KTĐT - Khi nhu cầu về nhà ở Hà Nội hiện nay còn rất lớn thì việc giá đất vẫn còn tăng liên tục cũng là điều hợp lý, không cần bàn cãi, tuy nhiên khi giá đất được thổi phồng một cách quá mức vượt ra khỏi quy luật giá trị, bóp méo mối quan hệ cung-cầu lại là đều đáng phải suy nghĩ.
Giật mình với giá đất “làng”
Trước các động thái tích cực từ bản quy hoạch thủ đô cùng sự kì vọng quá mức vào “miền đất hứa” phía tây thành phố, thị trường bất động sản khu vực này đang diễn ra một cảnh dở khóc dở cười khi người mua chẳng thấy bóng dáng đâu mà giá cứ lên vù vù.
Theo khảo sát của phóng viên báo Diễn đàn Doanh nghiệp online, giá đất khu vực Mỹ Đình hiện đang ở mức cao giật mình. Giá đất mặt đường Lê Đức Thọ hiện nay đã lên tới hơn 300 triệu đồng/m2, thậm chí có mảnh còn lên tới 360 triệu đồng/m2. Giá đất trong ngõ (thuộc các làng Phú Đô, Tân Mỹ, Nhân Mỹ, Phú Mỹ, Đình Thôn ) ôtô vào được thì có giá 70 đến 100 triệu đồng/m2, thấp hơn cũng phải 40-50 triệu đồng /m2 mới bán.
Anh Kiệm - giám đốc sàn giao dịch bất động sản Đại Lộc trên đường Lê Đức Thọ cho biết: “Giá hiện nay lên quá cao nên hầu như không có giao dịch, có cũng chỉ là trong giới đầu cơ sang tay cho nhau chứ người có nhu cầu thực thì làm gì đủ tiền mà mua với mức giá này”.
Tương tự, đất thổ cư khu vực Mễ Trì cũng đang thiết lập mặt bằng giá mới khi thôn Mễ Trì thượng hiện giá đất đường ô tô vào được có giá từ 80 đến hơn 100 triệu đồng/m2, thấp hơn cũng có giá lên tới 60 – 70 triệu đồng/m2 trong khi mới đầu năm nay giá đất khu vực này cũng chỉ rơi vào khoảng 30-40 triệu đồng/m2. Thôn Mễ Trì hạ giá đất có thấp hơn một chút nhưng cũng rơi vào khoảng từ 40 đến 60 triệu đồng/m2.
Anh Lục Tiến Mạnh - một môi giới đất tự do thôn Mễ Trì hạ cho biết “Trong thôn đất rao bán cũng nhiều, to nhỏ đủ cả nhưng vài người đến hỏi đều chê giá cao quá”.
Vì đâu ?
Theo nguyên nhân khách quan, khu vực phía Tây Hà Nội được xác định là một khu vực đầy tiềm năng, trong tương lai có thể trở thành một khu đô thị hiện đại với sự phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, xã hội, kĩ thuật, rút ngắn khoảng cách giữa khu vực phía tây với các quận nội thành khiến khu vực này trở nên vô cùng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Hơn nữa, theo Văn bản số 348/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Mỹ Đình sẽ trở thành trung tâm hành chính tương lai - nơi tập trung trụ sở của nhiều bộ, ngành Trung ương. Đây chính là nguyên nhân góp phần làm tăng giá trị bất động sản của khu vực này.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhờ vào yếu tố khách quan, giá đất khu vực này cũng không thể “một bước lên trời” như vậy. Anh Kiệm cho biết, sở dĩ giá đất hiện nay “trên trời” là do các chiêu đẩy giá của giới đầu cơ. “Họ sang tay nhau những mảnh đất với giá cao hơn nhiều lần giá trị thật, nhằm đẩy mặt bằng chung giá đất khu vực lên cao để kiếm lời” – anh Kiệm lý giải.
Bài học rớt giá “không phanh” của bất động sản ở Ba Vì vẫn còn đó, hay gần đây nhất trục đường Lê Văn Lương kéo dài sau đợt lên giá vù vù tháng 10 vừa qua giờ cũng đang chững lại, rục rịch xuống giá bởi số lượng giao dịch quá thấp.
Chính vì thế, một số chuyên gia về bất động sản đã nhận định: “với tình hình giao dịch ảm đạm như hiện nay, bất động sản khu vực này chắc chắn sẽ có một đợt thoái lui rớt giá, quay trở lại mốc giá thật vốn có của nó”.