Chăn nuôi trở tay không kịp
Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết phức tạp, rét đậm rét hại thất thường, cùng với môi trường ô nhiễm nặng do quá trình đô thị hóa... đã tạo điều kiện để mầm bệnh (nấm, virus, vi khuẩn…) phát sinh, phát triển cả trên người và động vật. Đối với ngành chăn nuôi, ngoài những dịch bệnh thường gặp, còn xuất hiện nhiều bệnh mới, biến chủng mới, có sức “càn quét” nặng nề, khiến người chăn nuôi trở tay không kịp. Minh chứng rõ nét nhất đó là đại dịch tả lợn Châu phi lần đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam năm 2019, bệnh Viêm da nội cục trên trâu bò xuất hiện năm 2020.
Còn riêng đối với bệnh cúm gia cầm, thời gian qua liên tục biến chủng từ dạng này sang dạng khác. Nếu như trước đây (thời điểm cuối năm 2003) bệnh cúm gia cầm xuất hiện chủ yếu với chủng cúm A/H5N1 thì giờ đây xuất hiện nhiều chủng khác nhau như cúm A/H5N6; A/H5N7, A/H5N8, A/H5N9… Hay gần đây trên các thông tin đại chúng đã đề cập đến một số bệnh như bệnh bò điên trên trâu bò, bệnh liên cầu khuẩn, cúm lợn… Đây đều là những bệnh có tốc độ lây lan nhanh, trực tiếp làm ảnh hưởng đến động vật và sản phẩm động vật, nguy hiểm hơn là một số bệnh, biến chủng có thể truyền lây giữa người và động vật.
Điều đáng lo ngại là đặc điểm dịch tễ của các dịch bệnh và biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, nhiều động vật mẫn cảm, chưa thích ứng với các loại vaccine, hoặc chưa sản xuất được vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên thiệt hại kinh tế trong chăn nuôi rất nặng nề. Cũng do là bệnh mới nên hầu hết người chăn nuôi khó nhận biết được ngay các triệu trứng lâm sàng để ứng phó kịp thời. Một thực tế nữa ở hầu hết các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ khi gặp các bệnh mới, chủng mới thường không báo với chính quyền, cơ quan chuyên môn. Tới khi gia súc, gia cầm đã chết hàng loạt, khiến dịch bùng phát và lây lan ra diện rộng, cơ quan chuyên môn không đủ cơ sở để kết luận bệnh.
Dự báo thời gian tới, nguy cơ xuất hiện thêm các bệnh mới, chủng mới là rất cao. Ngoài ra, một số bệnh những năm qua đã khống chế tốt như nhiệt thán trâu bò, đóng dấu lợn, tai xanh, cúm lợn… vẫn có thể bùng phát trở lại. Do tổng đàn gia súc gia cầm lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh; nhiều đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng vaccine. Cùng với việc giao thương buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trong nước tăng mạnh, tình trạng nhập lậu động vật và sản phẩm động vật vẫn còn xảy ra tại các tỉnh, TP
Phát hiện sớm, khoanh vùng gọn
Những năm qua, với sự vào cuộc của các cấp các ngành, ngành Thú y đã được quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn, trang thiết bị chuyên ngành (đặc biệt các phòng thí nghiệm) nên đã kịp thời phát hiện ra các bệnh mới để có giải pháp khống chế, ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, để giảm thiểu tối đa thiệt hại do các loại dịch bệnh mới gây ra, giải pháp quan trọng nhất là cần phát hiện sớm và khoanh vùng kịp thời.
Theo đó, yêu cầu các địa phương cần phải thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh động vật theo các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt quan tâm tập huấn nâng cao năng lực trình độ chuyên môn cho hệ thống cán bộ chuyên môn, nhất là năng lực về chẩn đoán xét nghiệm, kỹ năng phát hiện bệnh. Đầu tư trang thiết bị chuyên ngành đáp ứng việc lấy mẫu xét nghiệm ngay từ cơ sở, trang thiết bị phòng thí nghiệm tiên tến hiện đại phù hợp với tình hình mới. Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để cập nhật thông tin kịp thời, nhất là những yếu tố về dịch tễ học đối với các bệnh truyền lây giữa người và động vật. Mặt khác, thực hiện tốt công tác quy hoạch chăn nuôi, chăn nuôi trang trại, chăn nuôi quy mô lớn, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ. Đây là giải pháp tổng thể trên địa bàn cả nước tạo sự thích ứng đồng bộ giữa các tỉnh thành.
Về chuyên môn, cần thực hiện tốt hơn chương trình giám sát chủ động để sớm phát hiện bệnh mới, chủng mới, từ đó có kế hoạch và giải pháp ứng phó kịp thời. Riêng với bệnh cúm gia cầm, cần thực hiện tốt việc xét nghiệm chủ động nhiều hơn nữa tại các cơ sở, nhất là khu vực chăn nuôi tập trung để kịp thời dự báo, có kế hoạch giám sát và ứng phó cụ thể, chi tiết hiệu quả hơn. Song song với đó, cần làm tốt công tác truyền thông để người chăn nuôi hiểu rõ về những biến đổi (mang tính quy luật) đối với dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Một giải pháp quan trọng đối với người chăn nuôi là chủ động thực hiện các giải pháp về giám sát, tiêm phòng, tổng tẩy uế môi trường, chăn nuôi an toàn sinh học. Đây cũng chính là giải pháp căn cơ quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh nói chung, bệnh mới, chủng mới xuất hiện nói riêng. Khi phát hiện bệnh mới, người chăn nuôi cần báo ngay với chính quyền hoặc cơ quan chuyên môn.
Đối với các cơ sở, địa phương cần tập trung nâng cao năng lực chuẩn đoán đối với mạng lưới thú y cơ sở, nhất là cán bộ chuyên môn cấp xã, phường để sớm phát hiện khi các ổ dịch còn ở quy mô nhỏ hoặc các ổ dịch đầu tiên, từ đó có giải pháp khống chế ngăn chặn ngay để dịch bùng phát. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật để đảm bảo phát hiện nhanh, kịp thời.