Biển “Cấm dừng quá 5 phút” tại các trạm BOT: Mục tiêu chính là chống ùn tắc

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông báo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ ngày 25/1, các trường hợp tài xế vi phạm biển báo “Cấm dừng xe quá 5 phút” tại các trạm BOT sẽ bị xử phạt. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, mục đích của việc này không phải để xử phạt mà chống ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí BOT.

Không phải để xử phạt
Ngày 15/1, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ký văn bản về việc tổ chức giao thông tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên QL. Một nội dung đáng chú ý trong văn bản trên là việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu lắp đặt biển báo “Cấm dừng xe quá 5 phút” tại các trạm thu phí BOT. Theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, biển báo này được viết bằng chữ, nền biển màu đỏ, chữ viết màu trắng, cách cabin thu phí khoảng 50m. Biển được lắp trên dải phân cách giữa và trên cột cần vươn phía bên phải chiều xe chạy. Lắp biển báo hết lệnh cấm phía sau trạm thu phí khoảng 100 - 200m. Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, việc lắp  biển báo “Cấm dừng xe quá 5 phút” tại các trạm BOT là hoàn toàn thuộc thẩm quyền của đơn vị này.
 Trạm thu phí BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp.
Ông Vũ Ngọc Lăng – Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, việc cắm biển báo cấm trên là theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ (Quy chuẩn 41/2016/BGTVT). Theo ông Lăng, hệ thống quốc lộ do Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức giao thông và việc cắm biển trên các quốc lộ được đơn vị này thực hiện thường xuyên. Riêng đối với việc cắm biển “Cấm dừng xe quá 5 phút” tại các trạm BOT, ông Lăng cho biết, mục tiêu cắm biển cấm này không phải để xử phạt mà nhằm điều tiết, tổ chức giao thông, tránh ùn tắc tại các trạm thu phí. Các lực lượng chức năng sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể của từng trường hợp để xử lý.
Hiện cả nước có 88 trạm thu phí BOT trên QL, trong đó Bộ GTVT quản lý 73 trạm (56 trạm đang thu, 17 trạm chưa thu), còn lại 15 trạm (11 trạm đang thu và 4 trạm chưa thu) do UBND các tỉnh quản lý.
Trong khi những tranh cãi về tính pháp lý của các biển báo “Cấm dừng xe quá 5 phút” mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu lắp đặt tại các trạm BOT vẫn đang diễn ra thì đơn vị này tiếp tục gửi công điện hỏa tốc đến các nhà đầu tư BOT,  Cục cao tốc, các cục quản lý đường bộ 1, 2, 3, 4 và Sở GTVT các tỉnh, thành đôn đốc về công tác cắm biển cấm này. Ông Nguyễn Văn Thành – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ 4 (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, bắt đầu từ ngày 25/1, lực lượng thanh tra giao thông của đơn vị này sẽ phối hợp với Sở GTVT các địa phương tiến hành việc kiểm tra, xử lý các lái xe vi phạm biển báo “Cấm dừng xe quá 5 phút” tại 19 trạm BOT trên cả nước. Lãnh đạo Cục Quản lý Đường bộ 4 nhấn mạnh, ngoài việc xử phạt, nếu lái xe nào cố tình vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm với mức xử phạt nặng hơn.
Như một biện pháp nhắc nhở
Luật sư Nguyễn Anh Thơm Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Nếu như là biển cấm dừng đỗ trên cao tốc thì đúng, còn tại các trạm BOT là nơi mua – bán vé dịch vụ sử dụng đường bộ, là nơi diễn ra giao dịch dân sự thì không thể đưa ra biển cấm, hạn chế thời gian được.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định, biển “Cấm dừng xe quá 5 phút” tại các trạm BOT mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu lắp đặt chỉ có tác dụng như là một biện pháp nhắc nhở tài xế không được dừng xe quá lâu, chứ không thể căn cứ vào đó để đưa ra quyết định xử phạt các lái xe vi phạm. "Biển báo “Cấm dừng xe quá 5 phút” không nằm trong hệ thống các biển báo của quốc gia, do đó về căn cứ pháp lý để xử phạt thì không có hiệu lực" - luật sư Nguyễn Anh Thơm cho hay.
Trong khi đó, luật sư Trần Thị Ánh (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) phân tích, tại Chương 4 của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ (Quy chuẩn 41/2016/BGTVT) có quy định các biển báo cấm gồm: Biển cấm dừng xe và đỗ xe, biển cấm theo giờ hoặc biển cấm các loại phương tiện tùy theo khu vực. Tuy nhiên, Quy chuẩn 41/2016/BGTVT không hề có quy định về biển cấm thời gian dừng xe. Theo luật sư Ánh, việc lắp đặt biển báo “Cấm dừng xe quá 5 phút” tại các trạm BOT là trái với các quy định pháp luật về lĩnh vực dân sự và không có chế tài để áp dụng việc xử phạt. Do đó, các cơ quan liên quan cần phải xem xét lại vì quy định này có thể tạo ra những tình huống "lợi bất cập hại" cho việc thực hiện giao dịch dân sự tại các trạm BOT.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần