Biến đổi khí hậu khiến thời tiết dị thường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, biến đổi khí hậu (BĐKH) là nguyên nhân khiến thời tiết cực đoan, dị thường.

Theo TS Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng - Khí hậu (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và BĐKH), BĐKH, trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo báo cáo của Ủy ban Liên Chính phủ về BĐKH (IPCC), sự biến đổi của khí hậu dẫn đến sự biến đổi của tần suất, cường độ, quy mô không gian, thời gian và quy luật hoạt động của các cực đoan thời tiết và khí hậu. Nhiệt độ nóng lên có thể làm cho các nhiễu động của hệ thống khí quyển như dải hội tụ nhiệt đới, các xoáy, bão, áp thấp nhiệt đới, giông, tố lốc… trở nên mạnh hơn và xảy ra thất thường hơn. Số liệu quan trắc ở Việt Nam cho thấy, nhiệt độ cực đoan tăng ở hầu hết các vùng khí hậu, mưa cực đoan tăng ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, hạn hán tăng cường mức độ khắc nghiệt. Ngoài ra, mưa phùn giảm rõ rệt, không khí lạnh ở Bắc Bộ giảm, mưa trái mùa và mưa lớn dị thường xuất hiện thường xuyên hơn.

Trong những năm qua, BĐKH đã có những tác động trực tiếp đến Việt Nam. Các công trình nghiên cứu có cơ sở để khẳng định, BĐKH không còn là dự báo mà đang xảy ra, trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cụ thể, trong 50 năm qua, nhiệt độ ở Việt Nam tăng 0,5oC và mực nước biển dâng lên 0,2m. Thiên tai, đặc biệt lũ lụt, hạn hán đã có những tác động mạnh, gây thiệt hại lớn ở nhiều địa phương.

Nghiên cứu của các chuyên gia Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn & Môi trường cho thấy, ở một số địa phương, năng lực của các cán bộ còn yếu nên chưa đáp ứng được thực tiễn. Chính vì thế, việc tăng cường năng lực cho địa phương về BĐKH rất quan trọng. Những người nông dân, người già, phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là những người dân nghèo sống ven biển hoặc ở các vùng núi cao là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bởi ít có điều kiện ứng phó với BĐKH. Vì vậy, người dân phải có ý thức thích ứng, ứng phó với BĐKH. Ví dụ, khi xây dựng nhà cửa, người dân sống ở các vùng thường xuyên bị lũ lụt chú ý hơn tới các nguy cơ ngập lụt, chủ động ứng phó thiên tai.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, trong tháng 6, khả năng xuất hiện khoảng 3 - 4 đợt mưa rào và dông trên diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ. Đan xen giữa các đợt mưa là thời kỳ nắng nóng ở Bắc Bộ; riêng khu vực Trung Bộ, đặc biệt ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xuất hiện nhiều ngày nắng nóng hơn so với trung bình nhiều năm. Tình trạng nắng nóng ở Trung Bộ có khả năng kéo dài, do vậy tình trạng khô hạn sẽ diễn ra nghiêm trọng. Ở các tỉnh Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cần tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra như dông mạnh, dông sét, lốc xoáy, mưa đá.

Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn vừa - hạn dài, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư lưu ý, người dân cần đề phòng khả năng xuất hiện dông mạnh kèm theo tố, lốc, mưa đá trong thời kỳ chuyển tiếp ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Để chủ động phòng tránh các hiện tượng thời tiết nguy hiểm và khắc nghiệt, người dân thường xuyên theo dõi các bản tin cảnh báo và dự báo thời tiết, bởi những hiện tượng thời tiết nguy hiểm thường xuất hiện rất nhanh, nếu không chủ động theo dõi và phòng tránh thì mức độ thiệt hại sẽ rất lớn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần