Bế mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Tiếp tục khẳng định niềm tin và trách nhiệm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 27/11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã bế mạc sau hơn 1 tháng làm việc với ...

Kinhtedothi - Chiều 27/11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã bế mạc sau hơn 1 tháng làm việc với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: Kỳ họp thứ 10 đã thành công tốt đẹp, tiếp tục khẳng định niềm tin, trách nhiệm và sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân. Quốc hội đã dành thời gian xem xét, thông qua 16 Luật, 15 Nghị quyết và cho ý kiến về 10 Dự án Luật. Đồng thời quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. 	Ảnh: Ngọc Linh
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Ngọc Linh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Quốc hội vui mừng nhận thấy, năm 2015, tình hình kinh tế - xã hội nước ta có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết của Quốc hội. Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, yếu kém cần có giải pháp đồng bộ để giải quyết. Đó là, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế của nền kinh tế còn thấp; sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản tiếp tục gặp khó khăn; cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng... “Năm 2016 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Quốc hội đã có Nghị quyết quyết định mục tiêu tổng quát về kinh tế - xã hội của năm 2016 là phải tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn, đồng thời cải thiện chất lượng tăng trưởng và bảo đảm phát triển bền vững” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đồng thời nêu rõ, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, tập trung đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược; nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển đồng bộ, hiệu quả và bảo đảm vận hành thông suốt các loại thị trường; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; phát triển văn hóa, cải cách giáo dục, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội và không ngừng cải thiện đời sống Nhân dân, hạn chế chênh lệch giàu nghèo; đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo chuyển biến rõ nét về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; kiên quyết đấu tranh gìn giữ hòa bình, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

“Để phát huy kết quả của kỳ họp, Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử Quốc gia, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ… trong phạm vi, nhiệm vụ quyền hạn của mình tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp, các Luật, Nghị quyết mới được thông qua; chuẩn bị các điều kiện cần thiết tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XIV và bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, bảo đảm để sự kiện chính trị trọng đại này thực sự là ngày hội lớn của toàn dân” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Giữ môn Lịch sử trong chương trình SGK mới
Chiều 27/11, trước khi bế mạc Kỳ họp, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn. Trong đó, đề cập đến vấn đề kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, tư pháp. Quốc hội yêu cầu “thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình SGK mới. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục gắn với hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến rõ hơn về cải cách hành chính Nhà nước. Xây dựng lộ trình và chỉ tiêu thực hiện cho các năm, bảo đảm mục tiêu chung đến năm 2021, tinh giản tối thiểu 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Sớm khắc phục tồn tại của việc bổ nhiệm chức vụ, cấp “hàm”; thực hiện đổi mới công tác tuyển dụng, phương thức tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; quy định chế độ thực tập, tập sự lãnh đạo, quản lý để triển khai thực hiện thống nhất, chặt chẽ trên toàn quốc…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần