Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bệnh viện Bạch Mai: Kiên cường giữa thương đau

Chia sẻ Zalo

KTĐT - 40 năm thấm thoắt đã qua đi, nhưng kỷ niệm về 12 ngày đêm lịch sử "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" vẫn không thể phai mờ. Lần giở lại dòng ký ức, GS Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã kể lại sự kiện khó quên trong đời.

Bệnh viện Bạch Mai: Kiên cường giữa thương đau - Ảnh 1
Bác sĩ Đỗ Doãn Đại
Bệnh viện hoang tàn,  đổ nát

Những ngày này, nhìn lại nhiều kỷ vật, tài liệu liên quan đến trận bom kinh hoàng mà BV Bạch Mai phải hứng chịu thời đó, lòng ông thêm một lần quặn đau. Những hình ảnh đau thương, mất mát nhưng đầy kiên cường của những người chiến sỹ áo trắng năm xưa qua hồi ức của vị giáo sư già không khỏi khiến người nghe bồi hồi xúc động. Ông kể, giọng chậm rãi, có lúc như chùng xuống…

Đêm 21, rạng sáng ngày 22/12, trời rét căm căm, khuôn viên BV Bạch Mai khá yên bình, vắng vẻ. Thế rồi, đúng 3 giờ sáng, trái bom đầu tiên thả xuống, khu nhà đồ sộ 2 tầng của BV, nơi có phòng Thường trực của lãnh đạo BV và Phòng mổ cấp cứu đổ sập. Tiếp đó là khu nhà B, tầng trên là Khoa Da liễu, tầng dưới là Viện Tai - Mũi - Họng trúng bom sập cả 2 tầng. Bom khoan sâu đổ sập tường và các tảng bê tông chặn cửa xuống tầng hầm - nơi các bác sĩ Khoa Da liễu đang trú ẩn. Bom tiếp tục rải sâu vào phía trong khu C của Khoa Nội, nơi mà trận bom ngày 27/6/1972 vẫn còn gây nhức nhối đau thương, giờ đây, sự tàn phá và thảm sát còn khủng khiếp hơn bội phần. Sức công phá của hàng tấn thuốc nổ đã làm đổ sập 2 tầng nhà và cầu thang nhà C1, khoan sâu xuống tận móng nhà, lấp kín lối xuống đường hầm.

Sau trận bom man rợ ấy, các khoa khác Dược, Sản, Ngoại, Thận nhân tạo, Nhi, Phòng hậu phẫu… đều bị phá hủy. Ba khu nhà cao tầng kiên cố bị đổ sập, nhiều nhà khác bị hư hại, các máy móc, trang thiết bị tan nát, văng vật, vùi lấp. Toàn bộ hệ thống đường hầm dài, rộng hàng trăm mét vuông bị cày xới. Kể đến đây, ông Đại rùng mình: "Không thể tin, không thể chấp nhận tội ác man rợ này. BV Bạch Mai sau bao nỗ lực xây dựng, đầu tư trang thiết bị biến thành những đống đổ nát, hoang tàn. Đau đớn hơn là sinh mạng những con người…".

Bệnh viện Bạch Mai: Kiên cường giữa thương đau - Ảnh 2

Bác sĩ Đỗ Doãn Đại ( thứ 3 từ phải sang) báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp về những thiệt hại của BV Bạch Mai sau trên bom ngày 22/12/1972. (Ảnh tư liệu gia đình)

