Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí ẩn ngôi miếu cổ Bảo Hà ở Hải Phòng

Hải Yến - Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Pho tượng Đức Linh Lang Đại vương có thể đứng lên ngồi xuống; thả bưởi xuống giếng bán nguyệt trong miếu thì quả bưởi sẽ trôi ra hồ… Đây là một số điều kỳ lạ và thú vị trong miếu Bảo Hà...

Bảo tàng điêu khắc cổ

Làng Bảo Hà (xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) không chỉ là làng nghề điêu khắc, sơn mài nổi tiếng dân gian lưu truyền câu ca: “Linh Động xứ Đông Sơn Đồng xứ Đoài”, mà còn bởi có một bức tượng Đức Linh Lang Đại vương có thể chuyển động, đứng lên ngồi xuống vô cùng độc đáo thờ trong miếu Bảo Hà.

Miếu Bảo Hà còn gọi là miếu Ba Xã hay miếu Cả.
Miếu Bảo Hà còn gọi là miếu Ba Xã hay miếu Cả.

Miếu Bảo Hà còn gọi là miếu Ba Xã hay miếu Cả. Miếu được xây dựng tại thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh là công trình tưởng niệm, ghi nhớ công đức của Linh Lang Đại Vương, người anh hùng có công dẹp giặc ngoại xâm. Ngoài ra miếu còn phối thờ Nguyễn Công Huệ - ông tổ nghề tạc tượng, người có công khai nghiệp tạc tượng nổi danh.

Xuất phát từ một làng nghề điêu khắc, cụm di tích miếu-chùa Bảo Hà có nhiều nét khá đặc biệt, giống như bảo tàng điêu khắc cổ, được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng cấp quốc gia năm 1991.

Miếu Bảo Hà được xây dựng khá sớm và trải qua nhiều lần tu sửa, tôn tạo. Theo các già làng kể lại, kiến trúc miếu trước đây bố cục kiểu “Tiền nhất hậu đinh”, gồm ba tòa nhà là: Tiền đường (cung nhất) 7 gian, đại bái (cung nhì) 5 gian và 2 gian hậu cung. Trong kháng chiến chống Pháp, tòa tiền đường cùng một số đồ thờ, tượng quý bị đốt cháy. Đến năm 2004, nhân dân đóng góp tiền của xây lại tòa tiền đường, mở rộng sân và khuôn viên của miếu.

Miếu phối thờ ông tổ nghề tạc tượng Nguyễn Công Huệ.
Miếu phối thờ ông tổ nghề tạc tượng Nguyễn Công Huệ.

Miếu Bảo Hà có không gian kiến trúc không lớn nhưng dân làng còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý, trong đó có 50 hiện vật thuộc đồ mộc tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc của bao lớp thợ người Linh Đông, Hà Cầu xưa. Ngôi miếu được xem như một bảo tàng điêu khắc cổ, nơi bảo tồn tài hoa nghệ thuật của làng nghề tạc tượng, rối cạn, sơn mài nổi tiếng.

Những bí ẩn tại miếu Bảo Hà

Độc đáo nhất là pho tượng Thành Hoàng (tượng Linh Lang Đại vương) tương truyền do cụ Nguyễn Công Huệ tạc. Tượng cao bằng người thật, nét mặt thanh tú, khôi ngô, đầu đội mũ, mình mặc quần áo lụa. Điều đặc biệt là pho tượng có thể đứng lên, ngồi xuống một cách nhịp nhàng.

Bí mật của sự chuyển động của bức tượng Đức Linh Lang Đại vương nằm ở cánh cửa của điện thờ nơi có bức tượng. Các nghệ nhân tạc tượng xưa khéo léo kết hợp giữa nghệ thuật tạc tượng và nghệ thuật múa rối cạn, làm ra hệ thống truyền lực kéo đẩy nối giữa cánh cửa với các khớp của pho tượng. Vì vậy, khi mở, cánh cửa sẽ truyền lực lên pho tượng, bức tượng dần đứng lên và ngược lại, khi cửa khép bức tượng lại trở về tư thế ngồi ban đầu. Sự chuyển động của bức tượng khiến cho những người đến đây trầm trồ khen ngợi về sự tài hoa của người thợ làng Bảo Hà, khiến ngôi miếu này trở nên linh thiêng, kỳ bí.

