Bí thư chi bộ - nhiều niềm vui, lắm nhọc nhằn

Hồng Thái - Trần Thảo - Minh Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mọi chủ trương, chính sách, mọi phong trào thi đua của các cấp có truyền tải được đến từng người dân, có được thực hiện tốt ở cơ sở hay không phụ thuộc rất lớn vào năng lực lãnh đạo của chi bộ địa bàn dân cư, mà người chèo lái chính là bí thư. Đặc biệt, sau khi Hà Nội thực hiện Đề án 06-ĐA/TU, các đầu mối tổ chức cơ sở Đảng, hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư gọn và phù hợp hơn, nhưng đồng nghĩa với số dân cũng tăng lên, công việc của bí thư chi bộ cũng vất vả hơn. Qua gặp gỡ, trò chuyện với những người đang gắn bó với “nghề” đặc biệt này mới thấy, nếu không có tinh thần trách nhiệm, không đủ năng lực, nhiệt huyết, sẽ khó có thể hoàn thành trọng trách “đầu tàu” ấy.

Bài 1: “Nghề” cần sự tâm huyết
 Chi bộ khu dân cư số 3 (phường Kim Giang, quận Thanh Xuân) sơ kết thí điểm thực hiện mô hình Tổ dân phố ''5 không''. Ảnh: Hồng Thái

Tại Hà Nội, hiện có hơn 5.200 chi bộ địa bàn dân cư, đồng nghĩa với đó là hơn 5.200 bí thư chi bộ loại hình tổ chức cơ sở Đảng này. Trong số ấy, những người đã từng gắn bó với “nghề” đặc biệt này trên 10 năm, thậm chí trên 20, 30 năm không hề ít.
Trăm dâu đều đổ đầu tằm
Nếu nói rằng, bí thư chi bộ ở địa bàn dân cư vất vả hơn các loại hình chi bộ khác cũng đúng, bởi đối tượng lãnh đạo, phụ trách đa dạng; công việc cũng phong phú không kém. Họ phải “lăn” vào tất cả các công việc, từ công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo đoàn thể, đến triển khai các phong trào thi đua, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, rồi vận động thu các loại thuế, phí, nặng hơn nữa là góp phần quản lý đất đai, trật tự xây dựng… Rất nhiều mảng, rất nhiều việc, tất cả đều “qua tay” bí thư và chi bộ.

Với những người làm bí thư chi bộ địa bàn dân cư, có những việc nhỏ thôi như đám tang gia, hiểu hỉ, ốm đau, đều cần đến thăm hỏi. Dân biết, dân quen nên công to việc nhỏ, bức xúc gì, người dân cũng đến tận nhà bí thư chi bộ để tâm sự, chia sẻ. Đó chính là cái tâm và “nghệ thuật” đi vào đời sống của dân. 

Ông Phương Hữu Ngũ - Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố Đường 181, xã Kim Sơn, Gia Lâm

