Đóng 10.000 đồng làm phần thưởng đấu nội bộ
Bi sắt có tên quốc tế là pétanque, lần đầu xuất hiện tại SEA Games 21 vào năm 2001 tại Malayisa. Tại Việt Nam, bộ môn phát triển chủ yếu nhờ các phong trào tại miền Nam và các tỉnh miền Tây từ đầu những năm 2000. Sau năm 2007, môn thể thao bắt được phát triển mạnh hơn ở phía Bắc và dần dần được quy hoạch và đầu tư bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Tại SEA Games 31, bi sắt được tổ chức tại Trung tâm HL&TĐ TDTT Hà Nội. Đội tuyển bi sắt Việt Nam đã mang về 1HCV, 3 HCB và 3 HCĐ đóng góp vào thành tích chung cho đoàn thể thao Việt Nam. Trong đó, bi sắt Hà Nội có sự góp mặt của 2 vận động viên tiêu biểu là Lại Thị Dung và Nguyễn Thị Hiền - cặp đôi xuất sắc giành HCV nội dung đôi nữ cách đây 4 năm tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ XVIII do Hà Nội đăng cai.
Sau SEA Games 31, bi sắt Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng hướng đến Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX được tổ chức 4 năm 1 lần. Có mặt tại sân bi sắt trong những ngày chuẩn bị tranh tài, các vận động viên vẫn miệt mài tập luyện trong không khí các nổi theo đúng giá án của Ban huấn luyện đề ra. Trên khuân mặt của các vận động viên ai cũng tập trung và thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm để giành thành tích cao tại Đại hội sắp tới.
Quyết tâm là thế, nỗ lực để hướng tới thành tích cao nhất nhưng các vận động viên cũng như Ban huấn luyện đều bày tỏ tâm tư về tình hình tập luyện, thi đấu cọ xát chuẩn bị cho giải đấu quan trọng. Cụ thể, toàn đội không có nhiều giải đấu cọ xát và chỉ có 1 chuyến tập huấn duy nhất tại Nghệ An với thời gian kéo dài gần 1 tháng. Theo vận động viên Lại Thị Dung, để tăng tính chất thi đấu Ban huấn luyện đội tuyển bi sắt Hà Nội đã khuyến khích và đưa ra phương án khắc phục bằng việc tự thành lập các tổ nhóm để tổ chức thi đấu nội bộ.
“Toàn đội đưa ra phương án đóng quỹ 10.000 đồng/người để làm phần thưởng thi đấu nội bộ. Người giành phần thắng sẽ dùng tiền thưởng để mời cả đội cốc nước hoặc ly cà phê. Phần thưởng tuy nhỏ, nhưng góp phần tạo động lực, tinh thần cho các vận động viên khi tranh tài. Bên cạnh đó, việc góp quỹ tổ chức đấu nội bộ để giúp các vận động viên có thêm trách nhiệm khi đấu tập, đồng thời để giữ được bầu không khí đua tài giống như thi đấu giải chính thức” - vận động viên Lại Thị Dung chia sẻ.
Sẵn sàng cho cuộc đua
Dù gặp những khó khăn trong việc thi đấu cọ xát và tập huấn quốc tế, nhưng đội tuyển bi sắt Hà Nội đã linh hoạt tổ chức nhiều trận đấu nội bộ nhằm giúp các vận động viên rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm, sẵn sàng hướng tới cuộc đua tài tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX. Theo kế hoạch, môn bi sắt tại Đại hội được tổ chức tại Hà Nội, với sự tham dự của 16 đoàn, thi đấu ở 11 nội dung.
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế&Đô thị, Trưởng bộ môn Bi sắt-Billiards-Snooker Hà Nội Đặng Xuân Vui cho biết, với lợi thế sân nhà, bi sắt Hà Nội cử 18 vận động viên tranh tài ở tất cả các nội dung thi đấu của giải. Trong đó lợi thế của bi sắt Hà Nội việc được thi đấu trên sân nhà với sân đấu quen thuộc.
“Sau SEA Games 31, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tập luyện và thi đấu của đội tuyển bi sắt Hà Nội được cải thiện đáng kể. Cụ thể, khu tập luyện và thi đấu bi sắt hiện tại có thể đăng cai các giải sự kiện bi sắt của châu lục và thế giới. Tại SEA Games 31 đã tổ chức thành công với 4 cụm sân thi đấu, mỗi cụm gồm 5 sân đấu. Bên cạnh đó có khoảng 20 sân tập phục vụ các đội khởi động” – ông Đặng Xuân Vui nhấn mạnh.
Dù bi sắt đã được tập luyện thi đấu ở Việt Nam hơn 20 năm nhưng cả nước hiện nay có khoảng 15 đơn vị đầu tư phát triển môn bi sắt. Nhưng sự cạnh tranh là không dễ dàng cho các đơn vị ở các giải đấu khác nhau. Đánh giá về sự cạnh tranh của môn bi sắt tại Đại hội sắp tới, Trưởng bộ môn Bi sắt-Billiards-Snooker Hà Nội khẳng định, không nhiều đơn vị đầu tư nhưng thời gian qua, nhiều đơn vị đi đầu của cả nước như Quân đội, Hậu Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh… tiếp tục có sự đầu tư mạnh cho bi sắt, cuộc cạnh tranh huy chương tại Đại hội sắp tới khá gay gắt.
“Đội tuyển bi sắt Hà Nội quyết tâm giành thành tích cao nhất và có thể cạnh tranh HCV ở 3 đến 4 nội dung. Việc không được đi tập huấn quốc tế trong năm 2022 là thiệt thòi, song các vận động viên đội tuyển bi sắt Hà Nội đã chủ động khắc phục khó khăn, linh hoạt trong tập luyện để chuẩn bị tinh thần, khí thế và sẵn sàng cao nhất để thi đấu tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX” – ông Đặng Xuân Vui chia sẻ.
“Với mỗi vận động viên, ngoài các giải đấu quốc tế , Đại hội thể thao toàn quốc là sự kiện quan trọng, sân chơi để tranh tài, mang vinh quang về cho thể thao đơn vị mình. Mục tiêu của tôi là phấn đấu giành HCV nhưng ai cũng hiểu được rằng, để hoàn thành mục tiêu trên thì cần phải nỗ lực rất nhiều” - vận động viên Lại Thị Dung.