Bí thư, Chủ tịch quận Hà Đông đối thoại với các tổ chức, Nhân dân

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 7/11, quận Hà Đông tổ chức hội nghị đối thoại giữa Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND quận với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đại diện Nhân dân trên địa bàn năm 2023.

Nhiều ý kiến liên quan đến đô thị, đất đai

Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Tại Hội nghị, đại diện UBND quận đã báo cáo sơ bộ về tình hình chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn năm 2023; Báo cáo chỉ đạo giải quyết các ý kiến, kiến nghị tại hội nghị đối thoại của Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND trong năm 2022. Trong đó có 57 nội dung đã được Bí thư Quận ủy, lãnh đạo UBND quận chỉ đạo giải quyết; giải quyết xong 46 nội dung.

Tổng hợp ý kiến của các tổ chức, Nhân dân trong năm 2023, có 92 ý kiến thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, thuộc 7 nhóm vấn đề lớn. Trong đó, nhóm vấn đề thứ nhất có 28 ý kiến đối với việc cải tạo nâng cấp đường, đầu tư nhà sinh hoạt cho Nhân dân, mương tiêu thoát nước, đường nội đồng sản xuất nông nghiệp.

Nhóm vấn đề thứ 2 có 40 ý kiến, liên quan đến quản lý đô thị, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy (PCCC), điện chiếu sáng, nước sạch, biển cảnh báo giao thông, quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất dịch vụ cho Nhân dân, đất giãn dân, xây dựng chợ.

Nhóm vấn đề thứ 3 về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, Dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Quốc lộ 6. Ngoài ra có 3 ý kiến liên quan đến chính sách, công tác cán bộ, thu thuế đất, giải quyết những vấn đề dân sinh sau khi thực hiện chính quyền đô thị.

Các đại biểu nêu ý kiến tại hội nghị.
Các đại biểu nêu ý kiến tại hội nghị.

Tại hội nghị đã có 13 ý kiến, phản ánh 9 nhóm vấn đề, với 34 nội dung liên quan đến: Nhiều khu dân cư thiếu hệ thống điện chiếu sáng, hoặc có đèn nhưng sau 22 giờ đêm bị tắt; giao đất dịch vụ cho Nhân dân tại các phường Kiến Hưng, Đồng Mai, Phúc La; vấn đề ô nhiễm môi trường ở Đồng Mai do 2 điểm tập kết rác của xã Bích Hòa và Cao Viên (huyện Thanh Oai); ô nhiễm môi trường tại Hồ Ngòi, giáp ranh giữa phường Mộ Lao (Hà Đông) và Trung Văn (Nam Từ Liêm);

Khu làng Việt Kiều châu Âu đi vào hoạt động trên 10 năm, nhưng đường và hè xuống cấp, hệ thống tiêu nước lâu không được nạo vét, gây ngập úng; chợ cóc ở khu vực khu C17; nhiều xe công nông, tự chế gây nguy hiểm an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.

Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, Dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa; quản lý nhà chung cư, tình hình an ninh trật tự và đơn thư kiến nghị phát sinh tại nhiều tòa nhà chung cư ở Phúc La; Việc triển khai xây dựng chợ Mậu Lương...

Tập trung giải quyết các vướng mắc

Tại hội nghị, đại diện các phòng: Tài nguyên Môi trường, Quản lý Đô thị (QLĐT), Trung tâm Phát triển Quỹ đất, Chi cục Thuế đã trả lời trực tiếp những kiến nghị của Nhân dân.

Cụ thể, về 2 bãi rác đã phối hợp, đề nghị huyện Thanh Oai giải quyết, nhưng nay huyện Thanh Oai chưa giải quyết được. Trong thời gian tới, huyện Thanh Oai không giải quyết vấn đề này thì quận sẽ báo cáo TP.

Về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp giao ruộng từ năm 1993, đất dịch vụ, những hộ đủ điều kiện giao đất dịch vụ hiện nay các phường vẫn đang triển khai. 71 hộ tại Hà Trì, Hà Cầu đang ở trên đất quốc phòng, do đó cần phải xem xét chuyển đổi mục đích, sau đó mới được đề nghị cấp giấy chứng nhận.

Theo phân cấp mới, hệ thống điện chiếu sáng các ngõ xóm do quận quản lý còn lại do TP quản lý. HĐND quận đã phê duyệt đầu tư, tới đây Phòng QLĐT sẽ trình đầu tư, cải tạo các hệ thống điện chiếu sáng. Về thủ tục cấp giấy phép xây dựng đang vướng mắc tại thời điểm 2003, UBND quận Hà Đông đã có những văn bản tháo gỡ, phân loại có 4 dạng đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng, có 1 dạng chưa đủ điều kiện.

Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà trả lời ý kiến của Nhân dân.
Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà trả lời ý kiến của Nhân dân.

Về cải tạo, nâng cấp vỉa hè và đường, UBND quận đã rà soát đưa vào đầu tư trung hạn tại Nguyễn Trãi và một số địa phương khác với 18 tuyến. Nhưng theo chỉ đạo của TP Hà Nội phải thi công đồng bộ hạ ngầm. Tuy nhiên, các đơn vị hạ ngầm công trình như điện, viễn thông, cấp thoát nước chưa có kinh phí thực hiện.

Về vận hành nhà chung cư, quận hiện có 104 tòa chung cư đưa vào sử dụng. 96/104 tòa nhà thành lập ban quản trị. Các tòa còn lại chưa thành lập do vướng mắc về kinh phí bảo trì và PCCC, phân định diện tích sử dụng chung - riêng. Tới đây, quận tiếp tục chỉ đạo giải quyết tiếp.

Về vấn đề lắp đặt thiết bị thể thao tại Đồng Mai, quận tiếp tục đề xuất đầu tư ngân sách và xã hội hóa; rà soát đề xuất xây dựng các nhà văn hóa trên địa bàn.

Còn việc xây dựng lại chợ Mậu Lương, UBND TP đã đưa vào kế hoạch 2021-2025. Hiện đang chờ phường Kiến Hưng làm rõ nguồn gốc đất tại chợ.

Vấn đề bồi thường, tái định cư cho một số hộ dân tại Dự án Trạm bơm tiêu Yêu Nghĩa có khó khăn do chuyển tiếp nhiều thời kỳ. Đối với những hộ đủ điều kiện bồi thường được tái định cư bằng đất. Những trường hợp không đủ điều kiện sẽ được tái định cư bằng chung cư. Hiện quận đang tháo gỡ để Nhân dân được hưởng lợi ở mức cao nhất.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà làm rõ thêm những nội dung các phòng, ban chuyên môn đã trả lời. Cụ thể, thời gian qua, quận Hà Đông đã có nhiều giải pháp triển khai, giải quyết các ý kiến kiến nghị của Nhân dân. Có những ý kiến quận không đủ thẩm quyền đã chuyển TP xem xét giải quyết.

Những ý kiến về đầu tư đường kết nối khu đô thị, nhà văn hóa, thiết bị thể thao, quận đã chỉ đạo, rà soát các công trình, dự án, dân sinh bức xúc để bổ sung vào đầu tư trung hạn.

Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân chỉ đạo tiếp tục tập trung giải quyết các ý kiến của Nhân dân.
Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân chỉ đạo tiếp tục tập trung giải quyết các ý kiến của Nhân dân.

Việc giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4, Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Quốc lộ 6, quận đã tập trung toàn bộ lực lượng cho những dự án trọng điểm này. Quận đang đề nghị với TP có một số cơ chế đặc thù cho giải phóng mặt bằng các dự án trong điểm, rất mong Nhân dân đồng lòng thực hiện.

Vấn đề trật tự xây dựng, trật tự công cộng, liên quan đến cấp phép xây dựng đã được tháo gỡ. Yêu cầu các phường thông tin công khai làm giấy chứng nhận 2002-2003 và cấp đất dịch vụ để Nhân dân nắm rõ. 

Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân đã tiếp thu những ý kiến của Nhân dân, các cấp, các ngành; Đồng thời cho biết vẫn còn một số nội dung, ý kiến chưa được triển khai cụ thể, chưa chi tiết, dẫn đến giải quyết thủ tục hành chính cho Nhân dân chưa hiệu quả. Nhất là đất dịch vụ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các diện tích được cấp từ 2002-2003. Điều này cho thấy một số cán bộ lãnh đạo phường, phòng ban chuyên môn còn chưa sát sao.

Bí thư Quận ủy đề nghị các lãnh đạo phường nâng cao trách nhiệm, giải quyết dứt điểm những ý kiến kiến nghị năm 2022 và tổng hợp, giải quyết ý kiến năm 2023. Từ đó báo cáo quận những vướng mắc để tiếp tục giải quyết. Quận sẽ làm việc với quận Nam Từ Liêm để giải quyết an ninh trật tự, môi trường xung quanh hồ Ngòi. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tăng cường giám sát việc giải quyết các vấn đề người dân nêu.