Bí thư Thành ủy Hà Nội: “Giữ được một cây là quý lắm, không tránh được mới phải di dời”

Hà Minh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc phải di chuyển 1.300 cây xanh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng “ai cũng tiếc, mình đang trồng không được”, nhưng trong quá trình phát triển, chỗ nào cần di dời cây thì bắt buộc phải làm.

Sáng 5/6, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội xung quanh việc Hà Nội chuẩn bị di chuyển khoảng 1.300 cây xanh để phục vụ cho dự án mở rộng đường vành đai 3, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết: “TP Hà Nội đang lấy ý kiến về vấn đề này. Dự án không chỉ có đường bộ dưới mà còn đường Vành đai 3 trên cao nối đến cầu Thăng Long. Có ý kiến giữ lại hàng cây đó, ai cũng muốn giữ nhưng chạy đường trên cao thì không giữ nổi. TP sẽ bàn với Bộ GTVT. Tôi đã chỉ đạo sau khi lấy kiến Nhân dân thì phải có trả lời rõ ràng”.
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, trên thực tế, các dự án đầu tư xây dựng khi làm phương án giải phóng mặt bằng đều lấy ý kiến người dân.

Với việc phải di chuyển 1.300 cây xanh, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng “ai cũng tiếc, mình đang trồng không được”, nhưng trong quá trình phát triển, chỗ nào cần di dời cây thì bắt buộc phải làm, chẳng lẽ không làm gì cả. Vì thế, trong các phương án quy hoạch đầu tư xây dựng đều tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước.

Có ý kiến cho rằng giữ được 1 cây cũng quý, thưa đồng chí Bí thư Thành ủy?

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải: Việc di dời cây như thế cũng có chi phí cao, bên cạnh đó, phải là bảo quản phải quan tâm đến kỹ thuật để bảo đảm tỷ lệ sống cao nhất. Trong việc này, không thể tính tuyệt đối được.

Chi phí cao, nhưng nhiều DN sẵn sàng đầu tư xã hội hóa việc này?

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải: Di dời thì người ta sẽ phân loại cây ra, cây nào di dời, bảo tồn được, cây nào giữ không thể làm hoặc làm không có hiệu quả. Còn những cây to như vậy, mình cắt mình cũng tiếc chứ.

Khi làm đường sắt Hà Đông – Cát Linh thì có những cây có thể giữ được nhưng làm hơi quá. Theo đồng chí, lần này TP sẽ làm như thế nào?

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải: Như tôi đã nói, phương án theo thiết kế đường trên cao và đường thấp thì phải phối hợp với nhau, tính toán đã tối ưu chưa. Các nhà kỹ thuật và các nhà quản lý phải ngồi với nhau để xem xét. Cái này mình quản lý phải chặt, người dân cũng giám sát chặt.

Sở Xây dựng đang lấy ý kiến thay thế 4.000 cây xà cừ và đều là các cây to?

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải: Hiện đang lấy ý kiến, còn việc làm đâu có thể đơn giản được. Ở đây, họ đang tổ chức hội thảo để lấy ý kiến xem cây xà cừ có phù hợp với cây đô thị không để sau này trồng mới sẽ không trồng cây này nữa.

Cây trồng rồi, to thì cứ để đấy cần gì phải thay. Còn trừ khi các dự án đầu tư phát triển không làm cách gì tránh được thì phải di dời chứ còn giờ giữ được một cái cây là quý lắm, cả trăm năm mới được như thế.

Thành ủy Hà Nội có chỉ đạo như thế nào liên quan đến vấn đề cây xanh không, thưa đồng chí Bí thư?

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải: Theo chương trình phát triển mình vẫn theo kế hoạch phát triển đô thị, xanh sạch đẹp, bảo tồn và TP đã có nghị quyết riêng về môi trường.

Đồng chí có nhận được ý kiến gì về việc nên dừng di chuyển hơn 1.000 cây xanh ở đường Phạm Văn Đồng không?

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải: Chưa, đó mới chỉ là ý kiến trên báo chí thôi. Người dân cũng yêu cầu làm cái gì phải hợp lý, đúng, thực sự cần cần thiết thì người dân đồng ý nhưng anh phải chứng minh, tránh lạm dụng.

Như vậy là bắt buộc TP phải chặt hạ cây xanh?

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải: Theo như phương án thiết kế là như vậy, còn bây giờ mình phải lấy ý kiến, tìm xem có cách nào, phương án gì khác không. Nếu chứng minh được việc ấy là cần thiết, bắt buộc phải làm thì phải di dời, bảo tồn tối đa, còn không thì thôi.