Bế mạc Phiên họp thứ 45 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên bế mạc Phiên họp thứ 45.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Chuẩn bị chu đáo cho Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII

Phát biểu kết thúc Phiên họp thứ 45 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, Phiên họp thứ 45 đã xem xét, cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 11 sắp tới. Để chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo cho Kỳ họp thứ 11, vào đầu tháng 3 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục họp Phiên thứ 46 để hoàn tất các công việc cho Kỳ họp. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc phiên họp.
Với khối lượng công việc nhiều và quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cũng như các cơ quan, đơn vị chức năng phải tập trung, làm hết trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, hoàn thành các công việc thuộc chức năng nhiệm vụ. 

Các văn bản, báo cáo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thống nhất tại phiên họp 44, 45, cần được các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, hoàn thiện, gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất ngày 21/3 sẽ khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII với rất nhiều nội dung quan trọng. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung vào 4 nhóm vấn đề cụ thể: Xây dựng pháp luật; phương hướng phát triển kinh tế- xã hội; tổng kết hoạt động nhiệm kỳ XIII và công tác nhân sự. 

Đối với công tác nhân sự, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng cần phối hợp, xây dựng chương trình làm việc cụ thể, chi tiết, phù hợp...

Chất lượng xét xử được nâng lên

Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của các Tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đánh giá, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, về cơ bản các Tòa án đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác đã đề ra. 

Mặc dù số lượng các loại vụ án mà Tòa án phải thụ lý giải quyết trong nhiệm kỳ qua là rất lớn và có xu hướng gia tăng, tính chất các vụ án ngày càng phức tạp, nhưng với việc chủ động nắm bắt tình hình, đề ra nhiều giải pháp và tổ chức thực hiện quyết liệt tại Tòa án các cấp, đặc biệt là 3 giải pháp đột phá: Tăng cường tranh tụng tại phiên tòa; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, nên kết quả giải quyết, xét xử các loại vụ án tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. 

Trong 5 năm qua, các Tòa án đã giải quyết 1.781.410 vụ án các loại trong tổng số 1.809.080 vụ án đã thụ lý, đạt 98,5%; số vụ án còn lại hầu hết là mới thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Các Tòa án đã triển khai sâu rộng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, nên chất lượng xét xử tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán giảm 1,35% so với nhiệm kỳ trước.

Hiệu quả các mặt hoạt động của Tòa án trong nhiệm kỳ này đã có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện tập trung ở một số điểm cơ bản sau: Tranh tụng tại phiên tòa ngày càng được tăng cường và đảm bảo thực chất; đã khắc phục có hiệu quả việc để các vụ án quá hạn luật định và các bản án tuyên không rõ ràng, khó thi hành; chất lượng công tác xét xử được nâng lên, đã hạn chế ở mức thấp các trường hợp kết án oan người không có tội; việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo được giám sát chặt chẽ hơn, nhất là đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng; tỷ lệ hòa giải thành trong giải quyết các vụ việc dân sự luôn đạt tỷ lệ cao; công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có nhiều chuyển biến rõ rệt cả về tiến độ và chất lượng giải quyết; đội ngũ cán bộ, Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp được bổ sung về số lượng và nâng cao chất lượng; điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các Tòa án tiếp tục được tăng cường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí và đánh giá cao các nội dung trong Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng, đánh giá toàn diện các mặt công tác của ngành tòa án nhiệm kỳ qua.

Đánh giá cao hoạt động của ngành tòa án trong 5 năm qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng toàn ngành tòa án đã có nhiều nỗ lực khắc phục hạn chế trong hoạt động xét xử, hạn chế oan, sai, tồn đọng án. Ngành tòa án cũng có nỗ lực rất lớn trong đề xuất chính sách, pháp luật nhằm củng cố, hoàn thiện vai trò, vị trí của tòa án, đổi mới hoạt động của tòa án các cấp. 

Chủ nhiệm Phan Trung Lý đánh giá cao vai trò của ngành tòa án trong việc đề xuất mô hình. Trước đó, Bộ Chính trị cũng đã có Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2002 về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp thời gian tới”, Nghị quyết 49-NQ/TW năm 2005 về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020" cũng đã nêu vấn đề mô hình tổ chức hoạt động của tòa án, như tổ chức tòa án theo cấp xét xử, thêm tòa án cấp cao, tổ chức thêm các tòa chuyên trách… 

Đó là những chủ trương lớn, cùng với tổng kết và nỗ lực của ngành tòa án, trong nhiệm kỳ này, chúng ta mới thực hiện được. Đặc biệt, khi triển khai thể chế hóa 2 nghị quyết nêu trên, một số nội dung bị bàn đi, bàn lại nên bị đẩy lùi, chưa thực hiện được, nhưng riêng trong lĩnh vực của ngành tòa án thì đã có rất nhiều cố gắng để thể chế hóa được các chủ trương của Đảng. 

Chủ nhiệm Phan Trung Lý lấy ví dụ, khi bàn về nguyên tắc tranh tụng, vì lý do này, lý do khác, không ít cơ quan, cá nhân không ủng hộ, thậm chí kiên quyết phản đối, nhưng cuối cùng vẫn được ngành tòa án bảo vệ thành công để đưa vào thành nguyên tắc Hiến định. Thời gian tới, theo Chủ nhiệm Phan Trung Lý, ngành tòa án cần thực hiện triệt để hơn nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng báo cáo của Chánh án cần tạo điểm nhấn tập trung vào việc đấu tranh phòng chống tham nhũng; làm rõ công tác xét xử của tòa án đã góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng như thế nào; tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa qua các vụ án, qua các công tác xét xử... 

Nhiều ý kiến cho rằng báo cáo cần bổ sung làm nổi bật vai trò, vị trí của tòa án trong hệ thống tư pháp, những điểm mới trong công tác cải cách tư pháp cần được nhấn mạnh hơn nữa như việc tranh tụng trong xét xử, suy đoán vô tội...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ngành tòa án cần nêu ra được các bài học kinh nghiệm trong báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ, vì kinh nghiệm của ngành tòa án rất quan trọng. Đồng thời, báo cáo cũng cần hoàn thiện theo hướng đánh giá kết quả, ý nghĩa hoạt động của ngành tòa án trong nhiệm kỳ qua…

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ được tiếp tục hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 11 sắp tới.

Rút ra những kinh nghiệm trong hoạt động kiểm sát

Thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nhiều nội dung được đề cập. Báo cáo đã đánh giá toàn diện các mặt công tác của ngành trong 5 năm qua, nêu lên những hạn chế, yếu kém cần khắc phục...

Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không tập trung liệt kê những công việc ngành kiểm sát đã làm; cần đi sâu đánh giá khái quát hoạt động của ngành trong 5 năm qua, rút ra những nội dung để tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Báo cáo cần có những đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm trong hoạt động của ngành kiểm sát để có phương hướng trong nhiệm kỳ tới; bổ sung nội dung đánh giá các mặt công tác của viện kiểm sát quân sự...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhận định, trong 5 năm qua, các vụ án lớn, vụ án tham nhũng nổi cộm đã được đưa ra xét xử công khai, mang lại niềm tin cho nhân dân, có tác động xã hội lớn. Báo cáo cần nêu rõ những điểm nhấn như việc thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW năm 2005 về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020" đã có ảnh hưởng như thế nào đến ngành kiểm sát; việc thực hiện trong thời gian tới sẽ thế nào ...

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ được tiếp tục hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 11 sắp tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần