Đây không phải lần đầu các tổ chức quốc tế có quan điểm ngược với các chuyên gia ưa chỉ trích của bóng đá Việt Nam.
Bàn thắng của VFFTrong 2 năm liên tiếp, VFF được đề cử giải thưởng Liên đoàn xuất sắc nhất của AFC. Dù chưa nhận giải, nhưng đó là sự ghi nhận của LĐBĐ châu Á với những tiến bộ của bóng đá Việt thời gian gần đây. Việc VFF vượt qua cả Thái Lan trở thành LĐBĐ xuất sắc nhất trong cuộc bình chọn của AFF khiến nhiều người bất ngờ. Bởi lẽ, LĐBĐ Thái Lan vô địch SEA Games, AFF Cup, nhưng lại không được đánh giá cao bằng VFF. Thế nhưng, các chuyên gia của bóng đá Đông Nam Á lại đánh giá cao bóng đá Việt Nam dựa trên bình diện hướng đến đấu trường châu lục và thế giới. Việt Nam là nước duy nhất của Đông Nam Á có vé đến vòng chung kết U20 thế giới, các đội U15, U16, U19 cũng có thành tích vẻ vang...
Với bóng đá khu vực, bóng đá Việt Nam có những thành công đáng nể. Việc tiếp cận được đấu trường châu lục và thế giới là khát vọng của cả nền bóng đá Đông Nam Á. Vì thế, những thành công của VFF nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các nhà chuyên môn AFF. Thế nhưng, đáng ngạc nhiên là tại Việt Nam, những sự kiện đáng trân trọng đó đã bị phủ một bóng đen, bởi thất bại của một đội tuyển là U22 Việt Nam tại SEA Games. Người ta coi những chiến thắng khác là chuyện bình thường, nhưng biến thất bại của U22 Việt Nam là bi kịch của nền bóng đá.
Tuy nhiên, việc AFF vinh danh ở một loạt giải thưởng như: Liên đoàn xuất sắc nhất, cầu thủ trẻ xuất sắc nhất, HLV nữ xuất sắc nhất... thực sự là bàn thắng vàng trong trận đấu vốn kịch tính hiện nay. Bởi lẽ, những chỉ trích cái gọi là khủng hoảng của bóng đá nước nhà trở nên lỗi thời khi VFF được các tổ chức quốc tế vinh danh.
Căn bệnh ảo tưởngMột bộ phận cho rằng, bóng đá Việt Nam vô cùng kém cỏi và cần phải làm một cuộc cách mạng để chấn hưng. Thế nhưng, ngay cả những người được coi là đang phát động phong trào cải tổ lại không thể định nghĩa thế nào là khủng hoảng. Nói như HLV Lê Huỳnh Đức: “Bóng đá Việt Nam đâu quá tệ. Vấn đề ở chỗ, đánh giá sức mạnh của mình quá cao để khi thất bại rơi vào khủng hoảng”. Việc thần tượng hóa U22 khiến dư luận mất đi sự tỉnh táo trong nhìn nhận về đối thủ. Trong khi các đối thủ cũng đầu tư cho đội tuyển của mình, thì tại Việt Nam, người ta vẫn tin những “Messi Công Phượng”, “Ronaldo Tuấn Anh” có thể đánh bại mọi đối thủ”.
Đánh giá quá cao sức mạnh bản thân, thất bại không chịu tìm ra bản chất vấn đề mà đổ lỗi cho cá nhân là khởi đầu cho mọi bi kịch của bóng đá Việt Nam. Nói đâu xa, trong khi một số người không ngớt chỉ trích ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch VFF là “bất tài vô dụng” thì ông này lại nhận được tín nhiệm của AFF để vào Thường trực AFC - vị trí có quá nhiều quyền lực. Thậm chí, người ta cũng không thèm quan tâm ông Tuấn làm được gì cho bóng đá Việt Nam mà chỉ cần biết, khi U22 Việt Nam thất bại có người phải trả giá. Thế mới nói, bóng đá Việt Nam còn phải đối diện với bi kịch khi còn tồn tại một đội ngũ chuyên gia nghiệp dư.