Bí quyết ôn và thi Lịch sử vào lớp 10: Chia nhỏ nội dung để đạt hiệu quả

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 - 2022 tại Hà Nội sẽ gồm 4 bài thi độc lập, trong đó có môn Lịch sử. Nhiều học sinh cho rằng, đây là môn học thuộc, khó nhớ các sự kiện; tuy nhiên, cô Trần Vân Anh - Giáo viên Lịch sử trường Phổ thông liên cấp Hanoi Adelaide School (quận Đống Đa) đã tư vấn cách chia nhỏ trong ôn luyện để thi đạt điểm cao.

Cô Trần Vân Anh đang dạy Lịch sử tại trường Phổ thông liên cấp Hanoi Adelaide School. Ảnh: Thủy Trúc
Chia nhỏ mục tiêu ôn luyện
Chỉ còn 2 tháng nữa là HS lớp 9 trên địa bàn Hà Nội bước vào Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022. Để môn thi Lịch sử đạt kết quả tốt nhất, HS tùy theo năng lực của mình đặt ra mục tiêu về điểm số cho phù hợp. Muốn thực hiện được việc này, trước tiên HS phải đo năng lực của mình bằng cách làm bài tự đánh giá, có thể sử dụng đề thi của những năm trước để tự làm và lượng sức mình.

Theo cô Trần Vân Anh, HS cũng phải chia nhỏ mục tiêu thực hiện. Trong 40 ngày đầu, ôn các nội dung kiến thức Lịch sử còn thiếu và lấp dần lỗ hổng kiến thức bằng cách làm đề để biết chỗ nào sai, chính là hổng kiến thức và hổng kỹ năng phân tích sự kiện hay giải thích. HS cũng có thể chia nhỏ thời gian học theo từng giai đoạn (1919 - 1930, 1930 - 1945, 1945 - 1954, 1954 - 1975, 1975 - 2000) và lập biểu để hoàn thành kiến thức, kỹ năng. Trong 20 ngày cuối cùng, luyện đề tổng hợp để làm quen với kỹ năng trong phòng thi.

Về nguồn tư liệu, HS học thuộc lòng theo đề cương giáo viên cung cấp; nhưng cách học này thụ động, dễ nhớ, lại nhanh quên. Vì thế, các em có thể lập đề cương theo sự hướng dẫn của giáo viên. Đề cương được chia làm 5 phần theo 5 giai đoạn, có nguồn tư liệu từ sách giáo khoa. Về nguồn đề, HS có thể lấy từ các sách tập hợp các bộ đề; từ giáo viên; các trung tâm uy tín trên thị trường. HS cũng có thể tự xây dựng câu hỏi làm thành đề là cách tối ưu. Khi HS ôn luyện xong 5 giai đoạn lịch sử (bao gồm cả lịch sử Việt Nam và thế giới) trong 40 ngày, 20 ngày còn lại là luyện tổng thể.

Chia nhỏ kỹ năng làm bài

Về kỹ năng làm bài, với môn Lịch sử và Ngoại ngữ thi trắc nghiệm, HS cần có thao tác nhanh. Thời gian làm bài Lịch sử 60 phút, trừ đi 15 phút hồi hộp, xem lại bài, trong 45 phút còn lại, HS chia vòng thứ nhất đọc toàn bộ số câu hỏi, câu nào dễ và chắc chắn đúng thì khoanh luôn; câu nào còn phân vân thì đánh dấu. Khi HS quay trở lại vòng 2, chỉ đọc và làm những câu đã đánh dấu (ở vòng 1) do chưa chắc chắn hoặc phân vân. Trường hợp vẫn còn những câu phân vân, HS đánh dấu tiếp, ghi chú cụm từ khóa ra giấy nháp. Đến vòng 3, lúc này không còn nhiều thời gian nên nghiêng về phương án nào là chốt luôn. 5 phút cuối cùng, còn bao nhiêu câu hỏi chưa làm được,chọn ngẫu nhiên đáp án theo phương án tất cả A, hoặc B, hoặc C hay D, sẽ rơi vào 1 hoặc 2 câu đúng. Đi vào chi tiết từng câu hỏi, để xác định được câu trả lời đúng, HS phải đọc và gạch chân từ, cụm từ quan trọng hoặc từ khóa. Thường, từ khóa trả lời cho những câu hỏi: Ai, cái gì, ở đâu, như thế nào, bao giờ. Đối với sự kiện lịch sử luôn có 3 yếu tố chính là thời gian, không gian, nhân vật. Khi xác định từ khóa của câu hỏi xong, HS đọc phương án và gióng với từ khóa để làm phương pháp loại trừ.

Sau khi hoàn thành xong bài thi trắc nghiệm Lịch sử, HS rà lại từng dòng trên Phiếu trả lời trắc nghiệm, xem có phần trả lời nào tô 2 đáp án không. Nếu mỗi dòng có 1 ô khoanh, 5 dòng có 5 ô khoanh là đúng. HS cũng lưu ý khoanh tròn ô trắc nghiệm bằng bút chì rõ nét để máy chấm nhận dạng đúng.

Cô Trần Vân Anh cho biết, từ thực tiễn Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020, đối với môn Lịch sử, có những HS quá vội vàng, không đọc kỹ đề dẫn đến nhầm lẫn các sự kiện, hành động. Vì thế, cô Vân Anh lưu ý, nếu xác định được từ khóa và các cụm từ quan trọng trong câu; phân tích tính thời gian, không gian, nhân vật với hành động sẽ khắc phục được sai lầm đó. Nhầm lẫn thứ hai dễ mắc phải là đọc đề thi nhưng quên mất từ phủ định “không”. Lỗi thứ ba là bỏ quên các tính từ có tính tần suất, ví dụ: “tất cả”, “một số”, “hầu hết”; hay những cụm từ chỉ thời gian HS không nhìn thấy như” “trong”, “trước”, “sau chiến tranh...”.
Mỗi ngày HS dành khoảng 30 - 45 phút ôn tập môn Lịch sử. Ngoài sách giáo khoa Lịch sử, có thể xem phim Lịch sử, sự kiện Lịch sử qua kênh YouTube; dùng những tờ giấy ghi thông tin sự kiện cần nhớ, dán lên chỗ hay qua lại để đập vào mắt giúp nhớ lâu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần