BIDV đề xuất nhiều giải pháp góp sức bảo vệ chủ quyền biển Đông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/5, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Lễ phát động “Chung tay góp sức vì biển Đông, ủng hộ ngư dân vươn khơi bám biển tại các vùng biển của Tổ quốc”.

Ngân hàng đã công bố dành 26,7 tỷ đồng hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và bà con ngư dân để xây dựng các công trình, tài sản, phục vụ vươn khơi, bám biển, thực hiện sản xuất. BIDV cũng dành nguồn vốn 3.000 tỷ đồng để  cho vay chương trình đóng mới tàu sắt, công suất lớn, xây dựng hệ thống phục vụ khai thác đánh bắt xa bờ, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Theo lãnh đạo BIDV, hành vị ngang ngược đưa Giàn khoan Hải Dương 981 và nhiều loại tàu thuyền công suất lớn… của Trung Quốc vi phạm thềm lục địa của Việt Nam đã đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải có những chính sách, cơ chế đồng bộ để cả xã hội cùng vào cuộc, cùng ngư dân vươn ra khơi tại các vùng biển xa. Vì thế, BIDV đã đề xuất một số nhóm giải pháp góp phần cùng nhân dân cả nước thực hiện bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

 
Nguồn internet.
Nguồn Internet.
Đối với nhóm giải pháp về chính sách hỗ trợ, để thực hiện mục tiêu đóng tàu vỏ sắt trọng tải lớn, công suất lớn, đáp ứng hoạt động vươn xa khai thác thuỷ sản dài ngày của ngư dân, tại buổi lễ phát động, BIDV đã đề xuất giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ. Dự kiến, ngân hàng dành nguồn vốn với tổng trị giá 3.000 tỷ đồng để cùng toàn ngành ngân hàng cho vay.

BIDV đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chính sách đặc biệt  hỗ trợ vốn triển khai thực hiện mô hình Cảng dịch vụ nghề cá trên biển, cho vay đóng mới hệ thống tàu trọng tải lớn cung cấp dịch vụ trên biển cho các tàu cá đánh bắt xa bờ như cung cấp: Xăng dầu, lương thực, y tế…

Hệ thống tàu dịch vụ này đồng thời làm nhiệm vụ lớn hơn là thu mua, bảo quản hải sản cho ngư dân ngay trên biển để vừa nâng cao giá trị hàng hóa của hải sản, vừa tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, không phải mất thời gian quay về bến, đồng thời tránh tình trạng bị tư thương ép giá ngư dân khi trúng mùa. Cũng có thể coi hệ thống dịch vụ này như các trạm trung chuyển dịch vụ nổi trên biển chịu trách nhiệm tiêu thụ, đưa hải sản đến các đầu mối chế biến trong đất liền nhằm khai thác tối đa thị trường xuất khẩu thuỷ hải sản. Qua đó sẽ trực tiếp góp phần nâng cao đời sống, mang lại nguồn lợi kinh tế ổn định, tương xứng với công sức của ngư dân.

Chính sách đầu tư, nâng cấp các cơ sở đóng tàu hiện hữu, cải tạo cơ sở hạ tầng của hệ thống thiết bị đóng tàu tại các cảng biển, các vùng ven biển, vừa khơi dậy một trong những nghề truyền thống của cha ông tại các vùng biển từ xưa, vừa hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị cho ngư dân trong hoạt động đánh bắt thủy hải sản. Hiện nay, các cơ sở sửa chữa tàu thuyền đã và đang hoạt động song chưa được đầu tư tốt. Nếu đầu tư nâng cấp năng lực cho các công ty này sẽ góp phần hỗ trợ ngư dân mỗi khi tàu bị hỏng hoặc cần sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ. Đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ phí bảo hiểm và hệ thống thông tin tầm xa HF cho ngư dân đánh bắt xa bờ, đảm bảo an toàn tài chính cho ngư dân trước rủi ro trong hoạt động đánh bắt xa bờ.

Ngoài cho vay trực tiếp ngư dân, lãnh đạo BIDV đề xuất các ngân hàng xem xét hình thức cho thuê tài chính, cho vay các doanh nghiệp có năng lực để đóng mới, mua tàu và cho ngư dân thuê lại. Nghiên cứu thực hiện cho vay khép kín theo chuỗi dịch vụ từ cung cấp hậu cần, đánh bắt, chế biến, tiêu thụ xuất khẩu hàng hóa.

Đối với nhóm giải pháp về vốn, đề nghị Chính phủ chỉ đạo và giao NHNN đầu mối thu xếp nguồn vốn hợp lý (khoảng 10.000 tỷ đồng) với cơ chế lãi suất ưu đãi (đề xuất 2%/năm), thời gian cho vay dài hạn (10 năm), ân hạn trong quá trình đóng mới…

Bên cạnh đó, lãnh đạo BIDV cũng đề xuất một số giải pháp xã hội hóa công tác hỗ trợ ngư dân bám biển. Theo đó, ngân hàng kêu gọi toàn thể các tổ chức và cá nhân Người Việt Nam ở chung tay đóng góp vật chất. Mỗi người trong độ tuổi lao động dành 100.000 đồng/năm để ủng hộ kinh phí cùng Nhà nước, bà con ngư dân thực hiện nâng cao năng lực hệ thống đánh bắt, khai thác, chế biến hải sản trên vùng biển của Tổ quốc. Trước mắt, BIDV dành tặng một tàu vỏ sắt công suất 1.000CV trị giá 5 tỷ đồng tặng T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để trang bị cho Đội thanh niên xung kích ra khơi đánh bắt hải sản ở vùng biển xa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Xây dựng hệ thống các cột cờ chủ quyền Tổ quốc tại tất cả các đảo trên thềm lục địa, lãnh hải của Tổ quốc cũng là đề xuất được BIDV nêu ra. Trước mắt, trong năm 2014, BIDV sẽ phối hợp với T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện xây dựng 6 cột cờ trên 6 đảo: Đảo Trần (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Sơn (Bà Rịa Vũng Tàu), Cù Lao Xanh (Bình Định). Tổng kinh phí dự kiến khoảng 5 tỷ đồng… Nhiều giải pháp khác hỗ trợ ngư dân bám biển cũng đã được ngân hàng đề xuất để góp phần bảo vệ chủ quyền, biển đảo quê hương.