Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bê tông tự phát sáng: Bảo vệ môi trường, giúp an toàn giao thông

Ngọc Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bê tông có khả năng hấp thụ năng lượng từ mặt trời và phát sáng vào ban đêm. Sản phẩm được kỳ vọng tự thắp sáng đường phố mà không cần sử dụng các nguồn năng lượng thông thường....

Bê tông có khả năng hấp thụ năng lượng từ mặt trời và phát sáng vào ban đêm. Ảnh: The American university in Cairo
Bê tông có khả năng hấp thụ năng lượng từ mặt trời và phát sáng vào ban đêm. Ảnh: The American university in Cairo

Zainab Mahmoud, Fatma Elnefaly, Mayar Khairy và Menna Soliman - 4 sinh viên thuộc trường Kỹ thuật xây dựng tại Cairo (Ai Cập), đã chế tạo ra bê tông phát sáng cho bài đồ án tốt nghiệp.

Loại vật liệu này vẫn có các đặc tính cơ học giống như bê tông thông thường, nhưng được pha thêm những chất phụ gia để có thể phát sáng. Sản phẩm được kỳ vọng sẽ tự thắp sáng đường phố mà không cần sử dụng các nguồn năng lượng thông thường.

Nhóm sinh viên cho biết, bê tông phát sáng có khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời và phát ra ánh sáng khi trời tối. Chúng có thể được sử dụng dọc theo mọi loại đường, từ đường mòn đến đường cao tốc.

Nhóm sinh viên trường Kỹ thuật xây dựng tại Cairo (Ai Cập) chế tạo ra bê tông phát sáng. (Ảnh: aucegypt)
Nhóm sinh viên trường Kỹ thuật xây dựng tại Cairo (Ai Cập) chế tạo ra bê tông phát sáng. (Ảnh: aucegypt)

Mayar Khairy chia sẻ rằng, ý tưởng này bắt nguồn từ việc nhận thức rõ sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu và năng lượng cạn kiệt. Ngoài ra, nhóm sinh viên mong muốn có thể tái tạo năng lượng, bảo tồn môi trường và biến đổi khí hậu thông qua việc sử dụng bê tông để tạo ra điện từ năng lượng mặt trời.

“Chúng tôi nhắm đến năng lượng mặt trời, bởi vì chúng là năng lượng sạch, tái tạo và vô hạn, giúp công trình bền vững trọn đời. Bê tông hấp thụ năng lượng mặt trời vào buổi sáng và giải phóng vào ban đêm thông qua hệ thống chiếu sáng của nó. Điều này làm giảm việc sử dụng điện, góp phần bảo vệ môi trường và giảm thiểu biến đổi khí hậu” - Khairy cho biết thêm.

Thành viên nhóm, Zainab Mahmoud cũng giải thích cách dự án phù hợp với các mục tiêu bền vững của Ai Cập: “Việc sử dụng vật liệu này ở Ai Cập trong bối cảnh như vậy sẽ giảm bớt sự phụ thuộc nhiều vào điện. Và đó là một bước tích cực nhằm chống lại biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”.

Tuy nhiên, theo Mayar Khairy, nhóm nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn, trong đó quan trọng nhất là hóa chất sử dụng trong dự án và thử nghiệm chúng trong phòng thí nghiệm ở các trường đại học của Ai Cập.

“Không có nghiên cứu trước nào về dự án này và chúng tôi đã thử nghiệm tất cả các vật liệu để thấy tác dụng của chúng đối với bê tông. Ngoài ra, vật liệu được sử dụng bên trong của bê tông cũng không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như ô tô, xe máy,…” - Khairy chia sẻ.

Bê tông tự phát sáng: Bảo vệ môi trường, giúp an toàn giao thông - Ảnh 1
Bê tông tự phát sáng trong bóng tối (Ảnh: aucegypt)
Bê tông tự phát sáng: Bảo vệ môi trường, giúp an toàn giao thông - Ảnh 2
 

Chính vì thế, nghiên cứu này đòi hỏi nhiều thử nghiệm hơn để đưa ra kết luận đáng tin cậy cho nhiều truy vấn quan trọng vẫn chưa được giải đáp. Tuy nhiên, Zainab Mahmoud vẫn lạc quan về tương lai của nghiên cứu, nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện và mở rộng công việc này để nâng cao các đặc tính của bê tông được sản xuất và giảm thiểu chi phí vốn ở giai đoạn đầu.

“Trong tương lai cần phải có quy trình để sản xuất ra số lượng lớn dưới dạng thử nghiệm thí điểm có thể đánh giá ở các điều kiện thực tế, chẳng hạn như một đoạn nhỏ của đường cao tốc,…” - Mahmoud khẳng định.

Ông Mohamed Nagib AbouZeid - Giáo sư kỹ thuật xây dựng và giám sát dự án cho rằng, bê tông tự phát sáng sẽ giúp giảm lượng năng lượng khổng lồ được sử dụng trong việc chiếu sáng đường cao tốc hoặc tín hiệu đường phố cần thiết. Nghiên cứu này là một bước tiến trong xu hướng sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, không tiêu thụ điện năng, không thải carbon dioxide hoặc các khí độc hại ra môi trường.