Bi kịch ở làng tỷ phú tái định cư thủy điện

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù nhận đền bù dự án thủy điện Đăk đrinh cả "núi tiền" nhưng nhiều gia đình ở làng tỷ phú huyện vùng cao Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) đang rơi vào bi kịch đói nghèo do tiêu xài phung phí.

Ngồi buồn rũ rượi ở khu tái định cư, Đinh Sa Thanh (ngụ xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây) không ngờ đời mình lại lâm cảnh khốn cùng.

Ba năm trước, gia đình chàng trai trẻ này nhận đền bù đất đai, nhà cửa hơn 2 tỷ đồng từ dự án thủy điện Đăkđrinh. Sau khi nhận tiền đền bù, bà Đinh Thị Vun (mẹ Thanh) dồn tiền vào xây nhà kiểu biệt thự ở khu tái định cư, số còn lại cho các con chi tiêu thoải mái.
Đinh Sa Thanh (ngụ xã Sơn Dung) từng được ví "Công tử Bạc Liêu" vì xài tiền đền bù như nước nhưng giờ đây vợ chồng anh phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Ảnh: M.Hoàng.
Đinh Sa Thanh (ngụ xã Sơn Dung) từng được ví "Công tử Bạc Liêu" vì xài tiền đền bù như nước nhưng giờ đây vợ chồng anh phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày.
Cuộc sống quanh năm khó nghèo bỗng chốc Thanh trở thành tỷ phú ở huyện vùng cao Sơn Tây. Rủng rỉnh tiền, anh ta thuê giàn nhạc, mua bia rượu, heo gà... mời dân làng, bạn bè đến nhà ăn chơi, nhảy múa hết ngày này sang ngày khác.

Ông Đinh Văn Phên (ngụ xã Sơn Dung) kể lại, ba năm trước, trai làng nơi đây ca tụng Thanh vung tiền thoải mái chẳng thua kém so với công tử Bạc Liêu thời trước. Dân làng còn nhớ, lúc nhận tiền đền bù, anh ta xuống ngay TP Quảng Ngãi mua xe máy khoảng 40 triệu đồng. Trở về đến giữa đường, không may xe mới mua bị thủng lốp, anh ta dắt vào tiệm sửa. Không chờ đợi lâu, Thanh yêu cầu chủ tiệm đưa 5 triệu đồng và đổi xe máy mới mua lấy xe cũ chạy về.

Gần đến nhà, anh thấy một thanh niên săn được con nhím đi về phía mình. Chàng trai này gạ đổi xe máy cũ lấy con nhím về nhà làm thịt, mua bia rượu mời bạn bè ăn nhậu thâu đêm suốt sáng. 40 triệu đồng tiêu tan trong tích tắc, anh Phên thuật lại.

Tiêu xài phung phí hết sạch tiền đền bù, gia đình Thanh lâm cảnh trắng tay. Giờ đây họ phải đi làm thuê, làm mướn. "Lúc trước nhiều tiền đền bù mình không biết lo xa. Giờ thì trông chờ ai thuê gì làm nấy kiếm sống qua ngày", người đàn ông hối hận.

Nhận đền bù tiền tỷ sắm ô tô...đi chơi

Tương tự với trường hợp Đinh Sa Thanh, gia đình Đinh Văn Thiên (ngụ xã Sơn Dung) nhận đền bù hơn 2 tỷ đồng từ dự án thủy điện Đăkđrinh. Tin lời con, ông Đinh Văn Điều cho con đi học lái xe ô tô tìm nghề nghiệp đổi đời.

