70 năm giải phóng Thủ đô

Bi hài "lệnh cấm" lạ lùng chốn công sở

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để giữ gìn nội quy của cơ quan, văn phòng, thường lãnh đạo đưa ra những quy định chung và mọi nhân viên đều phải tuân thủ.

KTĐT - Để giữ gìn nội quy của cơ quan, văn phòng, thường lãnh đạo đưa ra những quy định chung và mọi nhân viên đều phải tuân thủ. Thế nhưng nhiều khi, các quy định này khiến nhân viên có ý nghĩ rằng, sếp là "to" nhất nên muốn làm gì cũng được.

Sếp của một đại lý vé máy bay tại TP HCM quy định, nhân viên nào vắt áo khoác ở ghế bị trừ 50.000 đồng vào lương; vươn vai, nói to trong văn phòng cũng bị phạt 50.000 đồng.

Để giữ gìn nội quy của cơ quan, văn phòng, thường lãnh đạo đưa ra những quy định chung và mọi nhân viên đều phải tuân thủ. Thế nhưng nhiều khi, các quy định này khiến nhân viên có ý nghĩ rằng, sếp là "to" nhất nên muốn làm gì cũng được.

Thanh Mai, nhân viên phòng vé của một đại lý vé máy bay cấp I ( TP HCM) kể chuyện về các quy định mà sếp của cô lập ra cho nhân viên. Mai cho biết cô từng đi làm ở rất nhiều cơ quan, từng gặp rất nhiều vị sếp khó tính nhưng chưa từng thấy ai khó tính đến mức kỳ quặc như ông sếp hiện nay. Ở văn phòng, nếu vô tình sếp đi ngang qua thấy nhân viên có hành động nào không vừa ý mình là lập tức ra quy định cấm, hoặc phạt tiền.

Mai kể, có lần sếp vào phòng làm việc của nhân viên, thấy họ vắt áo khoác ra sau ghế ngồi, thế là ngay sau đó, sếp ra quy định, được soạn thảo thành văn bản và đóng dấu hẳn hoi, là “không được vắt áo khoác ra sau ghế, người vi phạm sẽ bị phạt 50.000 đồng, trừ vào tiền lương”. Ít ngày sau đó, thậm chí cả việc vươn vai, nói to trong văn phòng cũng bị cấm và áp mức phạt tương tự nếu vi phạm. Nhân viên đi muộn một phút so với quy định, không cần xem xét lý do, cuối tháng kế toán cứ việc trừ vào lương 50.000 đồng một lần.

Mai tâm sự, cô mới vào làm ở đây chưa đầy hai tháng nhưng chắc sẽ phải “chạy” thôi: "Lương ở đó cũng chỉ ở mức kha khá, cái gì cũng trừ thì gần hết lương rồi còn gì. Ngồi cả ngày bên máy tính, lưng, đầu, cổ đều mỏi nhừ, lỡ trót dại vươn vai một cái là đi toi” 50 nghìn đồng. Chẳng ai chịu mãi được những quy định kỳ quặc này nên chỗ mình nhân viên cứ vào lại ra, thay đổi xoành xoạch".

Chị Hồng Hạnh, nhân viên văn phòng trong một cơ quan nhà nước, cho biết ở cơ quan chị, lệnh cấm ăn quà vặt trong phòng làm việc được thực hiện ngặt nghèo đến nỗi, ai ăn hay hay mang bất cứ thứ đồ ăn nào vào văn phòng  sẽ bị phạt xuống nhà bếp rửa chén bát một tháng. Phần lớn mọi người đều ủng hộ việc cấm ăn quà vặt tại văn phòng để giữ môi trường làm việc sạch sẽ, nhưng rất ngạc nhiên về hình phạt kia. Họ cứ hỏi nhau chẳng nếu một nhân viên lỡ mắc lỗi bị phạt thì việc của người đó, ai sẽ làm thaytrong cả tháng, và liệu hình phạt đó có thực sự xác đáng và công bằng?

