BIDV tiên phong đón đầu công nghệ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 5 năm trở lại đây, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) luôn giữ vị trí số 1 trong khối Ngân hàng TMCP tại Việt Nam về quy mô huy động vốn dân cư, quy mô tín dụng bán lẻ.

BIDV hiện đang trở thành ngân hàng tiên phong trên thị trường ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 trong triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ mới, mang tính cạnh tranh cao, giàu hàm lượng công nghệ, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, tiện ích của khách hàng.
Ứng dụng robot, trí tuệ nhân tạo trong dịch vụ ngân hàng
Hoạt động ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 trong nền kinh tế nói chung, ngành ngân hàng nói riêng được triển khai khá mạnh mẽ. Bên cạnh đó, do áp lực từ tiêu chuẩn Basel II, các ngân hàng đang chạy đua trong việc đầu tư vào công nghệ, số hóa để giảm thiểu chi phí và buộc phải giảm dần phụ thuộc vào tín dụng.
Với cách làm của riêng mình, BIDV cho thấy những bước đi chắc chắn nhưng khá táo bạo. Trong khi nhiều ngân hàng đã và đang triển khai ngân hàng số (Digital Banking) dưới dạng “phòng”, “bộ phận”… BIDV thành lập Trung tâm Ngân hàng số - Digital Banking Center nhằm hướng tới mục tiêu đi trước đón đầu, khai phá những tiềm năng ứng dụng số hóa trong hoạt động ngân hàng một cách quy mô, tổng thể.
 Khách hàng ứng dụng BIDV Pay + thanh toán bằng QR code. Ảnh: Thảo Nguyên
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số BIDV Trương Hồng Quân, nếu như số giao dịch ngân hàng số năm 2013 chỉ 3 triệu, năm 2014 là 6 triệu thì đến năm 2018 vọt lên 82 triệu giao dịch với giá trị hơn 1 triệu tỷ đồng.
“Con số này đưa BIDV lên top 2 hoặc 3 trong toàn hệ thống” - ông Quân cho biết. Cũng qua thống kê tại BIDV, tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt ATM tại ngân hàng này đã giảm từ mức 59% xuống 47%; giao dịch trực tiếp tại quầy giảm từ 32% xuống 24% trong khi các kênh ngân hàng điện tử tăng từ 9% lên 29%.
Để có kết quả này BIDV đã đưa ra nhiều giải pháp công nghệ trong phát triển các sản phẩm mới và tinh chỉnh, hoàn thiện các sản phẩm hiện có, như: BIDV Smartbanking với nhiều tính năng mới như trợ lý ảo, trò chuyện, thanh toán QRPay, mua sắm dịch vụ bán ngoại tệ trực tuyến, đăng ký mua ngoại tệ trực tuyến; ứng dụng BIDV Pay+ cho phép người sử dụng rút tiền trên ATM không cần thẻ và thanh toán tiện lợi bằng QR code, Thanh toán SamsungPay qua thẻ ghi nợ BIDV… Mới đây, ngân hàng triển khai 20 dịch vụ thanh toán hóa đơn mới trên tất cả các kênh Internet và Mobile; thí điểm dịch vụ chấp nhận thanh toán hiện đại khác như thẻ Visa Pay Wave, VNPay, Pay+QR...
Đặc biệt, bước đột phá của BIDV là ứng dụng công nghệ RPA (tự động hóa quy trình bằng Robot) trong nghiệp vụ thanh toán theo bảng kê tại BIDV. Ứng dụng này được hình thành từ 3 công nghệ tiên tiến nhất hiện nay là Robotic, trí tuệ nhân tạo và nhận diện ký tự quang học. Việc thay thế nhân viên bằng robot đã giúp BIDV tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí tiền lương và đẩy mạnh tự động hóa quy trình nghiệp vụ.
Tổng thời gian xử lý công việc của Robot chỉ bằng 20% thời gian xử lý của con người, do vậy tiết giảm được 80% thời gian thao tác khi sử dụng Robot, đem lại lợi ích giúp BIDV tiết giảm được 2,7 tỷ đồng chi phí lương nhân viên dành cho nghiệp vụ này hàng năm. Sản phẩm Robotic cũng là 1 trong 3 sản phẩm công nghệ của BIDV đã được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) trao danh hiệu Sao Khuê 2019.
Tăng tiện tích, bảo mật cho khách hàng
Với việc đưa các ứng dụng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm dịch vụ, vừa tiết kiệm thời gian, vừa bảo mật và tiện ích cho khách hàng những cải tiến trên đã góp phần khẳng định vị thế ngân hàng đi đầu trong thời đại số của BIDV. Để triển khai đúng hướng chiến lược ngân hàng số, BIDV đã thay đổi căn bản về định hướng chiến lược khách hàng.
Trước đây, ngân hàng bán dịch vụ mà mình có nhưng hiện nay, ngân hàng đứng ở phía khách hàng để thiết kế sản phẩm, lấy khách hàng làm trung tâm… không ngừng đầu tư nguồn lực xây dựng, nâng cấp hệ thống.
Lãnh đạo BIDV cho biết, định hướng hoạt động thời gian tới là chú trọng cơ cấu nguồn thu của BIDV, gia tăng thu dịch vụ, tăng tỷ trọng thu phí lãi/tổng thu nhập thông qua thay đổi mạnh mẽ tư duy hoạt động, hướng tới khách hàng. Đa dạng hóa danh mục sản phẩm dịch vụ, phát triển các sản phẩm ngân hàng khép kín có hàm lượng công nghệ cao…
Năm 2019, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.300 tỷ đồng (tăng 8,7% so với năm 2018). Trong đó, kế hoạch lợi nhuận của ngân hàng mẹ đạt 9.800 tỷ đồng (tăng 9,9% so với năm 2018). Mục tiêu tín dụng cả năm tăng 12% (cũng là hạn mức được NHNN cấp đầu năm) bằng việc tập trung vào cho vay bán lẻ, DN nhỏ và vừa, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.

BIDV liên tục nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, được các tổ chức định hạng tín nhiệm nâng hạng tín nhiệm cơ sở. Năm 2019 là năm thứ 5 liên tiếp (2015 - 2019) BIDV được Tạp chí The Asian Banker bình chọn là "Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam".