Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Biến động thị trường] Máy lọc không khí bán chạy mùa dịch

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến người dân càng có ý thức bảo vệ sức khỏe nên không ít người mạnh tay chi tiền mua máy lọc không khí để bảo đảm môi trường sống của gia đình luôn trong sạch.

Đa dạng sản phẩm máy lọc không khí
Thông tin từ các siêu thị điện máy cho biết, mặc dù Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 nhưng sức tiêu thụ máy lọc không khí thông qua mua sắm online tăng gấp 2-3 lần so với trước..
Theo ghi nhận của phóng viên, máy lọc không khí trên thị trường hiện có khá nhiều thương hiệu như Sharp, Panasonic, Daikin, Hitachi, Xiaomi, Coway… giá từ 1 - 6 triệu đồng/sản phẩm. Ngoài ra, người tiêu dùng còn tìm mua các loại máy lọc đã qua sử dụng nhập từ Nhật, còn gọi là "hàng bãi", có giá vài triệu đồng/sản phẩm tùy theo chất lượng máy. Trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử còn rao bán nhiều loại "máy lọc không khí thông minh" do Trung Quốc sản xuất với giá bán chỉ trên 1 triệu đồng/sản phẩm, thậm chí loại máy lọc không khí mini được sử dụng trong ô tô và không gian hẹp sẽ chỉ có giá vài trăm nghìn đồng/sản phẩm.
Bên cạnh những loại máy lọc không khí giá rẻ trên thị trường còn có sản phẩm cao cấp giá bán lên đến hàng chục triệu đồng. Trên sàn thương mại điện tử Sendo lọc không khí Sharp FP-J30E được rao bán với giá 2,19 triệu đồng/sản phẩm, máy Boneco P700 lại có giá thành lên tới 48,5 triệu đồng/sản phẩm, máy lọc không khí Aeris Air One có giá đến 91,68 triệu đồng/sản phẩm.
 Máy lọc không khí bầy bán tại siêu thị  điện máy

Có thực sự hữu ích như quảng cáo?
Thực tế cho thấy, trước nhu cầu tăng cao về máy lọc không khí, nhiều nơi bán không ngần ngại thổi phồng chức năng sản phẩm. Nhân viên tư vấn bán hàng điện máy online trên mạng xã hội “quảng cáo”, người tiêu dùng nên mua máy lọc không khí bởi có nhiều tính năng như kiểm soát chất lượng không khí, khử mùi, diệt khuẩn, virus, nấm mốc… Những loại máy đời mới còn có thêm một số tính năng như độ ồn thấp, sử dụng phin lọc tĩnh điện; công nghệ lọc bằng ion, plasma, HEPA; cảm biến phát hiện bụi, điều khiển bằng điện thoại… cảm biến laser, ánh sáng; lõi lọc 3 lớp, công suất lớn, màn hình hiển thị chất lượng không khí, kết nối WiFi….
Phân tích những lời “quảng cáo” quá đà, chuyên gia Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học&Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) nêu rõ, virus là loại vi khuẩn siêu nhỏ hiện nay chưa thể diệt bằng kháng sinh hay thuốc, mà chỉ dựa trên cơ sở khống chế hệ miễn dịch của con người để tiêu diệt dần. Ngoài ra cơ chế hoạt động của các loại máy lọc khi sử dụng màng lọc là có thể giữ lại một số vi khuẩn bám trên bụi, nhưng hầu hết đó chỉ là bụi thô, không phải bụi tinh. Vì vậy, sản phẩm chỉ có tác dụng ở mức độ tương đối, chứ nói đến tiêu diệt virus, vi khuẩn, thậm chí diệt tới 99% là chuyện hết sức viển vông. Đồng tình với ý kiến này, bác sĩ Nguyễn Minh Long (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cũng khẳng định: Từ trước tới nay, chưa có bất cứ nghiên cứu nào chứng minh thảo dược sử dụng trong máy lọc không khí có khả năng diệt được vi khuẩn, đặc biệt là các loại virus.
Trước những thông tin sai lệch, các chuyên gia khuyến cáo, hiện nay không ít cơ sở kinh doanh sẵn sàng đánh vào tâm lý lo sợ dịch bệnh của người dùng để nhằm quảng bá và bán sản phẩm. Trong khi đó, hiệu quả của các sản phẩm này phải được cơ quan chức năng thẩm định, nếu “quảng cáo” sản phẩm quá sự thật thì đây là hành vi lừa đảo. “Để hạn chế dịch bệnh lây lan, người dân nên thường xuyên phun thuốc khử trùng  nhà cửa, nếu có việc phải đi ra ngoài thì chuẩn bị những loại khẩu trang chuyên dụng, thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn”- Bác sỹ Long khuyến cáo.