Cùng đi có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền và lãnh đạo Sở, ban, ngành.
Trò chuyện với người có công (NCC) và cán bộ, nhân viên tại Trung tâm, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, TP Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng NCC lớn với trên 800.000 người (chiếm gần 10% số lượng của toàn quốc). Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", cùng với cả nước, Thủ đô Hà Nội luôn xác định công tác chăm lo thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC với cách mạng là nhiệm vụ cao quý, là tình cảm và ân nghĩa sâu sắc.
Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội được thành lập năm 1978, tiền thân là Khu Điều dưỡng thương binh nặng Hà - Sơn - Bình. Hiện tại, trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc thường xuyên cho 42 người, trong đó có 4 mẹ liệt sĩ, 26 vợ liệt sĩ, 1 thương binh, 8 con liệt sĩ và 3 người có công (NCC). Ngoài ra, từ năm 1999 đến nay, trung tâm còn thực hiện điều dưỡng luân phiên trên 50.000 lượt người.
Với nghĩa tình sâu nặng và trách nhiệm đó, dù trong chiến tranh hay trong công cuộc xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Chính quyền, MTTQ và Nhân dân Thủ đô Hà Nội luôn thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ, đó là “thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là những NCC với Tổ quốc, với nhân dân, cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, thương yêu và giúp đỡ họ”.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Trong suốt 75 năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể từ TP đến cơ sở, triển khai đầy đủ và kịp thời các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”; thực hiện đúng, nghiêm túc các chính sách đối với NCC; quan tâm nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC của TP, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCC, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và tiến bộ, công bằng xã hội.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ: Tuy đạt được những kết quả nêu trên, nhưng đối với những NCC, xã hội vẫn cần phải tiếp tục quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa. Để thực hiện hiệu quả công tác đền ơn đáp nghĩa, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP đã xác định: “Thực hiện tốt các chính sách đối với người có công” là trách nhiệm và việc làm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân TP.
Với Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng NCC số 2 Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng đề nghị Ban Giám đốc cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng Người có công số 2 Hà Nội nỗ lực phấn đấu, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ thiêng liêng cao quý, chăm sóc, nuôi dưỡng người có công với cách mạng như ruột thịt của mình, đây là tình cảm, bổn phận của người đi sau nhằm bù đắp phần nào những tổn thất, mất mát của người đi trước.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của Trung tâm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo Sở LĐTB&XH tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù theo hướng ưu đãi cao hơn mức hiện hành cho NCC của TP; tham mưu TP đầu tư nâng cấp các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC để đảm bảo các điều kiện tốt nhất chăm lo cho các đối tượng NCC về cả vật chất và tinh thần.
Đối với 3 đề xuất, kiến nghị của trung tâm, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo Sở LĐTB&XH rà soát, nghiên cứu, đề xuất báo cáo UBND TP trong tháng 8/2022 để kịp thời trình HĐND TP xem xét thông qua tại Kỳ họp diễn ra vào tháng 9/2022, giúp nâng cao chế độ cho người có công và người lao động tại trung tâm. Đồng thời, nâng cấp, bảo đảm các điều kiện tốt nhất chăm lo cho các đối tượng người có công về cả vật chất và tinh thần.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kính chúc các cụ, các bác, các thương binh, bệnh binh và thân nhân gia đình liệt sĩ đang được nuôi dưỡng tại trung tâm luôn mạnh khỏe, trường thọ và nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Cũng trong sáng nay, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã đến thăm, tặng quà 2 gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn huyện Ứng Hòa, đó là gia đình ông Nguyễn Xuân Tiến (sinh năm 1936, thương binh 2/4) và gia đình bà Đỗ Thị Mỹ (sinh năm 1922, mẹ liệt sĩ Nguyễn Đình Quang), cùng trú tại thôn Thượng, xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa.