Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí quyết để không mắc bệnh giảm trí nhớ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cảm giác biết mình quên việc gì nhưng không thể nhớ ra hay tình trạng lúc nhớ lúc quên không còn là biểu hiện đặc trưng của tuổi già mà còn xảy ra ở không ít người trẻ.

Hiện nay, không ít nhiều người trẻ tuổi than rằng, họ rất hay quên một việc gì đó hoặc định nói hay làm việc gì đó nhưng không nhớ ra.... Đó là những biểu hiện trí nhớ của bạn đang có trục trặc. Thực tế cho thấy, bên cạnh quá nhiều thông tin xuất hiện mỗi ngày thì việc phải đối mặt với áp lực từ công việc và cuộc sống khiến chúng ta mệt mỏi, thiếu ngủ, mất tập trung nên khó ghi nhớ các sự việc diễn ra. Nhiều người làm việc căng thẳng cả ngày nhưng ít vận động nên dễ bị béo phì, mỡ trong máu khiến lưu lượng máu đến tưới não ít đi cũng là nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ.

Ngoài ra, tình trạng giảm trí nhớ có thể xảy ra nếu ai gặp tình trạng stress kéo dài hay lạm dụng các loại thuốc như thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm thế hệ cũ, nhóm thuốc corticoid (nhất là ở bệnh hen suyễn). Uống rượu bia, thuốc lá nhiều gây ảnh hưởng đến não bộ cũng khiến việc lưu trữ thông tin kém hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng có những dạng không phải bệnh lý mà là tật đãng trí. Chẳng hạn, một số người nói và làm rất nhanh trong thời gian ngắn dẫn đến số lượng thông tin vào não quá nhiều, không kiểm soát hết nên dễ quên. 

 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
TS BS Trần Công Thắng cho biết, trí nhớ là món quà tặng vô giá mà tạo hóa đã trao cho con người. Suy giảm trí nhớ là ngưỡng cửa đầu tiên của bệnh lý mất trí nhớ. Hãy giữ gìn trí nhớ ngay từ khi chúng ta chưa bị mất nó. Theo đó, TS BS Trần Công Thắng đưa ra lời khuyên, bạn có thể duy trì trí nhớ minh mẫn theo các hoạt động sau: 

Rèn luyện trí óc: Tập thể dục sẽ làm cơ thể khỏe mạnh, tập luyện trí óc sẽ làm trí nhớ minh mẫn. Cách rèn luyện là luôn học tập những kỹ năng như:  Chơi nhạc cụ, chơi ô chữ, học ngoại ngữ hoặc các môn học yêu thích; Tạo thú vui mới như trồng cây, chạy xe đạp, vẽ tranh, cắm hoa…; Tình nguyện làm các công việc xã hội; Đọc sách báo, xem ti vi để theo dõi tình hình trên thế giới và trong nước… 

Tập thể dục đều đặn:  Tập thể dục giúp máu lưu thông lên não tốt hơn, các cơ quan chậm lão hóa, đặc biệt là các giác quan. Nó giúp chúng ta tiếp nhận các thông tin nhanh hơn và giữ lâu hơn. Tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày còn giúp phòng ngừa stress và các bệnh lý gây giảm trí nhớ.  

Tạo thói quen ăn uống lành mạnh:  Chế độ ăn nhiều trái cây và rau cải. Đây là thức ăn chứa nhiều chất chống ôxy hóa để bảo vệ tế bào não. Đặc biệt, phải hạn chế chất béo và tránh ăn khuya.  

Không uống rượu: Người nghiện rượu lâu năm sẽ bị tổn thương não do thiếu dinh dưỡng, có nguy cơ cao bị giảm trí nhớ và sa sút trí tuệ.

Ngăn ngừa stress:  Khi bị stress, não sẽ phóng thích nhiều chất chống stress, các chất này quá nhiều có thể gây tổn thương não. Stress kéo dài có thể làm bạn lo âu và trầm cảm, đây là một bệnh lý thường gây giảm trí nhớ.  Khi quá căng thẳng, bạn hãy hít vào sâu và thư giãn. Nếu thấy căng thẳng kéo dài, hãy đơn giản hóa cuộc sống, sắp xếp lại công việc, đặt ra các mục tiêu cụ thể và đúng mức cho mỗi ngày, thậm chí phải cắt bỏ bớt công việc.

Bảo vệ đầu:  Chấn thương đầu có thể gây tụ máu trong não hoặc làm tăng nguy cơ phát triển bệnh lý mất trí nhớ. Hãy bảo vệ đầu bạn khi chơi thể thao và đặc biệt phải đội nón bảo hiểm khi chạy xe máy.

Không hút thuốc:  Tên bạn sẽ được thêm vào danh sách người mất trí nhớ nếu bạn tiếp tục hút thuốc. Người hút thuốc lá có nguy cơ bị Alzheimer và sa sút trí tuệ do bệnh lý mạch máu não gấp hai lần người không hút thuốc. Hãy dừng hút thuốc lại, vẫn chưa muộn.
Ngoài ra, nếu bạn cảm thấy giảm trí nhớ hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ sẽ tầm soát các yếu tố bệnh lý có thể làm nặng thêm tình trạng giảm trí nhớ của bạn như cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn mỡ máu… cũng như các tật của tai và mắt ảnh hưởng đến sự thu thập thông tin cho trí nhớ.