Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Bếp lửa" của nền kinh tế Việt Nam vẫn sáng đèn

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế 2021 với chủ đề “Điểm tựa phục hồi, phát triển kinh tế và doanh nghiệp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 24/11, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, ba chân kiềng trong bếp lửa của nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ vững. Đó là yếu tố then chốt giúp Việt Nam có khả năng bứt phá.

 Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, chúng ta đã trải qua 3/4 của năm 2020 đầy giông bão do đại dịch Covid-19 gây ra. Nền kinh tế thế giới và trong nước bị ảnh hưởng rất nặng nề, các tổ chức quốc tế có uy tín đều đồng loạt hạ mức tăng trưởng dự báo và bức tranh kinh tế thế giới đã ngày càng trở nên bi quan hơn.
Tuy vậy, theo Báo cáo Cập nhật triển vọng và phát triển châu Á 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 2,8% trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 và dự kiến sẽ tăng 6,3% trong năm 2021.
Đáng chú ý, báo cáo đánh giá Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác; triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực.
Việt Nam có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay. “Năm nay, chúng ta duy trì được tăng trưởng dương đã là kỳ tích. Việt Nam đã thành công trong mục tiêu kép, vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển sản xuất kinh doanh” - Chủ tịch VCCI nói.
Theo đó, TS Vũ Tiến Lộc cho biết, đối với mục tiêu kinh tế, chúng ta đạt cả 3 yêu cầu ổn định, tăng trưởng và kết nối. Trong bối cảnh đen tối của nền kinh tế toàn cầu thì "bếp lửa" của nền kinh tế Việt Nam vẫn sáng đèn.
Cụ thể, ba chân kiềng của nền kinh tế vẫn giữ vững. Ba chân kiềng đó gồm: Đổi mới thể chế mạnh mẽ; hội nhập vẫn đang thúc đẩy và chuyển đổi số đang được thực thi mạnh mẽ. “Đây là ba chân kiềng trong bếp lửa của nền kinh tế Việt Nam, là động lực tăng trưởng. Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương quyết liệt, kịp thời, các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội đã bước đầu phát huy tác dụng” - TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Nhận định rằng những biện pháp đã được triển khai kịp thời và bao phủ, nhưng quan trọng hơn hết, theo TS Lộc vẫn là khả năng chống chịu của người dân và doanh nghiệp. Niềm tin của người dân và doanh nghiệp vẫn rất lớn. “Qua đại dịch cũng như mỗi khi đất nước trải qua thời kỳ khó khăn, chúng ta đều nhận thấy chính niềm tin của người dân vào sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là một trong những nguyên nhân quan trọng bậc nhất dẫn tới thành công” - TS Vũ Tiến Lộc đúc kết.
 TS Vũ Tiến Lộc (giữa) cùng các đại biểu tại Diễn đàn.

Tuy nhiên, nhận định đất nước chưa qua khỏi những khó khăn, doanh nghiệp vẫn chưa được phục hồi, hàng triệu lao động chưa có việc làm, phục  hồi doanh nghiệp đang trở thành mệnh lệnh, Chủ tịch VCCI cho rằng song song với triển khai gói hỗ trợ lần 1 thì gói hỗ trợ thứ hai cần tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời. Những lĩnh vực mà nếu vượt khó khăn trước mắt sẽ tạo ra động lực cho tăng trưởng như hàng không, du lịch.
Nhận định sự hỗ trợ của Chính phủ cho hàng không là đúng đắn và kịp thời, Chủ tịch VCCI cho rằng cũng cần hỗ trợ các hãng hàng không khác tiếp cận nguồn cho vay. Đây là các biện pháp hỗ trợ có chọn lọc tập trung vào các doanh nghiệp có tiềm năng tạo sự phục hồi, động lực phát triển của nền kinh tế sau đại dịch.
Cho biết ngay trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã tâm sự rằng “không cần tiền, chỉ cần thể chế, cơ chế”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, cùng với việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bằng tài khoá, tín dụng… luôn là hữu hạn, thì những nỗ lực khơi thông thị trường, cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục… luôn là vô hạn và là động lực lớn nhất cho sự phát triển.
Xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam tại ASEAN chưa được thay đổi nhiều, cho thấy chúng ta có nhiều dư địa. Vì thế, Chủ tịch VCCI tin rằng việc dỡ bỏ rào cản, nâng cao sự cạnh tranh của môi trường kinh doanh, huy động nguồn lực xã hội sẽ là nguồn lực lớn nhất cho sự phát triển. Đây chính là động lực cho phát triển, là gói giải pháp quan trọng nhất. 
Bên cạnh đó, TS Vũ Tiến Lộc cũng khẳng định ngay trong những ngày tháng Covid-19 khó khăn này, chúng ta vẫn ký kết RCEP, đó là những nỗ lực hội nhập trong khu vực được xem là rộng lớn nhất trên thế giới. Điều đó có thể khẳng định, thúc đẩy hội nhập chính là một động lực cho tăng trưởng của Việt Nam.
Đồng thời, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, chuyển đổi số cũng là điểm tựa quan trọng cho bước phát triển của nền kinh tế Việt Nam.