Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến đất nông nghiệp thành nhà ở, giám đốc và phó giám đốc ngồi tù

Chia sẻ Zalo

Lao vào vòng xoáy bất động sản, Hiếu cùng đồng phạm tính chuyện “làm giàu không khó” bằng cách thu gom đất nông nghiệp rồi xây nhà bán ra thị trường. Thế nhưng kết cục của cách làm ăn “lởm khởm” này đã khiến giám đốc và phó giám đốc phải ngồi tù...

Sau 4 ngày xét xử và nghị án kéo dài, ngày 28/12, TAND TP Hà Nội đã bước đầu khép lại vụ án lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng, xảy ra tại phường Cổ Nhuế I, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, vào giữa năm 2010 bằng thủ đoạn bán nhà trong một dự án “bánh vẽ”.

Theo đó, với nhận định cáo trạng truy tố là có căn cứ, đúng pháp luật, HĐXX sơ thẩm quyết định tuyên phạt Nguyễn Văn Hiếu (SN 1961, trú ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - nguyên Phó Giám đốc Công ty CP Nhật Minh tù chung thân và Nguyễn Thế Hùng (SN 1974, trú ở Làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch vọng, quận Cầu Giấy) - nguyên Giám đốc Công ty CP Cầu Vàng 18 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Giám đốc Công ty CP Cầu Vàng - Nguyễn Thế Hùng (bên trái) cùng đồng phạm tại tòa.
Giám đốc Công ty CP Cầu Vàng - Nguyễn Thế Hùng (bên trái) cùng đồng phạm tại tòa.
Quá trình xét xử sơ thẩm làm rõ, Công ty CP Cầu Vàng (gọi tắt là Công ty Cầu Vàng, trụ sở tại phố Vạn Bảo, quận Ba Đình) do Nguyễn Thế Hùng làm giám đốc. Biết Nguyễn Văn Hiếu có nhiều mối quan hệ xã hội tốt và công ty của đối tượng này cũng đang triển khai một số dự án nhà ở tại Hà Nội nên khoảng đầu năm 2010, bà Lê Thị Hồng Tuyết (vợ Hùng) giới thiệu mối làm ăn cho chồng.

Ngay sau đó, Hiếu và Hùng thấy một khu đất nông nghiệp xen kẹt tại thôn Hoàng Bốn, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế I, quận Bắc Từ Liêm) rất có triển vọng trở thành dự án nhà ở, do vậy đã nhanh chóng bắt tay hợp tác. Và rồi một dự án nhà ở thương mại cao tầng bề thế đã được Hiếu và Hùng “vẽ ra”.

Theo bàn bạc, thỏa thuận, Hiếu chịu trách nhiệm tìm “cửa” để “chạy” thủ tục pháp lý; cung cấp mẫu hợp đồng góp vốn (thực chất là hợp đồng mua bán nhà đất); thỏa thuận tiền đền bù cho các hộ dân và giải phóng mặt bằng. Còn Hùng thì sử dụng tư cách pháp nhân của Công ty Cầu Vàng để hoàn thiện các văn bản xin cấp phép đầu tư, đồng thời huy động tiền của mọi người.

Với kế hoạch vạch ra, tháng 5/2010, Hiếu soạn thảo văn bản rồi đưa cho Hùng dùng pháp nhân Công ty Cầu Vàng ký tên, đóng dấu đề nghị UBND TP Hà Nội cho làm chủ đầu tư dự án nhà ở tại thôn Hoàng Bốn, phường Cổ Nhuế I với tổng diện tích hơn 4.500m2. Nhận được văn bản của doanh nghiệp, Văn phòng UBND TP Hà Nội lập tức có phiếu chuyển công văn tới Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét.

Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội ra văn bản hướng dẫn Công ty Cầu Vàng về thủ tục để được chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập và thực hiện dự án theo quy hoạch. Song tại công văn hướng dẫn ấy ghi rõ: “Văn bản chỉ có tính chất hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện trình tự theo quy định hiện hành. Nghiêm cấm sử dụng văn bản này để huy động vốn không đúng quy định của pháp luật dưới mọi hình thức”.

Mặc dù biết rõ dự án mới bắt đầu ở thủ tục xin cấp phép triển khai nhưng Hiếu và Hùng vẫn sử dụng các công văn, giấy tờ của cơ quan chức năng để huy động vốn trái phép. Cụ thể, Hùng đã lấy danh nghĩa Công ty Cầu Vàng ký hàng loạt hợp đồng, phiếu thu để huy động tổng cộng hơn 29 tỷ đồng của 18 cá nhân.

Trong đó, cựu Giám đốc Công ty Cầu Vàng trực tiếp thu hơn 25,3 tỷ đồng và đã giao cho Hiếu hơn 18 tỷ đồng trong số tiền đó để “lo” dự án. Số tiền còn lại, Hùng ủy thác cho cấp phó của đối tượng chi trả tiền đền bù đất đối với 4 hộ dân và trả lại một số người đăng ký mua nhà trong dự án, nhưng về sau lại thoái vốn.

Sau hơn 1 năm triển khai dự án nhà ở theo kiểu “bánh vẽ”, nhưng công trình của Hiếu và đồng phạm vẫn không hề có động tĩnh gì. Vì vậy mà hàng loạt người góp vốn buộc phải đâm đơn tố cáo hành vi gian dối của bộ đôi giám đốc và phó phó giám đốc này. Kết quả điều tra sau đó xác định, tính đến cuối năm 2011, tại thôn Hoàng Bốn, phường Cổ Nhuế I không hề có bất kỳ dự án nhà ở nào và càng không phải do Công ty Cầu Vàng làm chủ đầu tư.      

Bị đưa ra truy tố tại tòa, cả 2 bị cáo đều không thành khẩn nhận tội, đồng thời cho rằng ở vào thời điểm bị tố cáo, dự án “biến đất nông nghiệp thành nhà ở” vẫn đang tiếp tục được triển khai với việc xin cấp phép và phê duyệt chủ đầu tư. Về số tiền hàng chục tỷ đồng chiếm đoạt của các bị hại, Hiếu thừa nhận chỉ cầm từ Hùng phần nhỏ và đã đưa cho một số người “chạy” dự án, nhưng lại không có tài liệu gì chứng minh.