại được hơn một tháng, nhưng hiện các hãng bay đều chưa thể khai thác hết công suất. Việc tăng tần suất sẽ giúp các hãng bay khai thác nhiều hơn thị trường nội địa đồng thời cũng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tốt hơn. Sự phục hồi của hàng không sẽ tiếp thêm lực đẩy cho kinh tế phục hồi” – PGS.TS Ngô Trí Long phân tích.

Các hãng hàng không đang chờ chỉ đạo chính thức của Bộ GTVT để có kế hoạch bán vé Tết (Ảnh: Hòa Thắng).

Chờ chỉ đạo sớm của Bộ GTVT

Ở một diễn biến khác, thị trường vé máy bay Tết Nguyên đán 2022 vẫn đang khá đìu hiu bất chấp sự sôi động chung của các đường bay nội địa trong thời gian gần đây. Đây là điều khá bất thường bởi những năm trước, các hãng hàng không đã lên kế hoạch và mở bán vé máy bay Tết từ cuối quý III, đầu quý IV/2021.

Thậm chí, năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tác động khá nhiều đến tâm lý của người dân, nhưng các hãng hàng không vẫn tung ra thị trường cả triệu vé máy bay Tết từ tháng 8. Đặc biệt, một số chặng bay như Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, Hà Nội – Đà Nẵng,  TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng, số chỗ mở bán Tết Tân Sửu còn cao hơn so với Tết Canh Tý.

Ghi nhận tại một số website bán vé trực tuyến của các hãng hàng không vào cuối tháng 11/2021 cho thấy, hiện vẫn có một số hãng bay và đại lý bán vé Tết nhưng số lượng rất ít. Thậm chí nhiều đại lý cho biết gần như không có khách nào hỏi mua vé Tết.

Đại diện một hãng hàng không cho biết đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực để phục vụ, đáp ứng đủ nhu cầu người dân tăng cao dịp Tết . Tuy nhiên do hàng không mới mở cửa trở lại nên mở bán vé Tết muộn hơn. Bên cạnh đó, kế hoạch bán vé hiện nay còn phụ thuộc rất nhiều vào kế hoạch tổ chức của Bộ GTVT và số lượng slot được cấp cho giai đoạn tới từ Cục Hàng không.

“Việc mở lại đường bay và bán vé vẫn tuân theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chức năng nên các hãng gặp khó khăn trong việc chủ động lập kế hoạch khai thác, trong đó có kế hoạch bay Tết” – đại diện hãng bay này cho biết.

TS Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho rằng, cao điểm Tết luôn có ý nghĩa rất quan trọng tới doanh thu của các hãng hàng không trong năm. Doanh số của cao điểm Tết ước tính đóng góp 1/3 doanh thu nội địa của các hãng bay hàng năm. Do đó, Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam nên sớm có chỉ đạo cụ thể về kế hoạch khai thác hàng không nội địa giai đoạn Tết để giúp các hãng hàng không chủ động về kế hoạch tăng chuyến.