Tượng Thành Hoàng (tượng Linh Lang Đại vương) có thể đứng lên, ngồi xuống một cách nhịp nhàng.  
Tượng Thành Hoàng (tượng Linh Lang Đại vương) có thể đứng lên, ngồi xuống một cách nhịp nhàng.  

Đến với miếu Bảo Hà, không những được tận mắt chiêm ngưỡng tượng Linh Lang Đại vương đứng lên ngồi xuống, rất nhiều người còn ngạc nhiên bởi giếng bán nguyệt. Khi thả quả bưởi xuống giếng khoảng 10 phút sau mạch nước thiêng sẽ đưa quả bưởi ra hồ ngoài cửa miếu cách xa gần 20m. Tuy nhiên, có một điều kì lạ, đó là khi thả bưởi mà không đánh trống thì quả bưởi không trôi được ra ngoài, hoặc có trôi cũng phải 3 đến 5 ngày sau mới thấy nổi. Nhưng chỉ với 3 hồi trống miếu, chỉ 5 phút sau người ta sẽ thấy quả bưởi nổi lên ngay. Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn tin vào điều linh thiêng và kỳ bí này và cho đó là điều thần kỳ nơi miếu Bảo Hà linh thiêng để lại.

Tham quan miếu Bảo Hà, du khách còn được nghe rất nhiều câu chuyện kể về những bàn tay khắc gỗ nên vàng của những Kỳ tài hầu, Diệu nghệ bá, Cục phó nam tước... thưởng thức chương trình múa rối các tích trò: Trương Viên, Viên ngọc lưu ly, Thạch Sanh, Quan âm Thị Kính... kịch tính và đặc sắc.

Làng tạc tượng nổi tiếng khắp xứ Đông

Ngày nay, làng Bảo Hà vẫn vang lên tiếng đục chạm, mài gỗ từ các xưởng tạc tượng. Hiện, làng tạc tượng Bảo Hà có hơn 500 hộ làm nghề khoảng trên 50 xưởng sản xuất.

Sản phẩm của làng tạc tượng ở Bảo Hà ngày một trở nên đa dạng, phong phú hơn nhiều. Những dòng sản phẩm truyền thống như tượng phật, tượng thánh, con rối… Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu thị trường còn có các sản phẩm thờ cúng như: Bàn thờ, câu đối, tượng lớn nhỏ các loại hay bức tượng đương đại, tranh sơn mài…

Sản phẩm của làng tạc tượng ở Bảo Hà ngày một trở nên đa dạng, phong phú.
Sản phẩm của làng tạc tượng ở Bảo Hà ngày một trở nên đa dạng, phong phú.

Những sản phẩm này không chỉ phục vụ trong nước mà đã còn xuất khẩu ra nước ngoài. Làng tạc tượng Bảo Hà đã trở thành địa chỉ đỏ “Du khảo đồng quê” ở ngoại thành Hải Phòng. 

Khi đến mùa lễ hội, rất nhiều du khách đến thăm quan miếu Bảo Hà. Họ muốn tận mắt chiêm ngưỡng những nét kỳ lạ, độc đáo của pho tượng Linh Lang, sự linh thiêng, huyền bí của giếng bán nguyệt. Đặc biệt là sự tài hoa được các nghệ nhân của làng thổi hồn vào những con rối trong nghệ thuật múa rối nước. Tất cả tinh hoa văn hóa, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng cư dân trồng lúa nước thể hiện trong lễ hội truyền thống làng Bảo Hà. Lễ hội này được tổ chức 3 năm một lần vào ngày mùng 10 - 15 tháng 3 Âm lịch, thời gian kéo dài khoảng 3 - 5 ngày.