Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bế mạc cuộc thi tài năng diễn viên sân khấu 2017

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 8 ngày tranh tài sôi nổi, hào hứng, “Cuộc thi Tài năng trẻ Diễn viên sân khấu Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc - 2017” đã kết thúc tối 11/11.

Ban tổ chức trao Huy chương vàng cho các diễn viên trẻ tài năng
“Cuộc thi Tài năng trẻ Diễn viên sân khấu Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc - 2017” thu hút sự tham gia của 20 đơn vị nghệ thuật Cải lương và Dân ca kịch trên toàn quốc, bao gồm: Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang; Nhà hát Nghệ thuật Ca Kịch Huế; Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An; Nhà hát Tây Đô; Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định; Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Đồng Nai; Đoàn Cải lương Hương Tràm; Đoàn Cải Lương Nhân dân Kiên Giang; Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Khánh Hòa; Đoàn Văn công Đồng Tháp; Đoàn Cải lương Thanh Hóa; Đoàn Ca kịch Quảng Nam; Đoàn Cải lương Thái Bình; Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Tiền Giang; Nhà hát Cải lương Hà Nội; Đoàn Cải lương Hải Phòng; Nhà hát Cao Văn Lầu; Nhà hát Cải lương Việt Nam; Nhà hát Thế giới trẻ; Nhà hát Thể nghiệm Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Thay mặt Hội đồng Giám khảo, NSND Giang Mạnh Hà - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đã đánh giá tổng kết về chất lượng của Cuộc thi: “Cuộc thi đợt này đã mang đến những yếu tố mới lạ, trẻ trung, hừng hực sức sống thanh xuân, nóng bỏng hơi thở của thời đại.

55 trích đoạn cải lương và 15 trích đoạn dân ca kịch với nhiều thể loại, hình thức thể hiện khác nhau: Lịch sử, dã sử, dân gian, thần thoại, tâm lý xã hội đương đại, cả kịch nước ngoài đã Việt hóa, tạo nên những chiều kích, cung bậc đa sắc. Đây là cuộc thi tài năng và thực sự đã xuất hiện những diễn viên trẻ tài năng.

Các diễn viên trẻ cải lương có tìm tòi trong cách nói lối gối bài ca, biết vận dụng làn hơi và xử lý kỹ thuật ngân rung, luyến láy khá ngọt khi vào bài, hệ thống các làn cải lương rất đa dạng như Bắc - Nam - Oán - Ngự - Quảng - Lý… có những làn điệu ca sa lông đã khó, nhưng ca trong diễn xuất biểu lộ đời sống nội tâm của nhân vật lại càng khó hơn. Nhưng các diễn viên trẻ đã chứng tỏ được khả năng ca, phô diễn được làn hơi, chất giọng gây được cảm xúc cho khán giả.
 Tiết mục biểu diễn của thí sinh Nguyễn Thị Chúc (vai Lý Chiêu Hoàng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai) đạt Huy chương vàng
Bên cạnh đó, dân ca kịch mặc dù chỉ dự thi 16 trích đoạn nhưng cũng đã xuất hiện một vài giọng ca rất hay, rất đạt và truyền cảm, mang âm hưởng đậm đặc, tiêu biểu của dải đất miền Trung. Sự giao thoa, hòa phối giữa nghệ thuật cải lương và dân ca kịch trong cuộc thi này đã tạo thêm sắc thái mới, đa chiều cho khán giả. Những mảnh trò hay tạo nên thánh đường nghệ thuật muôn màu.

Tại cuộc thi này có một số trích đoạn xứng tầm đứng chung với các trích đoạn tiêu biểu, mẫu mực của ông cha, làm giàu thêm cho di sản của nền nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Bên cạnh đó, NSND Giang Mạnh Hà cũng chỉ ra một số hạn chế của Cuộc thi: “Trước hết phải nói đến tính không chuyên nghiệp trong đầu tư chuẩn bị tham dự Cuộc thi. Đây là cuộc thi chuyên nghiệp toàn quốc, là sân chơi “Công cua” lớn dành cho các diễn viên trẻ sân khấu chuyên nghiệp, mà chúng ta để bộc lộ những cái thiếu chuyên nghiệp. Về giọng ca, không ít thí sinh hát chênh, phô dây đàn, ca rớt nhịp, ca non giọng, đuối hơi, ca vọng cổ, lúc đổ hò bị hụt hơi.

Tiếng nói sân khấu, tức lời thoại nghe không tròn vành rõ chữ, nói nhanh, nói vấp làm cho người nghe khó hiểu diễn viên đó nói gì. Động tác vũ đạo chưa thuần thục, đường nét múa còn khô cứng, chọn trang phục chưa hợp lý. Có khá nhiều diễn viên trẻ bị áp lực, tâm lý lo lắng, hồi hộp, căng thẳng, khiến cho vai diễn bị căng cứng, thiếu hồn vía. Ở cuộc thi lần này, chưa thấy xuất hiện ngôi sao tài năng trẻ bừng sáng lấp lánh như kỳ vọng. Hầu hết các em đều cân tài, cân sức, một chín một mười…”.

Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 15 Huy chương Vàng và 21 Huy chương Bạc cho các thí sinh tham dự Cuộc thi.