“Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là chủ đề của Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 diễn ra trong 2 ngày (17- 18/11) tại Đà Nẵng với 7 phiên thảo luận.

Trong bối cảnh một loạt hội nghị quốc tế quan trọng như Hội nghị thượng đỉnh APEC, Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tuần trước đều khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 được tổ chức tại Đà Nẵng một lần nữa là cơ hội để chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế thảo luận, tìm kiếm giải pháp thiết thực vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
“Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” - Ảnh 1
Ông Myint Thu - Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Myanmarphát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TTXVN
Diễn ra trong 2 ngày (17 - 18/11), hơn 200 chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Italia và Bỉ, Đài Loan (Trung Quốc)… tập trung bàn thảo về chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển ở Khu vực".

Theo đó, các đại biểu thảo luận về các nội dung chính: Các nhân tố ảnh hưởng đến vấn đề Biển Đông; Các bên tham gia và lực lượng hoạt động trên biển Đông; Tình hình chung ở Biển Đông và chính sách của các bên có liên quan; Quan hệ quốc tế và trật tự ở Biển Đông; Luật pháp quốc tế; Đất liền, đại dương và bầu trời; Luật biển quốc tế - các yêu sách và giải pháp và Các biện pháp xây dựng lòng tin và chính sách ngoại giao phòng ngừa.
“Vấn đề Biển Đông chỉ có thể được giải quyết dựa trên nhận thức đầy đủ, hiểu biết sâu sắc về các thách thức cũng như cơ hội đặt ra hiện nay và với sự chủ động, nỗ lực tích cực dựa trên tinh thần hợp tác của tất cả các bên liên quan khi đối mặt với những thách thức và cơ hội đó.” - Ông Văn Hữu Chiến Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

Theo ông Đặng Đình Quý - Giám đốc Học viện Ngoại giao nhận định, trải qua một năm có diễn biến phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ qua, sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với Biển Đông cũng ngày một gia tăng. Vì thế, tình hình Biển Đông càng phức tạp, càng cần nỗ lực lớn hơn, sáng tạo để công chúng quan tâm hơn tới Biển Đông; giới lãnh đạo các nước tính toán kỹ hơn lợi ích của chính mình, của dân tộc mình trước khi quyết định tiến hành các hoạt động ở Biển Đông và liên quan đến Biển Đông; để thiết lập các cơ chế kiểm soát hiệu quả tranh chấp, ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông.

Cùng chung quan điểm này, ông Mr. Myint Thu - Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Myanmar, nước Chủ tịch ASEAN đương nhiệm cho rằng, duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Biển Đông là một mối quan tâm của cộng đồng quốc tế. Đồng thời khẳng định, trong năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, Myanmar luôn coi vấn đề Biển Đông là một ưu tiên cao. Lãnh đạo ASEAN đã ra nhiều tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực cũng như tầm quan trọng của việc tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), Tuyên bố nguyên tắc Sáu điểm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Đặc biệt, Tuyên bố Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 25 vừa kết thúc tuần trước đã nhất trí thúc đẩy các biện pháp nhằm kiểm soát tốt hơn tình hình ở Biển Đông.

Điều đáng nói là tại Hội thảo lần này, các học giả đã dành một thời lượng đáng kể để thảo luận về các biện pháp giúp thúc đẩy hợp tác kinh tế biển; duy trì môi trường đầu tư và quan hệ kinh tế, thương mại, du lịch trong bối cảnh có các khác biệt, tranh chấp hay va chạm trên biển; các biện pháp đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu bè đi biển; về vai trò và các khả năng đóng góp của các địa phương ven biển của các nước liên quan trong việc duy trì hoà bình và thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông.
Được tổ chức từ năm 2009, Hội thảo quốc tế về Biển Đông là hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức với mục tiêu tạo diễn đàn để các học giả, giới tư vấn chính sách trong và ngoài nước trao đổi, đưa ra những kiến nghị mới để đóng góp thiết thực hơn vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.