Từ Phó Bí thư Chi bộ nông nghiệp, rồi Bí thư chi bộ địa bàn dân cư, ông Công Văn Hậu - Bí thư Chi bộ 7 (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) đã có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với “nghề” đặc biệt này. Ông chia sẻ, các cấp có nhiệm vụ gì, dưới địa bàn dân cư cũng thực hiện nhiệm vụ đó nên việc gì chi bộ cũng phải vào cuộc. Do đó, nếu bí thư chi bộ nào phát huy dân chủ tốt, hoạt động của địa bàn dân cư sẽ tốt, ngược lại, hiệu quả sẽ không cao.
Tại địa bàn 3 tổ dân phố Chi bộ 7 lãnh đạo, rất nhiều nhiệm vụ đòi hỏi tâm huyết của người Bí thư khi triển khai. Gần đây nhất, việc xây dựng tuyến phố văn minh đô thị ở Phú Gia (phường Phú Thượng), rồi xây dựng các tuyến ngõ văn minh, ông và cấp ủy phải đi từng nhà để mềm mỏng tuyên truyền, vận động người dân thống nhất biển hiệu, không có bục bệ trên tuyến phố, vệ sinh môi trường… Không phải không có gia đình phản đối nhưng chính sự gương mẫu của ông, giải pháp hợp lý trong tuyên truyền, công việc đã hoàn thành, góp phần làm sâu sắc hơn việc xây dựng “phường văn hóa” ở chính khu dân cư.
Trong quản lý đất đai, GPMB các dự án, bí thư chi bộ địa bàn dân cư dường như cũng là một trong những người vất vả nhất, đặc biệt khi xảy ra tình trạng không đồng thuận. Ông Phương Hữu Ngũ, đã có 7 năm là Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố Đường 181 (xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm) chia sẻ, khi triển khai GPMB để nâng cấp Đường 181 đoạn từ Quốc lộ 5 vào khu công nghiệp Hapro, người dân không đồng thuận, do chưa nắm được giá đền bù. Bên cạnh đó, dự án sau này lại nắn đường vào một bên (không giống như phương án đã công bố trước đây) nên có tới gần 60 hộ dân bị mất đất...
Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cần phải tập trung, với phương châm "mưa dầm thấm lâu", ông đã cùng tập thể Chi ủy, Chi bộ, Tổ dân vận dành nhiều thời gian đến từng nhà phân tích, giải thích dân hiểu những cái được sau khi mở đường. Bên cạnh đó, ông tổng hợp những thắc mắc, kiến nghị của người dân để gửi lên cấp trên. Nhờ đó, công việc vất vả này đã hoàn thành. “Khi người dân căng thẳng thì mình phải tình cảm, lúc người ta bức xúc thì mình phải lắng nghe. Dần dà mình nói, người ta thấm dần. Kinh nghiệm là phải chịu gần dân để dân tin và phân tích hợp lý hợp tình để cho họ hiểu”- ông Ngũ chia sẻ.
Trong câu chuyện của mình, ông Phạm Sông Thao - Bí thư Chi bộ khu dân cư số 3 (phường Kim Giang, quận Thanh Xuân), người đã 13 năm “vác tù và hàng tổng” ở địa phương, trong đó có 6 năm làm Bí thư chi bộ kể cho chúng tôi nghe về việc triển khai thí điểm mô hình Tổ dân phố “5 không” (không rác; không tệ nạn; không hộ nghèo; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; không vi phạm trật tự xây dựng). Thanh Xuân là quận đầu tiên thí điểm mô hình này tại 16/317 tổ dân phố, trong đó, tổ dân phố 6 thuộc khu dân cư số 3 là tổ duy nhất của phường Kim Giang được lựa chọn. “Chi ủy đã đề nghị thành lập 2 tổ công tác đặc biệt về vấn đề này, để tuyên truyền, vận động đến từng người dân. Từ việc trước đây chỉ làm vệ sinh trên địa bàn vào sáng thứ Bảy, nay ngày nào người dân cũng tích cực tham gia vệ sinh môi trường, đang dần lan rộng ra các tổ dân phố khác trên địa bàn phường” – ông Thao cho biết.
Không chỉ có công việc ấy, tất cả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội gắn với đời sống ở khu dân cư, chi bộ đều phải vào cuộc. Theo ông Thao, nhiệm vụ của bí thư chi bộ vất vả, nếu không có năng lực và lòng nhiệt huyết thì không thể làm được. Nhưng may mắn, các cấp ủy đã kịp thời nắm bắt tình hình tại khu dân cư, từ đó có những định hướng cụ thể xuống từng chi bộ.
Gương mẫu đi đầu
29 năm làm bí thư chi bộ, ông Nguyễn Văn Hậu, Bí thư Chi bộ 1 (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) có lẽ là một trong những người có gắn bó với “nghề” lâu nhất. Như ông chia sẻ, nếu nói vất vả thì việc gì cũng vất vả, nhưng chủ yếu làm theo cái tâm, vì tinh thần, trách nhiệm của người đảng viên. Chi bộ của ông lúc đầu chỉ có 40 đảng viên, đến nay là 112 đảng viên. Đông nhưng trình độ không đồng đều nên đòi hỏi người đứng đầu phải linh động, điều hòa mọi việc mới lãnh đạo được. Ngay trong công tác thu hồi đất, GPMB, chi bộ công khai trước dân, giá đất, bồi thường là bao nhiêu. Ai có kiến nghị gì đến gặp tổ trưởng tổ dân phố hoặc bí thư sẽ giải quyết. Nhờ đó, không có bức xúc trong công tác GPMB.
Với ông, tâm huyết khi làm bí thư chủ yếu là mong dân có được đường làng khang trang, phố phường sạch đẹp. “Làm lãnh đạo dù là tổ chức cơ sở Đảng nhỏ nhất cũng không phải đơn giản, phải có cách nhìn nhận vấn đề. Làm cán bộ trước tiên bản thân mình phải gương mẫu đi đầu, gia đình phải tốt mới tạo được uy tín trong Nhân dân” - ông tâm niệm.
Theo Quyết định số 31/2013/ QĐ-UBND, ngày 6/8/2013, của UBND TP Hà Nội, bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố được hưởng phụ cấp 0,6 - 1,0 mức lương tối thiểu tùy phân loại thôn, tổ dân phố. Phụ cấp không cao nhưng việc gì cũng đến tay người đứng đầu cấp ủy. Vất vả, trách nhiệm là thế, nhưng bao năm nay, những bí thư chi bộ địa bàn dân cư như ông Công Văn Hậu, Nguyễn Hữu Ngũ, Phạm Sông Thao, Nguyễn Văn Hậu, Lê Trọng Hùng… vẫn luôn nỗ lực, làm tròn nhiệm vụ. Bởi họ làm việc theo tâm huyết, với trách nhiệm và sự tín nhiệm của đảng viên. “Kết quả của tất cả mọi người nhưng mình gần dân, hiểu dân, lo cho dân và nói được tiếng nói của Nhân dân nên được tín nhiệm” - ông Lê Trọng Hùng (Bí thư Chi bộ khu dân cư số 10, phường Khương Thượng, quận Đống Đa) chia sẻ.

18 năm làm bí thư chi bộ, tôi cứ làm hết sức mình chứ tôi không nghĩ đó là “chèo lái”. Tôi truyền tải đúng mức, có trách nhiệm chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên và tâm tư nguyện vọng của Nhân dân. Sự gần gũi ấy đã giúp khu dân cư luôn thực hiện tốt các chủ trương, chính sách.

Ông Lê Trọng Hùng - Bí thư Chi bộ khu dân cư số 10, phường Khương Thượng, quận Đống Đa

(Còn nữa)