B.Bình Dương "săn lùng" danh hiệu V-League

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ sau năm 2008, B.Bình Dương đã liên tục vắng bóng trên bục nhận danh hiệu các...

Kinhtedothi - Kể từ sau năm 2008, B.Bình Dương đã liên tục vắng bóng trên bục nhận danh hiệu các giải đấu quốc nội. Rất nhiều người, trong đó bao gồm cả các lãnh đạo cấp cao của đội bóng đất Thủ, đều bất ngờ về điều này, khi đội bóng luôn được chăm sóc đến tận răng. Chỉ một bộ phận những người hiểu chuyện cho đó là điều bình thường.

Thủ Dầu Một chưa bao giờ chệch hướng

Sau thời hoàng kim ở giai đoạn 2006-2008, B.Bình Dương vẫn không ngừng tăng cường tinh binh. Họ thậm chí còn chi bạo hơn, với rất nhiều những đôi chân tiền tỷ được mời về, dù chỉ để đánh bóng băng ghế dự bị hoặc cho mượn. Các trường hợp của Việt Thắng hay Đoàn Marcelo, Hoàng Văn Bình, Tấn Trường sau này là những điển hình.
B.Bình Dương (trái) vẫn đang đứng sau Hà Nội.T&T trên bảng xếp hạng V-League.
B.Bình Dương (trái) vẫn đang đứng sau Hà Nội.T&T trên bảng xếp hạng V-League.
Vấn đề là tiềm lực tài chính cho phép người Bình Dương làm điều mình muốn. Trước đây, ông Lê Tiến Anh, nguyên Chủ tịch CLB K.Khánh Hòa, phản đối cuộc chơi tiền đấu tiền, nhưng tất cả đều hiểu đó chỉ là tiếng nói của kẻ yếu. Ông Lê Tiến Anh thậm chí không thể đưa ra giải pháp thay thế khả thi khi thời bóng đá kim tiền lên ngôi.

B.Bình Dương vẫn ký rất nhiều các bản hợp đồng tiền tỷ và vẫn đẩy đi rất nhiều ngôi sao sau mỗi mùa bóng với lý do duy nhất: Không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn. Rất nhiều ý kiến cho rằng, lãnh đạo (và cả các HLV) của đội bóng này không có hiểu biết sâu sắc về chuyên môn. Nhưng đó lại là một nhận định sai lầm khác. Người Bình Dương rất giỏi…

Họ giỏi tiêu tiền và làm bóng đá theo cách của nhà giàu. Ngôi sao tìm đến đất Thủ giai đoạn đầu bởi họ muốn tìm kiếm vinh quang. Nhưng ngay cả khi vinh quang ngoảnh mặt, vẫn không một ai trong số họ phải nuối tiếc. Quyền lợi (vật chất) là hiện hữu và ngay lúc này, hỏi Văn Bình hay Đoàn Marcelo thì họ cũng sẽ trả lời là hài lòng.

Đất lành chim đậu thế thôi! Tấn Tài từng thề non hẹn biển sẽ sống chết với đội bóng quê hương Khánh Hòa, nhưng khi thời thế thay đổi, anh phải suy tính cho chính mình. Thời thế thế thời phải thế, nhưng nếu B.Bình Dương lại thêm một mùa giải trắng tay nữa, thì đó hoàn toàn không phải là lỗi của cầu thủ, càng không là lỗi của lãnh đạo.

Nhưng mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên

Sau thời “tam anh chiến ngôi vương”, với thế chân kiềng HA.GL-ĐT.Long An-B.Bình Dương, bầu Hiển xuất hiện như một đối trọng đáng gờm. Nhưng, ngay lúc đó, những nhà vô định không quá coi trọng vai trò của bầu Hiển, một tân binh tại mặt trận V-League. Chỉ đến khi SHB.Đà Nẵng và Hà Nội.T&T thay nhau thống trị giải bóng đá cao nhất Việt Nam, họ mới vỡ nhẽ.

Đã có thêm rất nhiều cuộc cách mạng, từ phố núi Pleiku xuôi đất Thủ Dầu Một, nhưng cho đến thời điểm này, đồng loạt đều thất bại. Những kỳ vọng vào SLNA hay Hải Phòng tiếp sức, cũng rất mơ hồ, bởi thực tế, xứ Nghệ chỉ là sân sau, còn Hải Phòng chưa bao giờ được xem là “ông lớn”. Từ 5 năm qua, V-League là chuyện riêng của bầu Hiển. Các đội bóng của ông bầu này đã và đang nắm 4/5 chức vô địch gần nhất.

Vậy, B.Bình Dương với HLV lão làng Lê Thụy Hải sẽ phải tính kiểu gì, để hy vọng vớt vát một mùa bóng nữa?! Họ sẽ chẳng thể làm gì ngoài việc nỗ lực cho đến phút cuối cùng để rồi phó mặc cho trời định. Lượt trận cuối, nhiều khả năng sẽ quyết định chức vô địch, B.Bình Dương đón tiếp SHB.Đà Nẵng, trong khi Hà Nội.T&T gặp Thanh Hóa. Về lý thuyết, chiến thắng cho đất Thủ là rất cao.

Nhưng, bóng đá quả là rất khó nói trước. Những tung hô về đội hình toàn sao, cùng các HLV lão làng từ nội đến ngoại binh, đã phá sản rồi. Ngay cả việc Hà Nội.T&T bị SLNA cầm chân trên sân nhà trong thế rượt đuổi dường như cũng là một kịch bản soạn sẵn hòng tăng tính hấp dẫn cho giải đấu đến phút cuối. Đất Thủ vẫn phải lo cho chính mình chứ chẳng ai giúp họ cả.