Còn tại công ty L., một công ty gia đình ở Hà Nội mà chồng là giám đốc, vợ là phó giám đốc phụ trách hành chính nhân sự, các nội quy đều do “sếp bà” đưa ra và cũng mang tính chất rất...gia đình. Có lẽ sợ ông chồng sinh hư vì mấy cô nhân viên trẻ đẹp nên bà cấm nhân viên nữ mặc váy ngắn trên đầu gối đến công ty. Thế là từ đó các cô nhân viên phải nói lời tạm biệt với những chiếc juyp trẻ trung, gợi cảm nếu còn muốn giữ việc làm.

Không ít hình phạt ở công sở khiến nhân viên cảm thấy lạ lùng và bức xúc. Theo luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Công ty luật hợp doanh Đông Nam Á, Hà Nội, có thể khẳng định các kiểu quy định và hình phạt như trên là sai luật lao động. Người sử dụng lao động không được phép phạt những lỗi như trên bằng cách trừ lương (trong hợp đồng lao động) của người làm công. Trường hợp khác thì chỉ có thể trừ vào phần tiền thưởng theo thoả thuận giữa hai bên thuê và được thuê. Giám đốc hay người quản lý cơ quan, doanh nghiệp cũng không thể tuỳ tiện ra quyết định trừ lương hay dùng hình phạt với những lỗi như vậy của nhân viên.

Trường hợp ra quy định nhân viên mắc lỗi phải đi rửa chén bát một tháng như trên, theo luật sư Thuật cũng là vi phạm luật lao động. Ông Thuật giải thích, tất cả các quyết định xử phạt chỉ hợp pháp khi đã được đưa ra trước cuộc họp của một hội đồng kỷ luật, gồm những người có chức trách, nhiệm vụ thực hiện công việc này. Sau khi hội đồng kỷ luật làm việc xem xét có lỗi hay không và xử lý như thế nào thì mới ra quyết định chính thức và các bên liên quan căn cứ theo quyết định đó để thi hành.

Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật tư vấn, người lao động có quyền khiếu nại đối với những quy định mà họ thấy không thoả đáng. Nếu trong cơ quan, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, hội đồng hoà giải thì đó là địa chỉ đầu tiên người lao động có thể đến để yêu cầu can thiệp. Bạn cũng có quyền khiếu nại lên cấp phường, quận, để yêu cầu các hòa giải viên lao động giải quyết.

Anh Nguyễn Hữu Thuận, giám đốc một doanh nghiệp lớn ở Hà Nội, cũng tỏ ra khá bất ngờ khi biết có những quy định kiểu này ở văn phòng. Theo quan điểm của anh, hình phạt không phải là cách tốt nhất để duy trì kỷ luật trong công ty. Nếu sếp lạm dụng quyền hạn theo cách đó thì sẽ mất uy tín của chính mình với nhân viên. Việc áp dụng hình phạt quá nghiêm khắc hoặc quá vô lý mà nhân viên, cấp dưới không phục, không đồng tình sẽ khó đem lại kết quả tốt, thậm chí còn phản tác dụng. Nó làm cho bầu không khí làm việc trong công ty thêm căng thẳng, gây tâm lý bất mãn, tăng áp lực không cần thiết cho các nhân viên vốn đã chịu rất nhiều áp lực từ công việc rồi.

Vị giám đốc này chia sẻ, anh quản lý nhân viên không bằng hình phạt mà bằng phần thưởng cho những người có tinh thần làm việc tốt, làm việc hiệu quả, kết quả nổi bật và có ý thức xây dựng, nhiệt tình. Anh cũng cố gắng tạo không khí làm việc thoải mái trong văn phòng. Nguyễn Hữu Thuận cho rằng, đây là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp của anh từ chỗ là một cơ sở sản xuất nhỏ phát triển thành tổng công ty có hơn một nghìn nhân viên luôn tự giác tuân thủ kỷ luật và nội quy.