Bí thư Thành ủy Hà Nội: Hạn chế xe cá nhân, tăng tốc đầu tư phương tiện công cộng

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 28/10.

Trước ý kiến chia sẻ của phóng viên về việc có cảm giác như hiện nay Hà Nội đang ưu tiên đầu tư cho giao thông cơ giới ô tô, xe máy hơn là phi cơ giới như đi bộ, xe đạp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, thực tế không phải là Thành phố ưu tiên, việc phát phát triển ô tô, xe máy vẫn theo hướng tự phát.
Nghĩa là nhu cầu người dân phải trang bị ô tô, xe máy và kết quả là tăng trưởng ô tô, xe máy 17%/năm. Việc của Thành phố là phải làm sao để phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng thuận lợi để người dân cảm thấy việc có xe riêng không thuận lợi bằng sử dụng phương tiện công cộng.
  Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải 
Bí thư Thành ủy Hà Nội thông tin thêm, từ nay đến năm 2020, Thành phố phải tăng gần gấp đôi lượng tuyến xe buýt.
Hiện nay, độ bao phủ của xe buýt công cộng đối với các khu dân cư thuộc quận nội thành mới dừng lại ở 71%. Các tuyến xe buýt đấu nối với các huyện thị vẫn thiếu.
Lượng xe hiện nay có 96 tuyến với 1.500 xe vẫn còn chưa đủ, dự kiến phát triển lên 150 tuyến, với hơn 2.000 xe. Việc kết nối giữa tuyến với các phương tiện giao thông công cộng chưa thuận tiện. Do vậy, Thành phố tính đến việc thiết kế tích hợp các phương tiện giao thông công cộng, làm sao thuận tiện cho người dân.
Trước ý kiến của báo chí từ việc phố đi bộ của Hà Nội vừa thí điểm cho thấy hiệu quả cao, cần mở rộng, Bí thư Hoàng Trung Hải bày tỏ đồng tình, từ việc phát triển không gian đi bộ của Hà Nội mới thấy nhu cầu của người dân rất lớn.
Đồng thời, khi mở rộng phố đi bộ mới thấy sức ép về giao thông cao. Vấn đề đặt ra, khi không giải quyết được những vấn đề lớn về giao thông thì không giải quyết nổi những vấn đề khác.
“Nếu ô tô, xe máy vẫn tăng mà tàu điện ngầm không có, mở tuyến ra ngoài không có, giãn dân không nổi thì không có cách gì giải quyết. Chúng ta nói chuyện không gian cho người đi bộ, đi xe đạp cũng khó khả thi”, Bí thư Hoàng Trung Hải chia sẻ.
Theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, thời gian tới, Thành phố phải giải quyết đồng bộ các giải pháp, trong đó, việc khó khăn nhất là vốn, còn về phương tiện, vừa qua Thành phố xây dựng đề án quản lý phương tiện cá nhân.
Hiện nay, tốc độ tăng trưởng vận tải, dân số cao hơn rất nhiều sơ với tốc độ tăng về đầu tư hạ tầng. Như vậy, đến một thời điểm nào đó sẽ phải hạn chế phương tiện cá nhân, đồng thời tăng tốc đầu tư phương tiện công cộng.
Bí thư Hoàng Trung Hải chia sẻ: “Cũng sẽ đến lúc xe biển chẵn đi ngày chẵn, biển lẻ đi ngày lẻ. Sẽ đến lúc phải cấm, không dùng phương tiện xe máy nữa. Rất nhiều quốc gia làm phương án này.
Như tôi đã nói, 8 tuyến tàu điện ngầm ở Hà Nội rất khó khăn thu hút vốn, các nhà đầu tư chưa mặn mà. Giả sử nếu phát triển được các tuyến tàu điện ngầm, theo kế hoạch 2030 chẳng hạn, thì có thể công bố cho người dân Thành phố thấy, đến 2030 các quận nội đô không lưu thông xe máy nữa. Nếu được như vậy thì người dân có thời gian chuẩn bị, hoặc chuyển sang ô tô hoặc đi xe buýt, không mua xe. Xe máy hiện tại vẫn sử dụng đến thời điểm 2030.

Thành phố cũng có thời gian chuẩn bị để nâng vận tải hành khách công cộng, đồng thời không đăng ký xe máy ở các quận nội thành, đỡ phí phạm tài sản chung của xã hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện đề án này, xin ý kiến HĐND và các bộ ngành”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội thông tin thêm, trong dự thảo trước đây, nhiều ý kiến muốn lộ trình hạn chế xe cá nhân đến năm 2025 nhưng hiện nay, do một số tuyến giao thông chính như tàu điện ngầm đến 2025 chưa có khả năng hoàn thành 8 tuyến. Như vậy, khả năng đáp ứng phương tiện công cộng chưa được nên có thể lộ trình giãn đến 2030. Như vậy, người dân có 14 năm để chuẩn bị.
Đồng thời, các cơ quan nghiên cứu về giao thông cũng đang tính toán, làm thế nào để đến thời điểm năm 2030, Hà Nội phải có những lực lượng vận tải hành khách công cộng chủ công đưa vào hoạt động để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân khi không sử dụng xe cá nhân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần