Trân trọng cố gắng của lực lượng tuyến đầu
Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, sự khác biệt ở đợt bùng phát thứ tư là dịch Covid-19 đã tấn công vào những “thành trì” quan trọng trong thực hiện “nhiệm vụ kép” là các cơ sở y tế và các khu, cụm công nghiệp.
Tại Hà Nội, hai cơ sở y tế lớn thuộc quản lý của Bộ Y tế là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 tại huyện Đông Anh và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều tại huyện Thanh Trì đã buộc phải phong toả, cách ly. Covid-19 còn tấn công, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của một số cơ sở khám chữa bệnh khác trên địa bàn như Bệnh viện Phổi T.Ư, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô. Các ca dương tính cũng đã được phát hiện tại các nhà máy ở Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) nên nguy cơ lây lan ở các khu, cụm công nghiệp đang rất cao.
Nhận thức được tính chất nghiêm trọng của đợt dịch lần thứ tư, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã xác định phòng, chống dịch là ưu tiên số một để từ đó tập trung chỉ đạo sớm với các biện pháp đồng bộ, toàn diện, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nhờ đó, TP đã và đang kiểm soát tốt tình hình.
Trong đó, Thường trực Thành ủy, UBND TP đã chỉ đạo các biện pháp cấp bách nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện, cơ sở y tế và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Gần đây nhất, UBND TP đã ban hành công điện nhằm tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 liên quan các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp và tại cơ sở khám chữa bệnh (Công điện số 07-CĐ/UBND ngày 12/5/2021). Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh thực hiện 8 biện pháp phòng chống Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đến nay, các bệnh viện, cơ sở y tế thuộc quản lý của Sở Y tế Hà Nội đang làm rất tốt, cơ bản giữ được an toàn. Tương tự, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thủ đô cũng cơ bản an toàn, đang duy trì tốt hoạt động sản xuất. Đây là điều rất đáng biểu dương!
“Lãnh đạo TP và Nhân dân rất trân trọng những nỗ lực, cố gắng không quản ngại hy sinh của các lực lượng tuyến đầu, nhất là cán bộ y tế, công an, quân đội. Xin gửi tới các đồng chí lời cảm ơn sâu sắc, mong các đồng chí tiếp tục cố gắng với tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa” - Bí thư Thành ủy chia sẻ.
Tuy nhiên, diễn biến dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp, khó lường, trong khi TP cùng cả nước đang hướng tới sự kiện chính trị rất quan trọng là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và đây là thời điểm rất quan trọng. Mục tiêu số một của TP trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 lúc này là bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân, tuyệt đối không để dịch lan rộng trong cộng đồng. Chỉ có kiểm soát được dịch, mới có điều kiện để duy trì sản xuất, kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trước mắt là tổ chức thành công cuộc bầu cử ngày 23/5 tới đây.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 tại huyện Đông Anh. (Ảnh: Viết Thành) |
Người đứng đầu cơ sở y tế phải thực sự là “tư lệnh”
Trước bối cảnh, tình hình đó, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành và Nhân dân Thủ đô phải nỗ lực ở mức cao nhất, đoàn kết, thống nhất thực hiện nghiêm các quy định, các chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 của T.Ư và TP. Tập trung mọi nguồn lực để bảo vệ vững chắc thành quả chống dịch đã đạt được; tấn công, đẩy lùi dịch bệnh trên các mặt trận với phương châm “4 tại chỗ”, siết chặt kỷ cương, tăng cường kỷ luật và áp dụng hiệu quả mô hình không chế dịch theo 3 lớp. Đặc biệt, các cấp, các ngành phải tập trung ưu tiên giữ vững “thành trì” chống dịch là các bệnh viện, cơ sở y tế. Không để dịch xâm nhập, lây lan trong các khu, cụm công nghiệp. Đây là những “thành trì” của chuỗi sản xuất và phát triển kinh tế và cơ sở để duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.
Đối với ngành Y tế, Bí thư Thành ủy lưu ý, phải thực hiện nghiêm các quy trình và các nguyên tắc bảo đảm an toàn phòng dịch; thường xuyên rà soát, kiểm tra, giám sát để bảo đảm các quy trình tiếp nhận bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, quản lý người ra, vào bệnh viện thật chặt chẽ; tuyệt đối không để vì một chút lơ là, chủ quan mà “lọt lưới” người có nguy cơ cao vào trong bệnh viện hoặc từ bệnh viện ra ngoài cộng đồng. “Các nguyên tắc, biện pháp chuyên môn đã được Bộ Y tế khuyến cáo, các bệnh viện cũng đã và đang áp dụng. Tuy nhiên xét cho cùng cách thức thực hiện, hiệu quả thực hiện mới là quan trọng nhất. Các đồng chí phải thực hiện cho tốt”- Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy cũng đề nghị, cán bộ lãnh đạo bệnh viện, cơ sở y tế, nhất là người đứng đầu cấp ủy phải nâng cao ý thức trách nhiệm, phải thực sự là “tư lệnh” trong cuộc chiến chống dịch tại cơ sở của mình; quán xuyến, lưu ý, nhắc nhở thường xuyên để mỗi cán bộ, y bác sĩ, Nhân viên thực sự là những “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch để lan toả ý thức, tinh thần trách nhiệm “mình vì mọi người, mọi người vì mình” đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, từ đó lan toả ra cộng đồng. Tuyên truyền, vận động bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cùng nêu cao trách nhiệm của bản thân trong phòng, chống dịch gắn với từng sinh hoạt trong bệnh viện.
Nhắc lại việc vừa qua, Phòng khám đa khoa quốc tế Thu Cúc vì chưa thực hiện đúng trách nhiệm trong việc tiếp nhận/từ chối tiếp nhận khám, chữa bệnh đối với người đi về từ vùng dịch, Bí thư Thành ủy cho biết, TP buộc phải tạm đình chỉ hoạt động. Đây là bài học chung để mọi cơ sở y tế trên địa bàn dù là công lập hay tư nhân đều phải xác định rõ trách nhiệm và lương tâm trong tham gia phòng, chống dịch và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân; không được vì lợi riêng mà quên lợi ích chung của cộng đồng.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác bầu cử tại phường Định Công, quận Hoàng Mai (Ảnh: Viết Thành) |
Mỗi bệnh viện, cơ sở y tế đều phải có phương án sẵn sàng và quy trình tiếp nhận an toàn đối với người bệnh có biểu hiện nghi nhiễm Covid-19, cũng như quy trình vận chuyển, chăm sóc người bệnh có biểu hiện dương tính với SARS-CoV-2. Phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ để bảo đảm thực hiện nghiêm.
“Đây là lúc ngành Y tế, các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác khám chữa bệnh nhằm bảo đảm 2 mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Đồng thời, vừa bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân. Đó là ứng dụng CNTT giúp bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh qua mạng; ứng dụng để quản lý bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; để liên thông thông tin giữa các bệnh viện, giữa bệnh viện với chính quyền; áp dụng mô hình thăm, khám bệnh từ xa” - Bí thư Thành ủy yêu cầu.
Sở Y tế, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải tăng cường phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện và có biện pháp bảo vệ an toàn cho các bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn gắn với kịp thời biểu dương, khen thưởng nơi thực hiện tốt, có sáng kiến, sáng tạo hiệu quả và phê bình, chấn chỉnh, xử lý kỷ luật nghiêm nơi làm chưa tốt. Cấp ủy, chính quyền các địa phương phải chủ động quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh khu vực xung quanh bệnh viện để bảo đảm các cơ sở này thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Cần thiết phải thực hiện tạm thời đóng cửa để bảo đảm an toàn. Các đơn vị có quan hệ công việc như cung cấp vật tư, tiếp nhận rác thải, dọn dẹp vệ sinh với bệnh viện cũng phải được giám sát chặt chẽ. Ngành Y tế tiếp tục bám sát tiến độ giải quyết của Bộ Y tế đối với đề xuất mua vaccine của TP. Trước mắt tập trung hoàn thành ngay việc xét nghiệm, sàng lọc người trở về từ vùng dịch, kịp thời phát hiện, khoanh vùng, cách ly, truy vết các ca bệnh và không để lây lan ra cộng đồng.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu mỗi khu, cụm công nghiệp và mỗi cơ sở sản xuất đều trở thành một “pháo đài” chống dịch. (Ảnh: Phạm Hùng) |
Chủ động đi trước, làm trước, có biện pháp trước
Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng, các cấp, các ngành TP phải phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội để mỗi khu, cụm công nghiệp và mỗi cơ sở sản xuất đều trở thành một “pháo đài” chống dịch. Phải có kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 riêng phù hợp với đặc điểm, tình hình. Kế hoạch đó phải vừa bảo đảm phòng ngừa chặt chẽ các nguồn lây từ bên ngoài và khi phát hiện có ca mắc trong cán bộ, công nhân, lao động thì phải làm gì. Cần phải hình thành cách thức sản xuất gắn với sinh hoạt của cán bộ, công nhân trong mỗi nhà máy phù hợp với yêu cầu phòng dịch.
Bí thư Thành ủy gợi ý, có thể chia nhỏ, tách riêng hoạt động của từng phân xưởng, tổ, đội sản xuất; từng nhà máy với nhau để không may phát hiện ca nhiễm ở phân xưởng, tổ, đội này, nhà máy này thì chỉ phải phong toả, cách ly ở 1-2 nơi thay vì cả nhà máy, cả khu, cụm công nghiệp. Các cấp, các ngành chức năng của TP, nhất là nơi có khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất phải tiếp cận, làm việc cụ thể với ban quản lý, chủ DN ngay để bảo đảm các biện pháp này được thực hiện; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, phải chủ động đi trước, làm trước, có biện pháp trước.
Bí thư Thành ủy tin tưởng, với sự cộng đồng trách nhiệm, chung tay hành động, Hà Nội sẽ tiếp tục gương mẫu, đi đầu từng bước đẩy lùi dịch Covid-19, thực hiện thành công “nhiệm vụ kép” và tổ chức ngày bầu cử 23/5 thực sự là ngày hội của Nhân dân Thủ đô.