Bí quyết làm sạch những đồ dùng trong nhà bếp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việc rửa bát đĩa như nhiều người vẫn nghĩ là rất đơn giản, không cần phải đầu tư “chất xám” nhưng ngoài việc chế biến một bữa ăn ngon miệng, hợp vệ sinh thì những bát đĩa được rửa sạch sẽ cũng góp phần làm cho bữa cơm gia đình thêm ngon hơn.

Để bát đĩa thật sự vệ sinh sau khi rửa, bạn thử tham khảo một số mẹo nhỏ dưới đây:

Những lọ, hũ... đựng thực phẩm đã được sử dụng qua hãy ngâm vào nước lạnh, sau đó rửa sạch lại bằng nuớc nóng.

Để rửa những chiếc chảo chống dính, hãy cho vào chảo một ít Baking soda (thuốc muối, có bán ở hàng nguyên liệu làm bánh), thêm nước và ngâm một lúc trước khi rửa thay vì cọ mạnh tay làm hỏng lớp chống dính.

Chén đĩa, ly trà có dính cặn bẩn, bạn hãy dùng muối ăn, giấm hoặc bã chè để làm sạch.

Với những vết ố do trà, cà phê để lại trên cốc, chén, baking soda, nước và vài giờ ngâm sẽ giải quyết được.

Cho ¼ cốc giấm và 1 bình nước vào máy pha cà phê và ngâm một lúc, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn rất nhiều trong việc cọ rửa nó.

Thớt thái thực phẩm có mùi tanh nên đem ngâm trong nuớc vo gạo còn thừa, sau đó dùng nuớc muối xát rửa, tiếp tục dùng nước nóng rửa để khử hết mùi tanh khó chịu.

Muốn dao, muỗng, nĩa... biến mất những vết rỉ sét hãy ngâm vào nước gạo trong vài giờ.

Chén, bát, đĩa... bằng sành sứ nếu dính bẩn khó rửa có thể dùng bàn chải tẩm với thuốc đánh răng để làm sạch.

Vật dụng bằng pha lê khi bị vấy bẩn, hãy dùng khăn mềm chà sạch với nước có pha xà bông. Tránh dùng bất kỳ loại hóa chất nào để chùi rửa. Đặc biệt với loại pha lê khảm mạ vàng, cần sử dụng nhẹ tay để tránh làm tróc lớp mạ vàng vì khi tróc lớp mạ vàng vật dụng sẽ mất đi vẻ đẹp.

Vật dụng bằng sứ bị vết cháy sém đen khó tẩy, hãy đem ngâm nước cho ngập chỗ bị cháy. Sau đó, cho ít muối ăn vào, đun nóng và ngâm vật dụng ngập trong nước, cuối cùng đem rửa lại.

Vật dụng bằng thủy tinh dùng lâu ngày có vết dầu làm bẩn, hãy dùng giấm hòa chung với muối để tẩy sạch.

Vật dụng bằng đồng sử dụng lâu thường bị đen và giảm độ bóng. Bạn hãy dùng mật ong thoa lên vật dụng và dùng vải đánh sạch. Dùng giấy bạc thuốc lá hoặc mùn cưa cho vào một 1 ít muối để làm bóng vật. Nếu có gỉ đồng màu xanh, có thể dùng ít nước cốt trái chanh hòa chung ít muối để chùi cho bóng trở lại.

Để cọ rửa bình hoa, các đồ thủy tinh, hãy đổ vào bình một ít trà đen, giấm, nước chanh hoặc coca cola. Ngâm trong vài giờ trước khi rửa bằng nước ấm.

Để khử mùi của chiếc găng tay cao su mà bạn vừa sử dụng để rửa bát, hãy dùng một chút baking soda để rửa trước khi dùng xà phòng, nước rửa tay.

Bí quyết làm sạch những đồ dùng trong nhà bếp - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Vật dụng bằng inox bị bẩn, bạn hãy dùng giấm thoa lên vết bẩn.

Vật dụng bằng gỗ nhà bếp rất khó rửa, vì thế bạn hãy thoa dung dịch thuốc tẩy vào chỗ cần rửa, ngâm một ngày đêm. Hôm sau dùng nước rửa sạch lại, vết bẩn sẽ không còn.

Vật dụng bằng nhôm như: ấm. nồi, chậu... muốn sáng bóng, hãy dùng mai mực để xoa rửa. Chỉ cần xoa nhẹ vài lần vật dụng sẽ sang bóng như mới mà không làm trầy xước.

Màn nhà bếp khi bị bẩn thường khó giặt. Bạn hãy dùng bột giặt và đầu của mẩu thuốc lá hòa chung vào nước để giặt. Do trong đầu thuốc lá có lượng nicotine nên giúp loại bỏ một số vi sinh vật bám vào màn cửa.

Dọn sơ trước khi rửa

Trước khi rửa bát đĩa, bạn nên gạt sạch thức ăn thừa hay xương xẩu… còn vương lại trên bát đĩa vào thùng rác.

Tráng qua đồ cần rửa bằng nước. Tốt nhất là dùng nước ấm hoặc xối mạnh dưới vòi nước chảy. Việc này có tác dụng làm ướt các vết bám khô khó rửa, đồng thời đẩy phần lớn dầu mỡ thoát khỏi bề mặt bát đĩa...

Phân loại đồ cần rửa

Chọn lựa phân loại bát đĩa theo các kích cỡ, độ nông sâu khác nhau rồi xếp sang chậu (bồn) rửa kế bên theo thứ tự: Đĩa to nông lòng nhất để dưới cùng, các đĩa nhỏ hơn để phía trên. Hết đĩa rồi thì đến bát, cũng theo thứ tự to dưới nhỏ trên. Như vậy, ở công đoạn xả nước, nước sẽ chảy lần lượt từ trên xuống dưới cùng làm trôi hết hỗn hợp nước rửa bát lẫn dầu mỡ thức ăn, vừa tiết kiệm nước sạch, vừa tiết kiệm thời gian.

Tiết kiệm nước rửa bát bằng cách:

Chọn loại giẻ rửa bát tạo bọt: Nếu bạn không muốn lãng phí nước rửa bát thì nên có ngay miếng rửa bát tạo bọt. Với cùng lượng nước rửa bát, công cụ rửa tạo bọt này có thể rửa được gấp đôi số bát đĩa bẩn so với loại giẻ không tạo bọt.

Pha loãng nước rửa bát: Pha nước rửa bát với nước sạch theo tỉ lệ 2/8, kết hợp với miếng rửa tạo bọt là cách rửa bát đĩa vừa vệ sinh lại vừa tiết kiệm. Nên chọn mua nước rửa bát loại đậm đặc của các nhãn hiệu uy tín trên thị trường, có thể đắt hơn một chút nhưng cho khả năng tạo bọt nhiều hơn, rửa được nhiều bát đĩa hơn. Ngoài ra, bát đĩa sau khi rửa còn lưu lại hương thơm tự nhiên dễ chịu mà còn không độc hại cho da tay.

Tráng bát đĩa dưới vòi nước chảy

Nhiều người sau khi rửa qua nước rửa bát thường ngâm bát đĩa, đồ dùng trong bồn (chậu) nước. Điều này khiến dầu mỡ, mùi thức ăn không trôi hết được mà bám lại một phần trên bề mặt đồ dùng đã rửa.

Vệ sinh giẻ và bồn (chậu) rửa

Những giẻ rửa bát, cọ nồi, bồn (hoặc chậu) rửa là nơi quy tụ nhiều vi khuẩn nhất trong bếp. Tốt nhất bạn nên làm vệ sinh những thứ này trước và cả sau khi rửa bát đĩa. Đối với miếng rửa bát, sau khi giặt sạch hãy phơi nơi khô ráo, thoáng mát. Nếu phơi dưới ánh nắng mặt trời thì càng tốt.