Nén đau thương để cứu người

GS Đại kể tiếp: Đau thương nhất xảy ra ở tầng hầm khu B, vì nơi đây cửa hầm đã bị lấp kín, nhiều y bác sĩ bị kẹt lại bên trong. "Ở phía ngoài, chúng tôi nghe tiếng la hét, kêu cứu của anh em phía trong mà lòng như lửa đốt, quyết tâm bằng mọi cách phải cứu được người, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất". GS Đại vẫn nhớ, đoạn đầu ngách hầm, tấm bê tông đè chết hộ lý Hoàn Kim Thoa, 39 tuổi, mẹ của 4 đứa con nhỏ, đứa bé nhất mới lên 2. Thi thể chị lại chắn ngang lối vào hầm, phía trong còn nhiều người kêu cứu. Các bác sĩ và lực lượng cứu hộ đành nén đau thương chọn phương án cắt thi thể chị Thoa thành 3 phần (cắt rời phần đầu và 2 cánh tay) để có thể nhanh chóng cứu những người đang hấp hối phía trong. "Lúc này, chúng tôi vừa run, vừa khóc, xót thương đồng nghiệp, nhưng tự nhủ phải can đảm lên để cứu nhiều người khác. Khi đưa được hộ lý Thoa ra, chúng tôi kéo tiếp được chị Nguyễn Thị Hợi, khoa Da Liễu ra trong tình trạng chân tay dập nát, khắp cơ thể tím bầm. Mặc dù được cứu chữa kịp thời, nhưng chị đã qua đời, lìa xa 5 đứa con nhỏ côi cút, bơ vơ", nhắc đến sự kiện này, GS Đại không kìm được nước mắt, bao mất mát, đau thương ùa về trong ký ức ông.

Cảnh chết chóc thảm thương, đau đớn đến cùng cực, biết chết mà không cứu được cứ tiếp diễn. 17 sinh mạng dưới tầng hầm nhà B cùng chung số phận với chị Thoa, chị Hợi. Họ, mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc đời nhưng chung niềm đau, mất mát, hy sinh. GS Đại còn nhớ như in: Chị Đặng Thị Hồng Diên, kỹ thuật viên mới xây dựng gia đình đang mang thai 2 tháng, chị Đào Thị Khuyến, 24 tuổi và chị Đỗ Thị Ngọc Thạch, 2 cô phù dâu cho đám cưới chị Diên, cũng theo chị ra đi mãi mãi. Chị Nguyễn Thị Kim Liên, 34 tuổi cùng đứa con gái 8 tuổi, BS Nguyễn Thị Giỏi, hôm trước vừa nhận tin chồng hy sinh ngoài mặt trận, cái đêm sinh tử ấy lại vĩnh biệt anh em.

Riêng khu C, trận oanh tạc của giặc còn giết hại cả bệnh nhân vừa mới bị thương khi bom giặc ném vào chùa Sét ngày hôm trước. Đó là anh Đàm Văn Miến, 29 tuổi, chết đi để lại người vợ đang mang thai. Chị Mai Thị Tuyết, nữ công nhân điện tận tụy của BV, mẹ của 3 đứa con nhỏ và vợ của chiến sỹ quân y đang ngoài mặt trận cũng đã từ trần. Lần lượt, lần lượt, giặc Mỹ đã đã cướp đi sinh mạng 28 y bác sỹ của BV, nỗi đau này ông mãi mãi khắc ghi.

Dù mưa bom ác liệt nhưng công tác cứu chữa bệnh nhân vẫn diễn ra tích cực. Chính GS Đại đã chỉ đạo kéo dây điện để chiếu sáng hầm, nhóm bếp để phục vụ bữa ăn cho toàn thể anh em sống sót, các ca mổ, kíp trực tiếp tục hoạt động hết công suất. Không khí làm việc chưa bao giờ khẩn trương đến vậy. Ngay sau đó, lãnh đạo BV đã họp trên thực địa, xây dựng quyết tâm bám trụ đến cùng với phương châm: Còn công nhân làm việc trong nhà máy, còn lực lượng ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô, còn nhân dân ở lại phố phường thì còn cán bộ nhân viên BV Bạch Mai bám trụ và phục vụ cứu chữa người bệnh. Do vậy, chỉ 5 ngày sau, được sự giúp đỡ của các đơn vị, BV Bạch Mai đã bốc dỡ, thu dọn hàng trăm đống bêtông gạch vữa, cấp cứu cho tất cả trường hợp bị thương được chuyển đến. Chỉ sau 5 ngày, BV đã đưa được gần 300 bệnh nhân nặng cùng các tài sản có giá trị đến nơi sơ tán an toàn.

Câu chuyện kể của GS Đỗ Doãn Đại khép lại, từ tầng 2, ông tiễn tôi xuống đường. Trước khi chia tay tôi, ông nói thêm: "Ngày đó, khi các đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm, tôi hứa sẽ quyết tâm xây dựng lại BV Bạch Mai ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Nhìn BV Bạch Mai phát triển như ngày hôm nay, tôi thấy lòng mình mãn nguyện".