Bỉ tạm thời ngừng tuân theo hiệp ước Schengen

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bỉ sẽ tạm thời không tuân theo điều luật cho phép đi lại tự do trong châu Âu của hiệp ước Schengen nhằm giới hạn lượng người di cư tới quốc gia này.

Cụ thể, Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon ngày 23/2 cho biết, quyết định này đưa ra sau khi có thông tin Pháp xem xét hủy bỏ trại di cư Calais ở phía Bắc nước này. Một khi bị hủy bỏ, 4.000 người từ khu trại này có thể tràn sang biên giới Bỉ, từ đó vượt sang Anh.

Từ lâu, người di cư đã tiếp cận các khu vực quanh bờ biển phía Bắc nước Pháp để từ đó tới Anh, tuy nhiên các lệnh giới hạn biên giới đã ngăn cản họ. Bỉ là lựa chọn thay thế.
Bỉ tạm thời ngừng tuân theo hiệp ước Schengen - Ảnh 1
“Chúng tôi đã báo với Ủy ban Châu Âu rằng sẽ tạm ngừng tuân theo hiệp ước Schengen”, ông Jambon phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussels. Tuyên bố có hiệu lực bắt đầu vào hôm nay (24/2).

Phía Bỉ cũng cho biết sẽ tăng cường sự hiện diện của cảnh sát biên giới để kiểm soát tình hình. Theo đó, từ 250 -290 cảnh sát sẽ được phân bối rải khắp các khu vực dọc biên giới nước này.

Hiệp ước Schengen bắt đầu có hiệu lực năm 1995, là biểu tượng của sự đoàn kết và tương trợ giữa 26 quốc gia châu Âu. Kể từ khi ra đời, Schengen không chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị, mà nó còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với kinh tế châu Âu. Hiệp ước này đã giúp các nước thành viên hình thành nên những mối quan hệ đối tác thương mại gần gũi hơn, thúc đẩy mạnh mẽ cả nhập khẩu lẫn xuất khẩu và thu hút khách du lịch.

Tuy nhiên, thỏa thuận này đang ngày càng bị đe dọa tan vỡ khi cuộc khủng hoảng di cư trở nên tồi tệ, khiến các quốc gia siết chặt luật xuất nhập cảnh.

Người đứng đầu cơ quan biên giới EU (Frontex), ông Fabrice Leggeri cho rằng, Schengen chỉ có thể hoạt động đúng chức năng nếu biên giới EU được bảo vệ chắc chắn.