Bi kịch của… ghen!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Mặc dù cái ngày khủng khiếp đó đã trôi qua cách đây 4 năm, nhưng chưa ngày nào trong tôi thoát khỏi sự ám ảnh, tất cả chỉ vì ghen tuông mù quáng mà đã được giải quyết bằng những nhát dao oan nghiệt…”

KTĐT -  “Mặc dù cái ngày khủng khiếp đó đã trôi qua cách đây 4 năm, nhưng chưa ngày nào trong tôi thoát khỏi sự ám ảnh, tất cả chỉ vì ghen tuông mù quáng mà đã được giải quyết bằng những nhát dao oan nghiệt…” – Đó chính là lời tâm sự của phạm nhânTrần Quốc Cường tại Trại giam Bình Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế (thuộc Tổng cục 8 - Bộ Công An).

22 nhát dao oan nghiệt

Sinh năm 1981 Trần Quốc Cường (trú tại Trần Văn Kỹ, phương Tây Lộc, TP. Huế) nhìn bề ngoài già hơn nhiều so với tuổi. Phải chăng sự sai lầm của cơn ghen và “lửa giận” đã đưa mình vào hoàn cảnh như thế? Bởi Cường chính là hung thủ của vụ án từng gây xôn xao dư  luận khi giết chết người tình bằng 22 nhát dao tại quán cà phê “Cây Nhãn” trong TP. Huế xảy ra vào tháng 4.2007.

Năm 2005, Cường đã quen biết và sau đó có quan hệ yêu đương với chị Trần Thị Kim Ngọc (SN 1981, trú tại xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). Trước khi đến với Cường, chị Ngọc đã có một đời chồng với 1 cậu con trai. Gặp Cường trong hoàn cảnh kinh tế không lấy gì làm dư giả, tình cảm luôn “chống chếnh”, chẳng phải là “hồng nhan chi kỷ” nhưng hai người đều có chung một mong ước sẽ bù đắp những thiếu thốn tình cảm cho nhau. Nhưng rồi cũng trong thời gian yêu đương ấy, Ngọc thường xuyên mượn xe máy và giấu Cường đi chơi, uống rượu với bạn bè.

Sự nghi ngờ bắt đầu nảy sinh trong Cường, máu ghen ngày càng được nhóm lên và rồi bùng cháy. 13h ngày 20.4.2007, Cường gọi điện thoại cho Ngọc nhưng Ngọc lại tắt không nghe máy. 15h cùng ngày, Cường đi xe máy đến nhà Ngọc rủ đi uống cà phê. Cường đã chở chị Ngọc đến quán cà phê “Cây Nhãn” trên đường Nhật Lệ (thuộc địa bàn phường Thuận Thành, TP. Huế). Tại góc quán nơi đây, hai người đã ngồi nói chuyện với nhau. Cường đã hỏi Ngọc tại sao Cường gọi điện lại không nghe rồi còn tắt máy. Lời qua tiếng lại và câu chuyện căng thẳng lên đến đỉnh điểm. Trong tư thế Cường đang ngồi trên ghế, Ngọc nằm gối đầu lên đùi Cường, nghe Ngọc cự cãi, Cường liền rút con dao giấu sẵn trong người đâm 22 vào ngực, bụng khiến nạn nhân tử vong ngay tại chỗ. Hành vi phạm tội của Cường đã bị TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên phạt mức án chung thân về tội “Giết người” vào ngày 28.9.2007.

Mong lắm ngày trở về

“Ngay từ ngày đầu khi chúng em quen nhau, biết hoàn cảnh éo le của Ngọc chúng em đã chia sẻ và mong được có nhau cho dù tương lai còn nhiều khó khăn trước mắt  cần phải vượt qua. Nhưng rồi, không làm chủ được bản thân, những lúc buồn Ngọc chỉ biết vùi mình vào các cuộc hẹn hò, nhậu đến say không biết đường về. Mất lòng tin, mệt mỏi vì tình yêu đang dần chết, nghĩ có người thứ 3 đã xen vào tình yêu của em thế là cơn ghen không biết được nhen nhóm từ khi nào. Những lúc như thế em cũng tìm đến sự chia sẻ của bạn bè, từ những người xung quanh. Người có ý tốt thì chỉ cho cách, chăm sóc nuôi dưỡng tình yêu để mong chúng em nên vợ, nên chồng và nhắc nhở em nên nhìn lại mình tại sao lại như thế? Nhưng có nhiều người thì lại cho rằng cô ta chắc đang cặp kè với ai khác, chứ để ý gì đến thằng thợ cơ khí quèn như em. Nửa lo kiếm tiền, nửa lo cố giữ người yêu, mọi chuyện cứ rối bời, không biết phải xử trí ra sao. Rồi những nhát dao em hại chết người yêu cũng là những ngày đen tối nhất trong cuộc đời em” - Cường nói trong nước mắt.

Khi được hỏi về tương lai, Cường rất tự tin nói: “Đúng là không có gì sướng bằng được tự do, mặc dù trước kia cuộc sống bên ngoài khó khăn, phải bươn trải nhưng em thấy có ý nghĩa lắm anh ạ. Mới đầu vào đây, với cảm giác mình là kẻ mang trọng tội, nhiều khi em không thiết sống. Nhưng rất may, em được cán bộ quản giáo ở đây bảo ban làm em thấy khao khát được sống, khao khát sớm được trở về với gia đình và sống có ích”.

Trung tá Phan An – Giám thị Trại giam Bình Điền cho biết: Công việc quản lý, giáo dục phạm nhân không phải lúc nào cũng áp dụng một cách cứng nhắc, không nên nhìn họ dưới con mắt là tội phạm mà phải nhìn họ là một con người. Tuy nhiên, tất cả những quy định của pháp luật cần phải được tuân thủ chặt chẽ, nếu sơ suất hoặc không kiểm soát tốt, rất dễ xảy ra “sự cố”. Điều quan trọng trong cải tạo phải hướng họ thấy giá trị của cuộc sống, nhận ra những sai lầm đã từng mắc phải để yên tâm cải tạo và trở thành người có ích cho xã hội. Điều này rất cần đến sự tận tâm, tình thương, trách nhiệm… của đội ngũ cán bộ, quản giáo không chỉ giúp các phạm nhân sớm đến ngày trở về, mà nhiều người còn được học văn hóa, học nghề. Khi trở về, họ có thể hòa nhập với cuộc sống.