Biến chủng SARS-CoV-2 đầu tiên tại Việt Nam: Không quá nguy hiểm nhưng không chủ quan

Tiểu Thúy/Tieudung.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của bác sĩ Phan Thanh Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm CDC TP Hồ Chí Minh với phóng viên báo Kinh tế & đô thị, ngay sau phát hiện biến thể mới virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam.

Sáng 2/1, Bộ Y tế thông tin về bệnh nhân Việt Nam đầu tiên nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 biến thể mới và có đột biến. Đó là BN1435 (nữ, 45 tuổi, trú tại Trà Vinh) từ Anh về Việt Nam ngày 22/12/2020 và được cách ly tập trung ngay tại Trà Vinh.
Liên quan đến ca bệnh trên, bác sĩ Phan Thanh Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm CDC TP Hồ Chí Minh nhận định, hiện tại BN1435 đang được cách ly tốt, không tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho cộng đồng. Tuy nhiên, công tác kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 vẫn phải tuyệt đối tuân thủ quy định của Bộ Y tế, không chủ quan, lơ là.
 Biến chủng mới của SARS-CoV-2 làm tăng khả năng bám dính của virus. Theo ước tính, biến chủng có khả năng làm tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%
“Theo ghi nhận từ các nước đã xuất hiện trước đó thì biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan cực nhanh, nhưng không làm tăng nặng hơn tình trạng của bệnh tật. Đến thời điểm này, vaccine ngừa Covid-19 vẫn hiệu quả trên chủng mới, vì chỉ 1 đoạn gen “D614G” bị đột biến, chứ không phải là làm thay đổi cả một chủng”, Phó Giám đốc HCDC phân tích.
Theo bác sĩ Phan Thanh Tâm, công tác cách ly và điều trị chủng mới không khác gì so với các bệnh nhân Covid-19 trước đó. Chỉ khác là phải quản lý chặt chẽ hơn ở khu cách ly, quản lý chặt người nhập cảnh để virus không lọt ra ngoài cộng đồng.
Đánh giá về nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào dịp cuối năm, bác sĩ Phan Thanh Tâm cho rằng, đáng lo nhất trong những ngày cận Tết Âm lịch là các trường hợp nhập cảnh trái phép. Nếu các trường hợp này không được phát hiện kịp thời, thì khả năng lây lan trong cộng đồng rất cao, đặc biệt là khi họ nhiễm bệnh bởi biến chủng của SARS-CoV-2.
“Người dân cần bình tĩnh, chủ động tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, phải phối hợp với ngành y tế và các lực lượng chức năng khi cần thiết. Phải đảm bảo, mỗi người, mỗi gia đình, mỗi khu phố, mỗi thành phố… cùng chống dịch”, bác sĩ Phan Thanh Tâm khuyến cáo.
Tương tự, TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cũng đánh giá, chủng mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh có khả năng lây truyền mạnh hơn rất nhiều so với chủng virus trước đây nhưng độc lực không thay đổi.
Cụ thể, chủng mới này có khả năng bám chặt vật chủ nhiều hơn so với chủng cũ nên khả năng nhiễm bệnh và lây truyền sớm hơn dù người bệnh có tải lượng virus thấp: “Ví dụ chủng virus SARS-CoV-2 trước đây thường mất khoảng 5 ngày thì có khả năng lây bệnh, còn chủng mới này chỉ mất 3 ngày”, BS Lê Quốc Hùng dẫn chứng.
TS.BS Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, để kiểm soát, phòng bệnh do chủng virus SARS-CoV-2 mới, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt thông điệp 5K của Bộ Y tế: "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế".
Tuy nhiên, vì khả năng lây lan của chủng mới rất mạnh nên chúng ta cần tuân thủ 5K nghiêm túc hơn, triệt để hơn với cường độ cao hơn (ở tất cả mọi nơi) thì sẽ khống chế được chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Ngày Tết Âm lịch đang cận kề, cũng là lúc công tác phòng dịch cần phải đẩy mạnh hơn bất cứ lúc nào. Sự đồng lòng, hợp tác của người dân với cơ quan chức năng, hệ thống ngành y tế là “sức mạnh” lớn nhất trong cộng tác chống dịch của cả nước.
Đã có 43 quốc gia, vùng lãnh thổ xuất hiện biến chủng virus SARS-CoV-2 
Tính đến sáng nay (2/1), đã có tất cả 34 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận biến thể virus SARS-CoV-2, gồm: Mỹ, Anh, Úc, Bỉ, Brazil, Canada, Chile, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Iceland, Ấn Độ, Ireland, Israel, Ý, Nhật, Jordan, Lebanon, Malta, Hà Lan, Na Uy, Pakistan, Bồ Đào Nha, Singapore, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và mới nhất là Việt Nam.
Trước đó, ngày 8/12, Anh thông báo ghi nhận biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với khả năng lây lan nhanh hơn các biến thể khác.
Các nhà khoa học phát hiện biến thể này lần đầu tiên vào tháng 9. Đến tháng 11, khoảng 1/4 ca nhiễm mới ở London là do VUI-202012/01, và đến giữa tháng 12 con số này tăng lên gần 2/3. Chính phủ Anh thông báo biến thể mới có khả năng lây lan cao hơn đến 70% so với các biến thể trước đó.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần