Cho đến nay, hai chiếc mỏ neo vẫn còn chứa đựng nhiều bí ẩn mà các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn đang đi tìm lời giải.
Báu vật dưới đáy sôngNăm 1999, trong một lần đi qua khu vực sông Hồng, ông Quách Văn Địch (Long Biên, Hà Nội) bắt gặp một chiếc mỏ neo lớn, nằm trên bãi tập kết của Công ty Du lịch Sông Hồng. Mỏ neo này được người thuyền chài vớt lên và đang gửi bán. Thấy có cái mỏ neo bằng gỗ đồ sộ như thế, ông Địch hỏi giá và trả tiền cho thuyền chài.
|
Các chuyên gia nước ngoài đến từ Mỹ, Australia, Canada, Nhật Bản nghiên cứu về mỏ neo. Ảnh: Lại Tấn |
Ông Địch chia sẻ: “Tôi mua vậy thôi chứ ban đầu chưa xác định là gì, chỉ nhận định đây là chiếc neo sần sùi, lâu năm. Hơn nữa, tôi nhìn nó cũng lạ, cảm thấy thích”. Hai năm sau, ông đã mua được chiếc mỏ neo thứ hai do một người thuyền chài ở làng Chèm (quận Bắc Từ Liêm) vớt được. “Lúc đầu, tôi không định mua nhưng vì thấy mỏ neo thứ hai có điểm khác, chỉ có 1 cánh (chiếc đầu tiên có 2 cánh) nên quyết định mua cho có đôi có cặp. Tổng trị giá của 2 chiếc mỏ neo là 11 cây vàng” – ông Địch kể. Từ khi mang hai chiếc mỏ neo trưng bày tại nhà hàng của gia đình, ông Địch nhận được nhiều lời đề nghị mua lại. Trong đó, có người trả giá 30.000 USD. Ban đầu, ông Địch đã định bán nhưng thẫn thờ một hồi lâu, rồi từ chối. Thậm chí, năm 2002, thông qua một số người buôn gỗ ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh), có vị khách đã trả giá 150.000 USD để có được 2 mỏ neo nhưng ông Địch đều từ chối. Cũng kể từ khoảng thời gian trên, ông Địch luôn bị ám ảnh bởi câu hỏi chiếc mỏ neo xuất hiện từ khi nào và con thuyền của chiếc mỏ neo này đến từ đâu? Để tìm câu trả lời, ông Địch tìm tới các cơ quan chuyên môn như Viện Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử…
Hé mở một phần lịch sử Thủ đôSau nhiều lần tìm đến các cơ quan chuyên ngành để nhờ giúp đỡ nhưng không thành, ông Địch quyết định viết thư, kèm theo nhiều bức ảnh của 2 chiếc mỏ neo gửi đến nhà sử học Dương Trung Quốc. Vài ngày sau, ông Quốc cùng nhà khảo cổ học Vũ Thế Long tới nhà ông Địch. Ngay sau khi tiếp cận hiện vật, ông Vũ Thế Long đã tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia nghiên cứu tàu cổ quốc tế, trong đó có chuyên gia người Nhật. “Lúc đó, tôi cũng có giả thiết rằng hai chiếc mỏ neo này là của những chiến thuyền của quân Nguyên Mông bị đánh đắm trong trận Bạch Đằng. Cũng trong thế kỷ XIII, ba lần quân Nguyên đã vượt biển sang chinh phục Nhật Bản, nhưng bị bão nên thất bại. Chắc người Nhật có nghiên cứu những hiện vật về tàu cổ trục vớt được” – ông Long lập luận.
Theo lời kể của ông Địch, năm 2009, một hội đồng giám định bao gồm 10 chuyên gia đầu ngành của các cơ quan về lịch sử và khảo cổ như Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ Việt Nam, Cục Di sản đã tới tận nhà ông Địch để xem tỏ tường hiện vật. Tại đây, nhiều nhà khoa học như ông Phạm Quốc Quân - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, ông Phạm Mai Hùng - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đều khẳng định: “2 chiếc mỏ neo rất quý”, có tuổi đời khoảng 2.000 năm. Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Vũ Thế Long cho biết: “Việc phát hiện 2 chiếc mỏ neo này có thể là bằng chứng rõ nét cho việc từ hàng trăm năm trước khu vực sông Hồng ở Hà Nội từng là một nơi tàu bè đi lại sầm uất, giao thương nhộn nhịp với nhiều tàu có kích thước lớn”.
Sau khi tặng 2 chiếc mỏ neo cho bảo tàng Hà Nội, ông Địch tâm sự: “Theo thời gian, vảy gỗ tại hai chiếc mỏ neo đang rơi rụng dần, vảy gỗ tróc từng ngày. Sau khi tặng cho Bảo tàng Hà Nội, tôi mong muốn bảo tàng gìn giữ, sớm có phương án trưng bày để người dân Hà Nội và thế hệ sau thông qua hình ảnh hiện vật có thể biết một phần lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến”.
Hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội. Khoảng tháng 10/2019, sau khi hoàn thiện nội dung trưng bày, 2 mỏ neo cổ cùng nhiều hiện vật giá tri khác sẽ được giới thiệu với công chúng.