Cả gia đình cùng mắc thủy đậu
Ghi nhận của phóng viên tại Khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư cho thấy, trong vòng một tháng trở lại đây đã có rất nhiều ca mắc bệnh thủy đậu. Thậm chí, một gia đình có tới 4 người cùng mắc bệnh một lúc.
Dù đang mang thai tuần thứ 15 nhưng chị K.T.L., 22 tuổi (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) không may bị mắc thủy đậu khiến chị hoang mang, lo lắng. Trước đó 4 tuần, chị L. có tiếp xúc với anh trai, chị dâu và cháu gái bị mắc thủy đậu.
"Tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, tính từ đầu năm đến nay, số bệnh nhân mắc thủy đậu đến khám và điều trị khá đông, hơn 100 trường hợp phải điều trị nội trú. Thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh Zona ở người lớn). Bệnh không tạo thành một ổ dịch lớn, chủ yếu là các ổ dịch nhỏ và tập trung nơi đông người, trường học là nơi trẻ dễ lây nhiễm căn bệnh này." - Phó trưởng phòng Kế hoạch, Tổng hợp, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư Nguyễn Thanh Bình |
Trong khi, mới sinh mổ em bé thứ hai được 10 ngày, chị N.T.C., 29 tuổi (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đã phải nhập viện trong tình trạng sốt cao (trên 390C), nổi mụn nước toàn thân, nhiều nhất ở phần bụng và vết mổ. Khi bác sĩ khám, thấy bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, nổi mụn khắp cơ thể, đau người, mệt mỏi.
Bác sĩ yêu cầu bệnh nhân nhập viện điều trị và theo dõi biến chứng bệnh. Khai thác tiền sử của bệnh nhân C., trường hợp này mắc thủy đậu từ ngày 11/7. Cháu bệnh nhân 5 tuổi cũng bị mắc thủy đậu và đã được điều trị khỏi ngày 7/7. Được biết, cháu bệnh nhân bị lây bệnh từ các bạn học ở trường mầm non.
Chị C. cho biết, lúc đầu, cơ thể chỉ xuất hiện vài mụn nước và nghĩ rằng, do uống nhiều thuốc bổ sắt và canxi nên cơ thể mới nóng và phát ra các nốt như vậy. Sau khi mụn nước nổi ngày càng nhiều, chị mới biết bị thủy đậu và tự chữa bằng thuốc nam tại nhà. Tuy nhiên, uống thuốc được 4 ngày, chị vẫn thấy sốt, không đỡ nên mới nhập viện. Tính đến nay, chị vào viện đã được 4 ngày, nhưng bệnh chưa thuyên giảm.
Tiêm phòng vaccine trước khi mang thai
Trước số người mắc thủy đậu đang có chiều hướng tăng, bác sĩ Đỗ Minh Hoàng - Khoa Virus - ký sinh trùng, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm xuất hiện rải rác cả năm.
Khi bệnh nhân đang có thai mà mắc thủy đậu cần theo dõi sát sao để tránh xảy ra biến chứng, đặc biệt là khi thai đang trong giai đoạn 3 tháng đầu và 3 tháng cuối. Giai đoạn này, thai phụ cần được nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa, nếu sốt có thể dùng thuốc hạ sốt paracetamol. Giữ vệ sinh thân thể, tránh làm vỡ những bóng nước vì có nguy cơ bội nhiễm.
Dù không phải là virus nguy hiểm gây dị dạng thai nhi như Rubella, nhưng thai phụ mắc thủy đậu cũng cần phải theo dõi cực kỳ cẩn thận, có sự đồng theo dõi của bác sĩ sản khoa để đưa ra những tư vấn kịp thời cho thai phụ. Vì thế, bác sĩ Hoàng khuyến cáo, các bà mẹ nên chuẩn bị sẵn sức khỏe, tiêm phòng thủy đậu trước khi có bầu để tránh bị nhiễm thủy đậu trong quá trình mang thai.
Bác sĩ Hoàng cũng phản bác quan điểm của người dân là kiêng nước, kiêng gió quá kỹ, dẫn tới bị bội nhiễm. Vì thủy đậu là virus lây qua đường hô hấp và trung bình thủy đậu ủ bệnh một tuần, nên phải chăm sóc và cách ly người bệnh trong quá trình mắc bệnh; rửa chân tay khi tiếp xúc với người bệnh. Bệnh nhân có thể tắm hay lau người bằng nước ấm ở trong phòng kín rồi lau khô.
Thậm chí, hiện nay, có chế phẩm gội đầu bọt khô sẽ giúp bệnh nhân tiện lợi hơn trong vệ sinh cá nhân. Hạn chế ra gió chứ không phải kiêng tuyệt đối. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ, những người có chuyên môn.