"Ai ngờ sau khi lấy bằng lái xe, nó lừa phỉnh tôi mua ô tô 400 triệu đồng để đi chơi. Vài hôm sau, nó bảo xe hư bán lại đổi xe khác. Sau đó nó lại mua ô tô gần nửa tỷ đồng rồi bán lại chỉ 60 triệu đồng khiến gia đình tôi bỗng chốc rơi vào cảnh nghèo khó", ông Điều đau khổ.
Còn bà Đinh Thị Hợi (chị gái Thiên) than vãn, em trai học đòi ăn chơi không chịu làm ăn lại ham mê đánh bạc nên vợ bỏ nhà ra đi. Cả gia đình không ai muốn nhìn mặt nữa vì "nó lừa phỉnh người thân, phá nát hết tiền đền bù".
Từng mang tên "xóm nghèo" ở xã Sơn Dung, huyện vùng cao Sơn Tây, sau khi nhận đền bù hàng chục hộ dân chuyển đến vùng tái định cư đổ xô xây nhà theo kiểu biệt thự. Trong số này, gia đình anh Đinh Văn Trãi nhận đền bù gần 5 tỷ đồng. Có tiền tỷ trong tay, anh này mua xe Innova rủ bạn bè xuống phố ăn chơi thoải mái.
Nhận đền bù hàng tỷ đồng, nhiều gia đình đồng bào nghèo xã Sơn Long mua ô tô về đi chơi. Ảnh: M.Hoàng.
Nhận đền bù hàng tỷ đồng, nhiều gia đình đồng bào nghèo xã Sơn Long mua ô tô về đi chơi.
Ông Trần Đông Phong- Chủ tịch UBND xã Sơn Long lo lắng, khi hết sạch tiền đền bù, người dân ở làng biệt thự tái định cư lại quay về với tên "xóm nghèo" năm xưa mà thôi.

Vừa nhận đền bù đã bị... giật nợ

Tiên đoán trước đồng bào huyện Sơn Tây nhận tiền bù hàng tỷ đồng từ dự án thủy điện, một số tiểu thương tìm cách "lừa phỉnh" người dân bán rẻ đất rẫy hoặc lấy trước hàng hóa, lương thực, thực phẩm với lãi suất cao ngất ngưởng.

Đến ngày nhận tiền đền bù, nhiều gia đình nơi đây mới tá hỏa vì bị giật nợ ngay trên tay. Cá biệt có người chỉ mua vài ký thịt heo, một cây rựa (dùng chẻ củi) phải trả nợ hơn 10 triệu đồng.

Theo lãnh đạo Công an huyện Sơn Tây, không chỉ tiêu xài tiền đền bù phung phí, đồng bào nơi đây còn bị một số kẻ xấu dụ dỗ "bán chịu" gia súc, gia cầm trước để bà con ăn uống hay chăn nệm, dàn nhạc hát karaoke, xe máy với giá cao ngất ngưởng. Do vậy, khoản tiền đền bù mỗi gia đình nhận được chẳng mấy chốc tiêu tan nhanh chóng.

Trao đổi với PV, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Đinh Kà Để xác nhận, do tiêu xài phung phí xây nhà, mua sắm xe, vật dụng gia đình, hầu hết các hộ dân nhận tiền đền bù từ dự án thủy điện Đăkđrinh đang đối mặt với nguy cơ tái nghèo rất cao.

Dù địa phương đã nhiều lần tuyên truyền hướng dẫn họ trích bớt tiền đền bù làm sổ tiết kiệm gửi ngân hàng nhưng sau đó họ lần lượt rút về hết tiêu xài phung phí. Từ ngày nhận đền bù, nhiều gia đình không còn thiết tha nương rẫy, chây lười trong lao động khiến cơ quan chức năng “đau đầu”.

"Tôi nhiều lần khuyên bà con dùng tiền đền bù mua cây, con giống trồng trọt, chăn nuôi để sớm xóa đói giảm nghèo. Khuyên mãi mà người dân không nghe, họ còn bảo tiền của cá nhân thì có quyền tiêu xài không ảnh hưởng gì đến Nhà nước. Chúng tôi xót xa, khổ tâm lắm", vị Bí thư cho hay.

Theo thống kê của huyện Sơn Tây, 509 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng dự án thủy điện Đăkđrinh, trong đó có 180 hộ dân ở các xã Sơn Dung, Sơn Liên và Sơn Long phải tái định cư đến nơi ở mới. Số hộ dân này nhận chi phí đền bù đất đai, nhà cửa, nương rẫy với tổng số tiền lên hơn 186 tỷ đồng.

Công trình thủy điện Đăkđrinh có công suất 125 MW, tổng vốn đầu tư là 3.423 tỷ đồng. Tổng diện tích lòng hồ của công trình là 900 ha, trải dài qua 2 huyện Kon Plông(Kon Tum,) và Sơn Tây (Quảng Ngãi) với dung tích hồ chứa lên đến 248 triệu m3.