Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí mật hậu trường phim Kong: Skull island

Chia sẻ Zalo

Phim Kong: Skull island đã kết thúc những cảnh quay ở Việt Nam và có những câu chuyện bây giờ mới "được phép kể" từ người trong cuộc.

Công ty Oxalis (đơn vị khai thác tour Sơn Đoòng) là đối tác tại Quảng Bình của đoàn làm phim Kong: Skull island, phụ trách công việc hướng dẫn nhóm Location Scout (khảo sát bối cảnh) khảo sát nhiều nơi ở Quảng Bình, tham gia công việc đàm phán thuê đất, bồi thường hoa màu với người dân ở những nơi có cảnh quay, kết nối các cấp có thẩm quyền tại Quảng Bình với đoàn làm phim...

 
Phong Nha treo bảng hiệu chào mừng đoàn phim Kong Skull island (tức Titan) đến đây quay phim - Ảnh tư liệu.
Phong Nha treo bảng hiệu chào mừng đoàn phim Kong Skull island (tức Titan) đến đây quay phim - Ảnh tư liệu.
Nằm trong sự săn đón của truyền thông những ngày đoàn phim Hollywood đình đám quay ở Quảng Bình (từ ngày 22 đến hết 25/2), nhưng tôn trọng hợp đồng, mãi đến hôm nay giám đốc Nguyễn Châu Á mới dành cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện.

* Ban đầu có thông tin cho rằng hang Sơn Đoòng là địa điểm sẽ quay phim Kong: Skull island, nhưng cuối cùng thì không phải, theo ông biết thì tại sao?

- Khi nhóm khảo sát bối cảnh đến thì họ quan tâm gần như tất cả các cảnh đẹp thiên nhiên ở Quảng Bình. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu kỹ từ địa hình đến vị thế, hậu cần và tính phù hợp với bối cảnh, họ quyết định chỉ quay ở khu vực hồ Yên Phú (xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa) và khu vực suối cách cửa hang Chuột (khu hang động Tú Làn) 200m.

Không có cảnh quay nào được thực hiện trong hang hay khu vực rừng như nhiều lời đồn và Sơn Đoòng không được chọn vì nhiều lý do, trong đó có lý do là không phù hợp với bối cảnh bộ phim.

* Sau những cảnh quay tại Việt Nam, một số địa phương muốn xin giữ lại những đạo cụ hay dựng tượng King Kong nhằm mục đích thu hút khách du lịch, theo ông, việc này có khả thi hay không?

- Việc chúng ta đề cập với đoàn làm phim là ý tốt, nếu họ cho phép thì thật sự có ích cho về sau. Tuy nhiên theo tôi biết, tất cả những gì liên quan đến bộ phim, từ đạo cụ đến tên phim, nhân vật đều có bản quyền, chúng ta không thể tự ý làm mà không có sự chấp thuận của hãng phim bằng văn bản.
Ngày 25-3, giám đốc sản xuất phim Kong: Skull island (trái) đến chào và cảm ơn tỉnh Quảng Bình đã tạo điều kiện để đoàn phim hoàn thành những cảnh quay cho bộ phim - Ảnh: N.C.A.
Ngày 25-3, giám đốc sản xuất phim Kong: Skull island (trái) đến chào và cảm ơn tỉnh Quảng Bình đã tạo điều kiện để đoàn phim hoàn thành những cảnh quay cho bộ phim - Ảnh: N.C.A.
Thông thường doanh thu của bộ phim đến từ hai nguồn, gồm tiền bán vé và kinh doanh thương mại, nhượng quyền. Cụ thể hơn, họ có thể nhượng quyền về tên hay hình ảnh để in áo, hay nhượng quyền tái tạo một phân cảnh trong phim để phục vụ các show cho khách du lịch.

Tất cả những việc này đều phải có bản quyền, nếu tự làm sẽ dẫn đến việc kiện tụng hoặc các đoàn phim sẽ không đến nữa.

* Nhiều người hi vọng rằng phim Kong: Skull island sẽ giúp quảng bá du lịch Việt Nam, nhưng rồi cũng nhiều người cho rằng chúng ta đã bỏ qua cơ hội quảng bá khi bộ phim rồi đây sẽ không ghi rõ là được quay cụ thể ở những nơi nào tại Việt Nam. Thực hư việc này nên được hiểu như thế nào?

- Kong: Skull island là bộ phim thuộc loại “giả tưởng, phiêu lưu”, do đó các cảnh quay trong phim sẽ không thể hiện cụ thể vị trí địa lý vùng đất nào, khiến người xem không nhận ra những cảnh quay thật sự là ở đâu, do đó nếu nói rằng coi phim xong người xem muốn đến những nơi có cảnh quay thì tôi e rằng không khả thi.

Tuy nhiên, đoàn làm phim có mang một nhóm BTS (Behind the scenes) quay cảnh hậu trường của đoàn phim và cảnh đẹp xung quanh các nơi đoàn làm phim đến, đây là những thước phim mà người xem có thể nhận ra một số nơi.
Tài tử Hollywood Samuel L. Jackson (góc trái) tự chụp ảnh với bối cảnh là người dân Quảng Bình ngồi theo dõi đoàn phim hoạt động. -Ảnh: Instagrams.
Tài tử Hollywood Samuel L. Jackson (góc trái) tự chụp ảnh với bối cảnh là người dân Quảng Bình ngồi theo dõi đoàn phim hoạt động. -Ảnh: Instagrams.
Những thước phim và hình ảnh của BTS thật sự là công cụ để quảng bá du lịch cho địa phương, chúng ta cần trao đổi để có những tư liệu này, sau đó thiết lập chiến dịch quảng bá du lịch cho địa phương của mình.

Các công ty có thể liên hệ với hãng phim để mua bản quyền thực hiện các clip phân cảnh của phim kèm theo quảng cáo cho sản phẩm của mình...

Tuy nhiên phải đến khi bộ phim được công chiếu thì hãng phim mới tiến hành những đàm phán này.

* Ông đánh giá như thế nào về khả năng Việt Nam sẽ là điểm đến của các đoàn phim khác?

- Tôi cho rằng đây là thời điểm rất thuận lợi cho Việt Nam đón các đoàn làm phim lớn. Kong: Skull island là bộ phim quy mô lớn nhất từ trước đến nay, các nhà làm phim cũng từng rất lo lắng trước khi thực hiện, liệu các thủ tục có quá phức tạp hay không, nhân lực hậu cần ở Việt Nam có chuyên nghiệp đủ đáp ứng các yêu cầu cao của đoàn làm phim hay không.

Tôi cho rằng có nhiều đoàn phim lớn đến Việt Nam hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều kết quả của dự án phim Kong: Skull island này. Nếu mọi thứ suôn sẻ, chắc chắn có nhiều đoàn phim lớn hơn sẽ đến./.